‘Phải cho thanh niên cảm nhận được giá trị thật của biển đảo’

TPO - Đây là lời khuyên của đồng chí Dương Văn An - Phó Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận, Nguyên Bí thư BCH TƯ Đoàn khi được hỏi: “Tổ chức Đoàn cần làm gì để tăng cường nhận thức về biển đảo cho thanh niên?”.

Bảo vệ biển đảo là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó, lực lượng thanh niên đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do vậy, trước tình hình biển Đông có những diễn biến phức tạp, việc giúp đoàn viên thanh niên tăng nhận thức về biển đảo là việc làm cần thiết.

Những năm gần đây, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức trực thuộc đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về biển đảo có sức lan tỏa rộng lớn như hoạt động “Góp đá xây Trường Sa”, “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”…

Đồng chí Dương Văn An – Phó Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận, Nguyên Bí thư BCH T.Ư Đoàn, người từng có nhiều năm tham gia tổ chức các hoạt động hướng về biển đảo cho Đoàn viên thanh niên nhận xét: “Thông qua những sự kiện liên quan đến biển Đông và hoạt động tuyên truyền, vận động của Đoàn thanh niên, có thể thấy nhận thức về biển đảo của Đoàn viên thanh niên giờ đây đã lớn hơn rất nhiều. Ý thức, trách nhiệm của thanh niên cũng ngày càng được vun đắp.”

‘Phải cho thanh niên cảm nhận được giá trị thật của biển đảo’ ảnh 1

Đồng chí Dương Văn An - Phó Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận, Nguyên Bí thư BCH TƯ Đoàn khóa IX trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong.

Để giúp ngày càng có thêm nhiều Đoàn viên thanh niên nhận thức đúng đắn về vấn đề biển đảo, đồng chí Dương Văn An đã mạnh dạn “hiến kế” cho tổ chức Đoàn khi tổ chức các hoạt động hướng về biển đảo quê hương:

“Thứ nhất, giáo dục phải gắn với thực tiễn, học phải đi đôi với hành. Bác Hồ từng nói mình cần tuyên truyền, giáo dục nhưng không thể tuyên truyền xuông, phải bằng những hành động cụ thể.

Nếu muốn tuyên truyền về biển đảo, thì mình phải tổ chức cho thanh niên cảm nhận được giá trị thật của biển đảo, có thể là tổ chức xem một thước phim, đọc một cuốn sách hoặc cao hơn nữa là cho đoàn viên thanh niên tham gia một chuyến hành trình về với biển đảo. Có ra đảo thì mọi người mới cảm nhận được sâu sắc những giá trị của biển đảo trong đời sống. Tùy từng điều kiện cụ thể, nếu quy mô tổ chức nhỏ thì đi những đảo gần bờ, quy mô lớn hơn thì đi xa bờ.

Thứ hai, giáo dục mà muốn để lại giá trị thì ta phải xem sau chuyến đi ra đảo đó, trong các bạn đọng lại những gì. Các bạn không thể chỉ xem chuyến đi đó là một kỉ niệm riêng cho mình, mà còn phải cố gắng phát huy và lan tỏa những điều mình cảm nhận được, tiếp thu được.

Để làm được điều đó, trong chuyến đi ra đảo, ta có thể tổ chức các hoạt động bên lề cho các bạn thanh niên như sáng tác thơ, văn, nhạc, bút kí, truyền ngắn… Rồi cho các bạn có cơ hội tìm hiểu, đi đảo này thì tìm hiểu thêm về đảo khác để sự cuốn hút được nối dài liên tục.”

Khi nhớ lại quá trình hoạt động tuyên truyền về biển đảo, đồng chí Dương Văn An chia sẻ: “Trong một lần tham gia “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” ra Trường Sa, tôi đã tổ chức rất nhiều hoạt động cho các bạn thanh niên tham gia như làm báo tường, làm tác phẩm phát thanh, thi sáng tác, chụp ảnh…”

Theo ông đây là việc làm rất cần thiết, bởi: “Có như vậy thì sau một chuyến đi, các bạn mới có thể thu gom nhiều giá trị, mà những giá trị đó còn có thể để lại cho lớp Đoàn viên đi sau. Qua thời gian, thững kỉ niệm, giá trị, kinh nghiệm, tình cảm đó sẽ được bồi đắp dần lên. Chứ nếu chỉ đi về rồi thôi thì coi như mình trở về con số 0.”

MỚI - NÓNG