Phá sản kế hoạch Tết vì lương thưởng thất bát

Mua trước các loại bánh kẹo, măng miến có thể giúp bạn chọn được đồ ngon, tiết kiệm được một khoản, thay vì tránh xô bồ và bị chặt chém dịp Tết. Ảnh: Thanh Bình.
Mua trước các loại bánh kẹo, măng miến có thể giúp bạn chọn được đồ ngon, tiết kiệm được một khoản, thay vì tránh xô bồ và bị chặt chém dịp Tết. Ảnh: Thanh Bình.
Được thưởng Tết chỉ bằng một nửa các năm trước, chị Hiền (Hà Nội) buộc phải nhượng bớt thực phẩm đã mua cho đồng nghiệp.

Làm trong một công ty tư nhân về lĩnh vực phụ liệu may mặc, mấy năm rồi chị Hiền đều nhận thưởng Tết vào ngày cuối cùng của năm, với mức thưởng bằng mức lương một tháng. Đinh ninh năm nay sẽ được như vậy, chị đã lên danh sách sắm Tết đầy đủ, không ngờ kế hoạch phá sản vào phút chót.

"Sáng thứ 2 lên cơ quan chúng tôi đã được sếp thông báo thưởng sớm. Ai cũng ồ lên thích thú, nhưng rồi nhanh chóng tiu nghỉu ngay khi con số thưởng chỉ được nửa tháng lương", chị Hiền nói.

Mức lương hiện tại của chị là 7,2 triệu đồng, chị nhận thêm được 3,6 triệu tiền thưởng Tết, vị chi có hơn chục triệu chi cho dịp này. Chị Hiền và chồng đã giao ước, chị lo sắm Tết cho gia đình, mừng tuổi các cháu và mua quà cho bên nội, ngoại. Còn chồng sẽ lo khoản tàu xe, biếu xén ông bà, còn dư đâu sẽ tiết kiệm.

Với mức thưởng tụt thê thảm như năm nay, chị Hiền buộc phải cắt giảm mua sắm trong nhà. Tiền bánh kẹo khoảng 2 triệu đồng thì nay cắt xuống còn 1 triệu, chỉ mua vài hộp bánh ngon để bàn và mấy loại hạt, mứt tiếp khách. Khoảng 3 triệu đồng mừng tuổi các cháu ở quê, dự sẽ bị cắt xuống 2 triệu nhưng chưa biết có thực hiện được không.

"Tôi đã trót đặt một chục ống nem thịt lợn đen hơn 500 nghìn, 3 con gà ta hơn 800 nghìn nhưng giờ phải nhờ chị đồng nghiệp mua lại cho 5 ống nem và một con gà. Tết này chỉ dám ăn hai con gà, một vào lúc đón Giao thừa, một cho ngày tiễn các cụ về trời", chị Hiền giãi bày.

Năm nay chị Thủy nghỉ sinh con mất 6 tháng. Dù đã lường trước nhưng chị không thể ngờ mức thưởng năm nay chỉ bằng 1/3 năm ngoái. Vài ngày nay chị buồn chẳng dám mua sắm gì.

Người phụ nữ 28 tuổi cho hay, chị làm trong một công ty tư nhân hoạt động trong mảng điện tử, viễn thông. Như hai năm trước chị đều được thưởng 20 triệu đồng. Năm nay chị nghỉ sinh mất 6 tháng đầu năm, nửa năm sau thì đi làm đầy đủ. Dù vướng con nhỏ nhưng chị vẫn cố gắng hết sức trong công việc.

"Tôi tự đánh giá mình đi làm khá tốt nhưng được thưởng chỉ 7 triệu đồng, tương đương một nhân viên mới vào chưa đầy năm. Thú thực tôi buồn nẫu cả ruột, có thắc mắc với sếp thì được nói suốt 6 tháng tôi nghỉ sinh, không cống hiến được gì cho công ty", chị Thủy bộc bạch.

Với mức thưởng này, giờ chị Thủy cũng chưa biết cân đối sao cho hợp lý Tết. Như năm ngoái chị vừa sinh con, mọi hoạt động đi lại về quê đều phải chi tiền taxi. Quê ở Thanh Hóa, hai lần về ra Hà Nội, rồi đi lại giữa quê nội, quê ngoại trong tỉnh cũng đã mất hơn 4 triệu đồng tiền xe. "Thương con nhỏ, nhà nhiều đồ nhưng với mức thưởng này đúng là không dám tiêu xài gì. Tôi buộc phải mua vé xe khách. Chỉ mong ngày hôm đó mình có con nhỏ được thương, cho ngồi một ghế", chị Thủy nói.

Ngoài tiết kiệm khoản đi lại, chị Thủy cũng cắt giảm triệt để khoản biếu xén, quà cáp. Như mọi năm, chị thường dành khoảng 2 triệu đồng mua quần áo cho các cháu, nhưng năm nay thì không mua nữa. 

Đây là một năm "thất bát" toàn tập của anh Tùng. Đợt này anh chỉ nhận được hơn 4 triệu tiền lương hàng tháng và 2 triệu tiền thưởng. "Dù đã đoán trước rồi nhưng tôi cũng không ngờ năm nay lại thê thảm đến thế. Kiểu này chắc Tết chỉ có thể ở nhà với vợ con, chẳng dám đi đâu nữa", anh buồn than thở.

Làm trong ngành văn hóa, như mấy năm trước anh đều làm thêm các dự án và cuối năm trích phần trăm ra đều thu về được khoảng 20-30 triệu đồng. Tuy mức lương công chức thấp nhưng khoản thu về cuối năm cũng giúp anh có một khoản tiết kiệm hoặc được chi tiêu cho Tết rộng rãi hơn.

Vì thưởng năm nay quá ít, anh Tùng không thể lên đời chiếc tivi trong nhà như dự kiến. Anh cũng không thể biếu mỗi bố mẹ hai bên 5 triệu như mấy năm trước, mà sẽ cắt giảm xuống còn 1-2 triệu đồng.

"Buồn nhất là năm nào cũng ôm cả cục tiền về đưa vợ, nhìn mặt vợ sung sướng mình cũng sướng lây nhưng năm nay chẳng có mà đưa, vợ mình cũng chẳng dám mua bán gì nhiều", anh Tùng tâm sự.

Theo chuyên gia tài chính Thanh Hằng, nhu cầu của con người là vô hạn, nhiều gia đình chỉ có 2 triệu đồng cho Tết vẫn đủ, có những nhà 20 triệu vẫn thiếu. Quan trọng nhất là cách chi tiêu như thế nào cho hợp lý. Theo chuyên gia Hằng, với thực trạng nhiều người lương thưởng không cao, trong khi giá cả lại tăng thì có một số mẹo để các gia đình có thể chi tiêu vào dịp Tết này đủ đầy mà vẫn tiết kiệm.

- Lập một danh sách các khoản phải chi tiêu cho Tết: thực phẩm, bánh kẹo, quần áo, đi lại, biếu nội ngoại, mừng tuổi... và lên dự kiến số tiền bạn sẽ chi cho nó. Sau cùng lọc lại một lần nữa xem khoản nào không cần thiết có thể bỏ luôn, hoặc khoản nào chưa hợp lý thì cắt giảm lại. Sắp xếp các khoản theo mức độ ưu tiên giảm dần cũng giúp bạn chi tiêu hợp lý.

Việc lập danh sách này vô cùng quan trọng, nó vừa giúp bạn biết trong túi mình có bao tiền và quản lý tốt tài chính, thay vì cứ ra chợ thấy gì hay thì mua.

- Tận dụng một số đồ Tết những năm trước đã dùng ví dụ khay đựng bánh mứt, lọ hoa, đèn nhấp nháy, đồ trang trí cho nhà ngày Tết...

- Tự chế biến các món ăn cho gia đình như giò chả, bánh chưng, hành muối... sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản đáng kể và còn đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. 

- Vào những dịp cuối năm các gia đình sẽ đổ xô đi mua sắm. Giá cả theo đó sẽ bị đội giá lên. Bạn nên sắp xếp thời gian, săn hàng khuyến mãi, mua trước một số mặt hàng như đồ khô, bánh kẹo. Việc này cũng sẽ giúp bạn có được đồ ngon với giá vừa phải.

"Có một thực tế hiện nay là khá đông người có bao nhiêu đều dùng hết bấy nhiêu cho Tết, thậm chí còn vay thêm để tiêu, dẫn đến thực trạng ra sau Tết là cháy túi và vay nợ tùm lum. Theo tôi, thường thì dịp Tết các bạn sẽ nhận lương và thưởng một cục, bạn nên dành ra một khoản cho ra giêng, sau đó mới lên kế hoạch chi tiêu cho Tết", chuyên gia tài chính gợi ý.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG