Phản đối dữ dội việc giết hổ ăn thịt 13 người

Con hổ cái T-1 bị kết liễu bởi thợ săn chuyên nghiệp cuối tuần trước sau cuộc săn lùng kéo dài hai năm với bốn lần thoát khỏi bẫy (ảnh AFP)
Con hổ cái T-1 bị kết liễu bởi thợ săn chuyên nghiệp cuối tuần trước sau cuộc săn lùng kéo dài hai năm với bốn lần thoát khỏi bẫy (ảnh AFP)
TPO - Cuộc săn lùng kéo dài gần hai năm con hổ cái được cho đã giết 13 người vừa kết thúc cuối tuần trước ở Ấn Độ thì nổi lên làn sóng phản đối dữ dội. Có ý kiến cho phản ứng là thái quá và thiên về cảm xúc hơn là nhằm bảo tồn thực sự.

Chính trị gia cũng phản đối

Bất mãn không chỉ đến từ các nhà bảo tồn mà cả chính trị gia bất chấp con vật gây kinh hoàng cho cả một vùng 90 km2, rộng hơn 20 lần diện tích Hồ Tây của Hà Nội.

Phản đối dữ dội việc giết hổ ăn thịt 13 người ảnh 1 Hổ Ấn Độ hiện chiếm 60% quần thể hổ toàn thế giới (ảnh AFP)

Một bộ trưởng liên bang buộc tội giám đốc lâm nghiệp của bang Maharashtra mạn tây Ấn Độ, nơi có con hổ bị giết và hiện còn 200 con trong đó chỉ 1/3 sống trong khu bảo tồn, về việc ban lệnh “hạ sát ghê rợn” đối với “con hổ cái ăn thịt người”.

Maneka Gandhi, thành viên chính phủ liên bang nói giết chết con hổ mang biệt danh T-1 kia tối thứ sáu tuần trước “đích thị là tội ác trắng trợn”.

Các nhóm bảo vệ quyền động vật coi đó là “thoả mãn cơn khát máu của thợ săn”, ám chỉ một thiện xạ tư nhân được chính quyền thuê để kết liễu con vật thoát khỏi 100 camera theo dõi.

Ullas Karanth, một trong những nhà bảo tồn hổ hàng đầu thế giới bày tỏ: “Hổ rất hiếm khi vồ hoặc giết người và đôi khi chúng có thể ăn một phần tử thi”.

Không chỉ con ở bang Maharashtra gây hoảng sợ triền miên cho 5000 người ở 20 làng và vừa bị kết liễu, với những con hổ “có vấn đề”, các nhà bảo tồn nại rằng tại sao đi thuê các thợ săn tư nhân mà không huy động lực lượng bảo vệ rừng trong tổng số 90.000 nhân viên ăn lương nhà nước.

Với thợ săn, mục đích tối thượng của họ là tiêu diệt con mồi. Còn kiểm lâm thường được đào tạo bài bản và họ có thể hạn chế sự hung dữ của con vật thay vì chỉ nhăm nhăm giết.

Phản đối dữ dội việc giết hổ ăn thịt 13 người ảnh 2 Người chăn bò mặc áo giáp để phòng hổ vồ (ảnh Hindustan Times)

Năm xưa nhiều người bị vồ hơn

Tuy nhiên, như bài của phóng viên Ấn Độ  Soutik Biswas viết cho BBC hôm 6/11, vấn đề có vẻ phức tạp hơn nhiều.

Các nhà bảo tồn tin rằng xung đột hiện tại giữa người với hổ - cả hai cùng đi lạc vào môi trường sinh sống của nhau – có lẽ là kết quả của tình trạng “quá nhiều rồi”.

Với chừng 3.000 cá thể hổ, Ấn Độ hiện là quê hương của 60% lượng hổ toàn cầu và đây được xem là thành công lớn của công tác bảo tồn.

Còn nhớ, chỉ tính từ năm 1875-1925, có tới 80.000 con hổ bị giết ở Ấn Độ. Quà tặng, săn bắn thể thao bùng phát tràn lan. Cả vua lẫn quan đều hăng say lao vào cuộc chơi với đủ loại vũ khí như súng, lưới, bẫy, lao, bả độc.

Đến những năm 1960, quần thể hổ giảm như lao dốc. Vài thập kỷ sau, chúng phục hồi nhanh chóng do kết quả của lệnh cấm săn mà cụ thể là một bộ luật bảo tồn hoang dã ngặt nghèo ban hành năm 1972.

Đấy là chưa kể, từ năm 2006, trước sức ép của các tổ chức bảo tồn toàn cầu, Ấn Độ còn thuê thêm nhiều kiểm lâm để đảm bảo thực thi luật.

Phản đối dữ dội việc giết hổ ăn thịt 13 người ảnh 3 Hơn 100 bẫy camera được lắp đặt để săn lùng T-1 (ảnh Hindustan Times)

Bức xúc cảm tính là chính

Thực ra chuyện hổ giết người không phải chuyện mới. Chẳng hạn, năm 1877, có 800 người bị hổ vồ chết. Năm 1908, hơn 900 người bị hổ sát hại chỉ riêng tại các tỉnh do thực dân Anh cai trị.

Nhưng chưa bao giờ xung đột hổ-người lại nóng như mấy năm gần đây cho dù tổng quần thể cũng như số người bị loại thú dữ này ăn thịt ít hơn trước nhiều.

Một trong những lý do cơ bản được các nhà bảo tồn chỉ ra là dân số gia tăng chóng mặt và tàn phá rừng quá nhiều khiến cho rừng tự nhiên bị thu hep ghê gớm.

Theo ước tỉnh, các loài thú lớn thuộc họ mèo ở Ấn Độ hiện chỉ còn được tự do trên một diện tích 300.000 km2. Diện tích ấy được cho quá chật nếu biết chỉ riêng hổ đã là 3.000 con, chưa kể các loài thú họ mèo khác nữa như báo, sư tử.

Toàn bộ lãnh thổ đất liền Việt Nam với diện tích nhỉnh hơn thế chút đỉnh, 331.210 km2, chỉ còn 100 cá thế hổ (theo WWF Việt Nam) mà thỉnh thoảng người sống ven rừng vẫn gặp chúa sơn lâm.

Mở rộng các khu bảo tồn được cho là giải pháp duy nhất để giảm xung đột người- hổ. Các nhà bảo tồn cho biết nuôi nhốt hổ không khả thi vì chúng không dễ thích nghi với môi trường nhân tạo. Còn các vườn thú thì bị bảo đã quá chật rồi.

Song các nhà xã hội nại rằng tại sao các phản ứng trước việc giết cá cá thể hổ “có vấn đề” những năm gần đây lại mãnh liệt đến vậy. Phản ứng quá mức có phải thực sự vì bảo tồn hay không?

Cuối cùng, nhà bảo tồn Karanth cũng lên tiếng về số phận hổ cái T-1 sáu năm tuổi khi ông cho rằng hạ sát một cá thể hổ gây khiếp đảm cho cộng đồng trong một thời gian dài và trên một vùng rộng lớn không nên bị khái quát hoá thành hành động đi ngược với bảo tồn.

“Khoa học và kinh nghiệm thực tiễn chỉ ra rằng chúng ta không thể chăm sóc từng cá thể hổ hoang dã được. Những người yêu động vật và các nhà bảo tồn nên hướng đến bảo tồn loài trong tổng thể hơn là bảo vệ từng cá thể”, Karanth – hiện là chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn Thú hoang Chương trình Ấn Độ, nói.

“Các can thiệp bảo tồn, vì thế, cần được hướng dẫn bởi các bằng chứng khoa học và các thực hành xã hội hơn là bằng cảm xúc”, nhà bảo tồn sinh năm 1948 nhận định.

Còn phóng viên Biswas kết luận bài phân tích của mình về vụ săn lùng kịch tính con hổ được cho đã thành tinh ở Maharashtra, bang lớn thứ ba Ấn Độ và có 112 triệu người, bằng câu “lúc này cảm xúc dường như đang chiến thắng”.  

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.