Phân bón giả - Tai họa của nhà nông

Phân bón giả - Tai họa của nhà nông
TP - Mỗi năm, trong hàng nghìn tỉ đồng doanh số phân bón doanh nghiệp thu được có tỉ lệ lớn tiền bán các loại phân bón dỏm, gây thiệt hại đáng kể đối với nhà nông, sản xuất nông nghiệp và nền kinh tế. Thực trạng nhức nhối này ai cũng thấy, nhưng cách xử lý và giải pháp khắc phục tới nay vẫn chưa hiệu quả, nghiêm minh.

Hưởng lợi trên nỗi khổ dân chúng!             

Tình trạng phân bón thật giả lẫn lộn trên thị trường diễn biến ngày càng phức tạp.

Vài năm trước, nông dân xã Hoà Đông ngoại thành Buôn Ma Thuột ( tỉnh Đắk Lắk) đăng ký mua phân NPK hiệu Đầu Trâu do hội nông dân của xã phân phối. Khi đem bón cho cà phê, rải cả tháng trời hạt phân Đầu Trâu vẫn trơ ra không tan, hàng chục hecta cà phê được bón loại phân này trở nên cằn cỗi. Sau khi nhận được kiến nghị của người dân, hội nông dân xã mời đại diện hãng phân về họp, đối thoại với khách hàng. Trước chứng cứ rành rành nông dân đưa ra, nhà sản xuất đành chấp nhận thỏa thuận đền bù thiệt hại.

Nhưng không phải vụ nào nông dân mua nhầm phân giả, phân dỏm cũng được đền bù như vậy. Đầu năm 2013, ông Lê Xuân Bình ở thôn Tân Lập, xã Nam Nung, huyện Krông Nô ( tỉnh Đắk Nông) thấy vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhi, chủ đại lý phân bón Hiệp Phát lái xe tải đi rao bán phân. Nghe bà Nhi quảng cáo có loại hiệu Ba Lá Xanh rất tốt, hợp với cây cà phê và cao su, vợ chồng ông Bình bèn mua 10 tấn phân về dùng thử, thỏa thuận sẽ trả 44 triệu đồng tiền nợ mua phân cho bà Nhi chậm nhất vào cuối năm 2013.

Bón phân xong vườn cây đã không tốt như quảng cáo, mà lượng mủ cao su lại giảm hẳn. Nghi ngờ, ông Bình đào đất lên thấy hạt phân còn nguyên, thử hoà vào nước khuấy mãi phân vẫn không tan. Dùng tay bóp mạnh, hạt phân bẹp lại như đất sét. Các cuộc phản ánh, trao đổi giữa ông Bình với đại lý và Cty Ba Lá Xanh không rõ được lý do, nên ông Bình phải tự lấy mẫu phân gửi đến Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam ở TP Hồ Chí Minh và Viện Môi trường Nông nghiệp miền Trung-Tây Nguyên có văn phòng đặt tại tỉnh Đắk Lắk. Cả hai kết quả kiểm định đều cho thấy hàm lượng dinh dưỡng thực có thấp hơn rất nhiều so với chỉ số ghi trên bao bì.

Về vụ kiện trên, ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Nam Nung cho biết: Xã đã hoà giải đôi bên nhiều lần nhưng không thành.

Phân bón giả - Tai họa của nhà nông ảnh 1

Loại phân bón đã bị cơ quan chức năng khẳng định là hàng giả của công ty Thuận Phong.

Phạt hành chính: Không đủ sức răn đe

Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến phân bón. Tuy nhiên, tới nay, thị trường phân bón vẫn chưa được cải thiện. Quá nhiều loại  phân bón kém chất lượng, phân bón giả và phân bón nhái nhãn mác công khai mua bán trên thị trường  tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho nông dân, cho các nhà sản xuất phân bón chân chính và cho sản xuất nông nghiệp. 

Mỗi lần mua nhầm phân dỏm, phân giả, nông dân lãnh đủ thiệt hại. Dù các thông tư, nghị định, Luật đã hướng dẫn cách xử lý các đơn vị sản xuất hàng dỏm, hàng giả không hề thiếu, nhưng cách triển khai, thi hành của bộ máy công quyền lâu nay vẫn chưa đủ mạnh để trấn áp.

Phân bón giả - Tai họa của nhà nông ảnh 2

Pha trộn sang chiết ở Đồng Nai nhưng in nhãn là Made in USA

Nhiều tỉnh thành trên cả nước từng phát hiện có phân bón dỏm, giả. Thường thì sau rất nhiều bước thanh tra, kiểm nghiệm, tranh cãi, vụ việc được chốt lại bằng hình thức xử phạt vi phạm hành chính, như tại Tây Ninh với các loại phân bón  do Cty Mỹ Việt và Cty Con Cò Vàng sản xuất. Ở Gia Lai, kiểm nghiệm 17 mẫu phân bón tại 4 nhà máy sản xuất và 9 tổng đại lý thì ra tới 13/17 mẫu phân bón kém chất lượng. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận từng xử phạt 40-45 triệu đồng, đồng thời yêu cầu thu hồi tái chế toàn bộ số phân bón NPK kém chất lượng của các Cty phân bón Phúc Hưng, Bình Định, Sitto VN. Tỉnh Lâm Đồng vào tháng 9/2015 tổ chức tiêu hủy hơn 15 tấn phân bón giả. Dẫu thế, những Cty sản xuất ra các mặt hàng dỏm, giả đó vẫn được hoạt động tiếp.

Một đại diện Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai từng phát biểu: Hiện nay trên thị trường có cả nghìn loại phân bón. Việc lấy mẫu phân tích rất tốn kém, giá phân tích khoảng 450 ngàn/mẫu. Dù có xử phạt hành chính thì cũng không ngăn được việc tiêu thụ phân bón kém chất lượng, vì từ khi lấy mẫu đến lúc có kết quả mất hơn một tháng, đã đủ thời gian cho các loại phân bón dỏm, giả đó bán hết sạch rồi!

Điển hình đang làm nóng dư luận cả nước là vụ Cty Thuận Phong sản xuất hàng nghìn tấn phân bón có dấu hiệu là hàng dỏm, hàng giả, nhái nhãn mác trên đất thuê của một đơn vị quân đội, do văn phòng Ban 389 quốc gia phát hiện từ tháng 4/2015 tại Đồng Nai.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo kiên quyết mở rộng điều tra vụ này và xử lý nghiêm, nhưng mãi tới đầu tháng 10/2015 khi ông thôi chức giám đốc Công an tỉnh, vụ việc vẫn chưa được khởi tố. Khi báo Tiền Phong đăng liên tiếp nhiều bài phản ánh về vấn đề này, ông Khiếu Mạnh Tường-Tổng giám đốc Cty Thuận Phong ( từng có thời gian làm cán bộ quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai) đã gửi đơn kêu oan, đồng thời cho đăng trên trang web của doanh nghiệp này là lãnh đạo Cty Thuận Phong “vô cùng bức xúc”, “ ngỡ ngàng”, bởi chưa từng bị xử phạt hành chính, đồng thời tuyên bố “Thuận Phong là một Cty lớn, uy tín, không dại gì đi làm phân bón giả”.

Tuy nhiên, thực tế từ ngày 3/4/2013, bằng quyết định xử phạt hành chính số 47, ông Huỳnh Thế Năng Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã phạt Cty Thuận Phong “do ông Khiếu Mạnh Tường sinh năm 1974 làm tổng giám đốc... mức phạt  45 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phân bón giả...”.

Bộ Khoa học & Công nghệ kết luận: Phân bón do Cty Thuận Phong sản xuất ở Đồng Nai là hàng giả ! Đây là câu trả lời sau nhiều tháng kiểm nghiệm, tranh luận giữa các bên liên quan. Đơn cử loại phân bón kẽm được Cty Thuận Phong công bố trên bao bì hàm lượng Zn kẽm là 15.000 ppm, kết quả kiểm tra cho thấy làm lượng kẽm thực có chỉ 1351 ppm. Bất bình trước ý kiến đại diện các cơ quan chấp pháp, tỉnh Đồng Nai cho rằng, không đủ căn cứ khởi tố. Thiếu tướng Nguyễn Đình Được, Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng đã đề nghị chuyển vụ việc về trung ương xử lý, để bảo đảm luật pháp nghiêm minh.  

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.