Vedant Patel, Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington vẫn sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
"Cả Nga và Trung Quốc đều có vai trò tiềm năng mà họ có thể đảm nhiệm, kể cả thông qua sự bảo trợ của UNSC, trong đó họ có thể sử dụng tầm ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên để khuyến khích nước này kiềm chế các hành vi khiêu khích. Những hành vi này sẽ không chỉ kích động căng thẳng trong khu vực nhỏ mà cả khu vực rộng lớn", ông nói. "Họ cũng có vai trò trong việc khuyến khích Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.”
Tuyên bố của ông Patel được đưa ra sau khi Triều Tiên thông báo mời các phái đoàn Trung Quốc và Nga tham dự sự kiện đánh dấu kỷ niệm 70 năm ký kết hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun-nam khi đến Bình Nhưỡng vào ngày 25/7. Ảnh: Yonhap |
Giới quan sát tin rằng đây là những đoàn khách nước ngoài đầu tiên đến Bình Nhưỡng sau vài năm Triều Tiên “đóng cửa” biên giới vì đại dịch. Các chuyến thăm cho thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa ba nước.
Trung Quốc và Nga, đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã phủ quyết khoảng hơn 10 nghị quyết của UNSC nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đã phóng 69 tên lửa đạn đạo vào năm 2022, con số kỷ lục về số lượng tên lửa đạn đạo được phóng trong một năm, bất chấp nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm nước này phát triển hoặc sử dụng bất kỳ công nghệ tên lửa đạn đạo nào.
Triều Tiên cũng đã tiến hành 12 vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) kể từ đầu năm ngoái, bao gồm vụ thử ICBM mới nhất được tiến hành vào ngày 12/7.
Phó phát ngôn viên Patel cho biết Mỹ vẫn cam kết đi theo con đường ngoại giao.
"Quan điểm của Mỹ về vấn đề này khá nhất quán, đó là chúng tôi sẵn sàng gặp Bình Nhưỡng mà không cần điều kiện tiên quyết và chúng tôi tiếp tục cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên", ông nói trong cuộc họp báo.