Tiếp vụ phân bón Thuận Phong tại Đắk Lắk

Phải bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà nông

Ông Phạm Thái đại diện 389 Đắk Lắk trình bày với đoàn 389 quốc gia.
Ông Phạm Thái đại diện 389 Đắk Lắk trình bày với đoàn 389 quốc gia.
TPO - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi đọc báo Tiền Phong số 285 ra ngày 12/10/2015 có bài " Phân bón giả-Tai họa của nhà nông", đã lập tức giao văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan làm rõ các nội dung báo Tiền phong phản ánh; đề xuất biện pháp xử lý lên Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong tháng 11 năm 2015. 

Thực hiện sự chỉ đạo này, ngày 28/10/2015 đoàn công tác liên bộ do ông Hồ Quang Thái- phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia dẫn đầu, đã vào làm việc tại TP Buôn Ma Thuột, nơi đặt văn phòng đại diện của Cty Thuận Phong mà ngày 9/10/2015 Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã yêu cầu mở kho hàng, phát hiện có dấu hiệu hoạt động kinh doanh trái phép.

Trong cuộc họp với các bên liên quan, ông Phạm Thái giám đốc Sở Công Thương -Phó ban chỉ đạo 389 Đắk Lắk cho biết : Mỗi năm Đắk Lắk tiêu thụ trên 1 triệu tấn phân bón. Trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng mười cơ sở sản xuất phân vi sinh, nhưng có tới hơn 1000 cơ sở kinh doanh phân bón các loại. Hai năm qua, tỉnh đã xử lý 35 vụ vi phạm liên quan tới chất lượng và nhãn mác phân bón, xử phạt vi phạm hành chính hơn 850 triệu đồng, tiêu hủy 28,5 tấn phân bón dỏm, giả. 

Trong cuộc khám phá kho hàng của Cty Thuận Phong ngày 9/10/2015, Chi cục quản lý thị trường Đắk Lắk đã kiểm kê được 66 mặt hàng, trong đó có 1.167 chai phân bón in nhãn " made in USA". Tuy nhiên, do năng lực nhận biết, phân tích hồ sơ nhập khẩu phân bón mà Cty Thuận Phong đã cung cấp của Chi cục quản lý thị trường còn hạn chế, tỉnh cần được BCĐ 389 quốc gia hướng dẫn thêm để xử lý đúng hướng. Ông Phạm Thái nhấn mạnh ": Sẽ không có "vùng cấm" nào trong cách xử lý nạn phân bón giả ở đây ! Tất cả vì quyền lợi của nông dân, nông nghiệp!"

Phải bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà nông ảnh 1

Ông Vũ Quang Thái PVP 389 QG với ông Thịnh GĐ chi nhánh Cty Thuận Phong tại Đắk Lắk.

Khi đoàn công tác đôi bên cùng đến văn phòng đại diện của Cty Thuận Phong ở số 66 Nguyễn Chí Thanh, các phóng viên báo đài từng ghi hình ảnh hoạt động nơi này trước đây phát hiện 2 biển hiệu "Chi nhánh Cty Thuận Phong" đặt trái phép trước cửa và trong văn phòng làm việc của ông Lê Quang Thịnh-giám đốc văn phòng đại diện của Cty Thuận Phong đã biến mất. 

Theo ông Thịnh, tấm biển trước cửa bị gió thổi bay lúc nào không rõ, còn tấm biển trong nhà được gỡ 1 tuần sau khi báo Tiền Phong đến làm việc, đăng bài viết khẳng định việc Cty Thuận Phong chỉ được cấp phép mở Văn phòng đại diện mà lại đặt biển Chi nhánh để kinh doanh là sai trái.

Tận thấy hàng hóa chất ngổn ngang rất nhiều trong kho, trong đó có những mặt hàng đã được Bộ KH&CN xác nhận có vi phạm các quy định về nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, về chỉ dẫn quyền sở hữu công nghiệp v.v...

Trao đổi với Ban 389 Đắk Lắk và các phóng viên dự cuộc làm việc, ông Vũ Đại Dương phó Cục trưởng  Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã phân tích tỉ mỉ các chi tiết, thông tin liên quan và khẳng định: Số phân bón chai 1 lít và 5 lít gắn nhãn gốc “made in USA”, nhãn phụ ghi rõ phân Mỹ đang có ở đây chính là hàng giả. Việc gắn nhãn nước ngoài sẽ làm người tiêu dùng hiểu đây là phân bón của Mỹ và mua với giá phân bón Mỹ, chưa bàn tới việc liệu trong chai đó Thuận Phong đã thêm, bớt và pha chế hóa chất gì ?   

Phải bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà nông ảnh 2

Thủ kho lấy chai phân made in USA ra khỏi thùng.

Gạt bụi trên chồng bao phân bón có in nơi sản xuất " Nhà máy: Lô K888, Khu kinh tế quốc phòng", ông Hồ Quang Thái phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết Thiếu tướng Nguyễn Đăng Được phó chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng đã khẳng định cách in địa chỉ này là hoàn toàn sai trái, lạm dụng và gây nhầm lẫn không thể chấp nhận.

Ông Nguyễn Văn Định- một người dân ở tổ 1 khối 8 phường Tân An nhà gần Văn phòng đại diện Cty Thuận Phong thấy đoàn đến kiểm tra về phân bón giả thì chạy tới, chăm chú đứng xem. Ông cho biết nông dân quanh vùng từ lâu đã khổ vì nạn phân bón giả, nên hễ nghe nhà chức trách làm về việc này thì ai cũng rất phấn khởi, hoan nghênh.

Phải bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà nông ảnh 3

Thiếu tướng Được khẳng định không có cái gọi là Khu Kinh tế quốc phòng nơi Cty Thuận Phong sản xuất phân bón.

Trao đổi với PV Tiền Phong, tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa- Hiệp hội Phân bón VN cho biết thị trường phân bón tại Việt Nam đang phức tạp như " ma trận" với xấp xỉ 7.000 loại phân bón bao gồm: Phân hóa học; phân hữu cơ; phân hữu cơ-Khoáng; phân vi lượng; phân bón dưới rễ và phân bón lá, gây khó cho công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn sử dụng cho người nông dân. Điều đó góp phần khiến các loại phân bón giả; phân bón nhái, giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng có cơ hội hoành hành, không chỉ làm thiệt hại về kinh tế mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Cuối ngày làm việc, ông Phạm Thái giám đốc Sở Công Thương khẳng định tỉnh sẽ khẩn trương lập đoàn liên ngành làm rõ mọi mặt hoạt động của văn phòng đại diện và hàng hóa của Cty Thuận Phong tại Đắk Lắk, nhằm xử lý đúng và nghiêm các sai phạm đã được đoàn 389 quốc gia chỉ rõ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà nông. Thay mặt BCĐ 389 Đắk Lắk, ông đánh giá cao những đóng góp tích cực của Ban Đại diện báo Tiền Phong trên địa bàn thường trú.

MỚI - NÓNG