“Xóa” mùa thấp điểm
Bà Hoài An cho hay, trước đây ngành du lịch ở hầu hết các tỉnh thành thường thở dài chỉ làm được “mấy tháng nắng”, từ tháng 9, 10 trở đi bước vào mùa thấp điểm. Tuy nhiên những năm trở lại đây, ngay trong mùa mưa lạnh du lịch vẫn tổ chức được nhiều sự kiện, các đoàn khách công vụ (MICE), khách tự do đến càng nhiều. “Chúng ta phải dần quên đi câu chuyện mùa thấp điểm, vì nói mùa thấp điểm là đang chia giới hạn cho ngành du lịch. Đà Nẵng đang cùng cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động trong những tháng mưa lạnh để xây dựng hình ảnh du lịch thành phố gần như quanh năm”, bà An nói.
Đà Nẵng nỗ lực thu hút khách để xây dựng hình ảnh du lịch thành phố gần như quanh năm. Ảnh: Thanh Hiền |
Đồng quan điểm, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận khái niệm “mùa thấp điểm” có vẻ không nên áp dụng cho du lịch Đà Nẵng nữa. Từ tháng 10 trở đi, lượng khách từ thị trường truyền thống Hàn Quốc, Trung Quốc ít đi, nhưng lại bước vào mùa cao điểm của thị trường châu Âu, châu Úc, châu Mỹ.
9 tháng đầu năm nay, các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng phục vụ gần 8,7 triệu lượt khách, trong đó có 3,1 triệu lượt khách quốc tế. Theo mục tiêu đặt ra đón 8,4 triệu lượt khách cho năm 2024, thì thành phố đã vượt qua. Con số này đã tiệm cận năm 2019 - thời kỳ đỉnh cao của du lịch Đà Nẵng khi đón gần 8,7 triệu lượt khách (3,5 triệu lượt khách quốc tế), thu về gần 31.000 tỷ đồng. “Năm nay Đà Nẵng chắc chắn vượt qua thời điểm “huy hoàng” nhất của du lịch. Thành phố kỳ vọng sẽ đón khoảng 10 triêu lượt khách”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng cho hay, sau khi hết kỳ nghỉ hè, bước vào năm học mới, nguồn khách nội địa giảm hẳn, và do đặc tính không chuộng du lịch trong mùa mưa lạnh nên những tháng cuối năm thị trường này lác đác. Tuy nhiên lại có nguồn khách quốc tế bù đắp, khi các chuyến bay thẳng lần lượt được kết nối tới Malaysia, Ấn Độ… Đặc biệt du lịch MICE, các show biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật với sự xuất hiện của nghệ sĩ nổi tiếng thu thu hút hàng ngàn khách. Ông cho biết thêm, trong những tháng cuối năm, một số khách sạn cũng kín phòng vào dịp Noel, chào năm mới.
Không bỏ trứng vào một giỏ
Nếu trước đây Đà Nẵng phụ thuộc vào nguồn khách truyền thống Trung Quốc và Hàn Quốc, có thời điểm hai thị trường này chiếm hơn 80% cơ cấu khách quốc tế thì nay thành phố đã nhắm đến các thị trường mới, bền vững hơn để tránh gặp rủi ro khi hai thị trường này gặp biến cố hay cú sốc lớn từ bên ngoài, điển hình như dịch COVID-19. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng nêu thực tế, châu Úc, châu Mỹ, châu Âu là thị trường rộng lớn, tiềm năng với đặc thù chi tiêu cao, trải nghiệm cá nhân lớn, quan tâm đến văn hoá địa phương nên thành phố chú trọng khai thác. Hiện Đà Nẵng đã nhận được tín hiệu tốt từ các thị trường này. Dù chưa có đường bay trực tiếp nhưng các đường bay chuyển tiếp ghi nhận thị trường này rất đông, một số chuyến bay có hơn 50% khách quốc tế đến Đà Nẵng. Mới đây, Đà Nẵng còn có thêm đường bay thẳng với Kuala Lumpur, giúp kết nối tốt với khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông…, tạo cơ hội thu hút khách đến thành phố.
Thời gian gần đây, Đà Nẵng ghi nhận sự bật tăng ấn tượng từ thị trường tỷ dân Ấn Độ, những vị khách “siêu giàu” tới tổ chức đám cưới xa hoa với 500 - 1.000 khách mỗi đoàn. Không chỉ lưu trú trong khách sạn sang trọng để dự tiệc, họ còn thăm thú, mua sắm, vui chơi ở nhiều địa điểm nổi tiếng tại Đà Nẵng. Xác định đây là thị trường cực kỳ tiềm năng, khách chất lượng cao, thành phố đã tung hàng loạt ưu đãi cho nhóm khách này theo từng quy mô 100 khách, 200 khách, 350 khách… Bên cạnh đó là chiến lược thu hút khách du lịch MICE quanh năm.