Trong thông báo ngày 15/5, đảng Dân chủ Xã hội tuyên bố sẽ thúc đẩy việc Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng không ủng hộ “việc triển khai vũ khí hạt nhân và đặt các căn cứ thường trực trên lãnh thổ nước này”.
Trước đó cùng ngày, Chính phủ Phần Lan cũng chính thức công bố kế hoạch gia nhập NATO, bất chấp cảnh báo từ Nga. Mátxcơva – vốn coi sự mở rộng của NATO là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia – từng tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp để đáp trả.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC được phát sóng ngày 15/5, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng những cảnh báo của Nga “rõ ràng là đáng lo ngại”.
“Nhưng việc xác định Phần Lan và Thụy Điển có trở thành đồng minh NATO hay không sẽ phụ thuộc vào người dân hai nước, chứ không phụ thuộc vào Nga”, ông Kirby nhấn mạnh.
Khi được hỏi liệu Mỹ có gửi quân đến bảo vệ Phần Lan và Thụy Điển nếu họ bị tấn công hay không, phát ngôn viên Kirby nói rằng ông không muốn suy đoán về một kịch bản giả định, nhưng vẫn đưa ra một câu trả lời chi tiết.
Ông nhấn mạnh rằng cả Phần Lan và Thụy Điển đều “có quân đội rất hiện đại” mà lực lượng Mỹ “cảm thấy thoải mái khi làm việc cùng”. Theo quan điểm của ông Kirby, quan hệ chặt chẽ giữa Washington và hai quốc gia Bắc Âu sẽ cho phép Washington cung cấp hỗ trợ quân sự cho Helsinki và Stockholm nếu cần thiết.
“Nếu trong giai đoạn nộp đơn gia nhập NATO mà họ cần được giúp đỡ, thì chúng tôi có thể cung cấp một số sự hỗ trợ bổ sung”, ông Kirby nói.
Thụy Điển và Phần Lan – quốc gia có đường biên giới dài hơn 1.000km với Nga – đã quyết định đảo ngược chính sách trung lập quân sự đã duy trì suốt hàng chục năm sau khi chứng kiến xung đột Nga – Ukraine. Theo các cuộc thăm dò gần đây, đa số người dân ở cả hai quốc gia đều ủng hộ việc trở thành thành viên của NATO.
Ngoài Nga, một trở ngại khác mà Thụy Điển và Phần Lan có thể gặp phải trong quá trình gia nhập NATO là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thành viên liên minh.
Hôm 13/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gọi 2 quốc gia Bắc Âu là “chốn dừng chân của các tổ chức khủng bố”. Thổ Nhĩ Kỳ ra điều kiện các nước Bắc Âu phải ngừng hỗ trợ cho các nhóm chiến binh mà Ankara coi là khủng bố, đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana hôm 15/5 cho biết ông chắc chắn rằng khối này có thể xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ để sớm kết nạp Thụy Điển, Phần Lan.
“Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng. Họ đã bày tỏ mối quan ngại với bạn bè và đồng minh”, ông Geoana nói. “Tôi tin tưởng rằng nếu Phần Lan và Thụy Điển quyết tâm trở thành thành viên NATO, chúng tôi sẽ có thể chào đón họ, tìm cách để đạt được sự đồng thuận.”
Đồng quan điểm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ có thể giải quyết những mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ mà không làm trì hoãn việc kết nạp thành viên.”