Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Shangri-La:

Phải dừng cải tạo trên biển Đông

Tại Đối thoại Shangri-La ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định, hành động của Trung Quốc trên biển Đông đang vượt ra ngoài chuẩn mực quốc tế và khu vực. Ảnh: IISS.
Tại Đối thoại Shangri-La ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định, hành động của Trung Quốc trên biển Đông đang vượt ra ngoài chuẩn mực quốc tế và khu vực. Ảnh: IISS.
TP - Ngày 30/5 tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 14 đang diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter kêu gọi dừng ngay các hoạt động cải tạo trái phép trên biển Đông, chỉ trích Trung Quốc đi ngược luật lệ quốc tế và nêu rõ quan điểm của Mỹ về vấn đề này.

Tiền Phong xin dịch một phần bài phát biểu của ông Carter do Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp.

“Trung Quốc đã cải tạo hơn 2.000 mẫu, nhiều hơn tổng diện tích cải tạo của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền (trên biển Đông) và nhiều hơn trong toàn bộ lịch sử khu vực. Trung Quốc làm điều đó chỉ trong vòng 18 tháng qua. Vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ đi xa tới đâu. Đó là lý do tại sao vùng nước này đã trở thành nguồn căng thẳng trong khu vực và lên trang nhất các báo khắp thế giới.

Mỹ quan ngại sâu sắc về tốc độ và phạm vi cải tạo đất trên biển Đông, triển vọng tăng cường quân sự hóa cũng như tiềm năng của các hoạt động này làm tăng nguy cơ tính toán sai hoặc xung đột giữa các bên tuyên bố chủ quyền. Là một quốc gia Thái Bình Dương, một quốc gia thương mại và một thành viên của cộng đồng quốc tế, Mỹ có mọi quyền tham gia và quan tâm. Nhưng những vấn đề này không chỉ là mối quan tâm của Mỹ. Các quốc gia trong khu vực và trên thế giới mà nhiều bạn hôm nay có mặt trong căn phòng này là đại diện cũng đã bày tỏ quan ngại tương tự và nêu câu hỏi về ý định của Trung Quốc trong việc xây dựng các tiền đồn đồ sộ này.

Vì vậy, tôi xin làm rõ quan điểm của Mỹ:

Thứ nhất, chúng tôi muốn một giải pháp hòa bình cho tất cả tranh chấp. Để đạt được điều đó, tất cả các bên tuyên bố chủ quyền phải dừng cải tạo đất ngay lập tức và dừng lâu dài. Chúng tôi cũng phản đối bất cứ việc đẩy mạnh quân sự hóa các thực thể tranh chấp. Ngay bây giờ, trong tình huống quan trọng này, là thời điểm để làm mới vấn đề ngoại giao, tập trung vào tìm ra giải pháp lâu dài bảo vệ quyền và lợi ích của tất cả các bên. Là trung tâm của kiến trúc an ninh khu vực, ASEAN phải là một phần của nỗ lực này: Mỹ khuyến khích ASEAN và Trung Quốc ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông trong năm nay. Và Mỹ sẽ ủng hộ quyền của các bên tuyên bố chủ quyền trong việc theo đuổi việc phân xử pháp lý quốc tế và các biện pháp hòa bình khác để giải quyết những tranh chấp này, cũng giống như chúng tôi phản đối các chiến thuật ép buộc, cưỡng bức.

Thứ hai, Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải và các nguyên tắc bay trên trời bảo đảm an ninh và thịnh vượng trong khu vực này nhiều thập kỷ qua. Không còn nghi ngờ gì nữa: Mỹ sẽ bay, đi tàu thủy và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như các lực lượng Mỹ làm khắp nơi trên thế giới. Cùng với các đồng minh và đối tác của mình trong kiến trúc khu vực, Mỹ sẽ không bị ngăn cản thực hiện những quyền này - quyền của tất cả các quốc gia. Xét cho cùng, việc biến một bãi đá ngầm thành một sân bay không đem lại quyền chủ quyền hoặc quyền hạn chế hàng không quốc tế hoặc quá cảnh hàng hải.

Cuối cùng, với các hành động của mình trên biển Đông, Trung Quốc đang đi vượt ra ngoài luật lệ quốc tế và các quy tắc nhấn mạnh kiến trúc an ninh châu Á-Thái Bình Dương, đi ngược sự đồng thuận khu vực - ủng hộ ngoại giao và phản đối sự ép buộc, áp bức. Những hành động này đang thúc giục các quốc gia cùng phản ứng theo những phương cách mới: ở các cơ chế đa dạng như Thượng đỉnh Đông Á, G-7, các nước đang nói lên tầm quan trọng của sự ổn định ở biển Đông. Indonesia và Philippines đang đặt tranh chấp biển sang một bên và giải quyết các tuyên bố chủ quyền của họ một cách hòa bình. Và tại các hội nghị như ADMM+ (Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 nước đối tác, đối thoại), Diễn đàn Biển Đông Á (Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng), các quốc gia đang tìm kiếm những nghi thức, thủ tục mới để xây dựng hợp tác biển.

Mỹ sẽ luôn đứng cạnh các đồng minh và đối tác của mình. Điều quan trọng đối với khu vực là hiểu được rằng Mỹ sẽ tiếp tục tham gia, tiếp tục ủng hộ luật pháp quốc tế và các nguyên tắc toàn cầu và giúp đem lại an ninh, ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới”. 

Ngày 30/5, tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thông báo Mỹ sẽ thiết lập Sáng kiến An ninh biển Đông Nam Á; Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn 425 triệu USD cho các nỗ lực xây dựng năng lực trên biển cho các nước trong khu vực. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nêu đề xuất của Nhật Bản về Sáng kiến Đối thoại Shangri-La, gồm: hoàn thiện quy tắc chung liên quan biển đảo trong khu vực, thúc đẩy tập trận chung, phòng ngừa tai nạn dính dáng tàu ngầm, xây dựng hệ thống radar giám sát khu vực, nâng cao năng lực ứng phó thiên tai. Ông Nakatani nói rằng, Trung Quốc đang cố gắng thay đổi hiện trạng ở biển Đông, rằng nước này cần hành xử như một nước lớn có trách nhiệm. Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu kêu gọi các thành viên ASEAN và cả Trung Quốc tuần tra chung trên biển Đông. Các bộ trưởng quốc phòng tham dự hội nghị đều cho rằng, các nước cần giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao và tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Thái An 
Theo IISS, Kyodo, Xinhua

MỚI - NÓNG