Phá lệ, ông Putin rời hội nghị G20 sớm

TP - Lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới G20 hôm qua kết thúc kỳ hội nghị thường niên với cam kết tạo ra 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng chia rẽ chính trị lại nổi lên vì vấn đề Ukraine. Tổng thống Nga phá vỡ thông lệ khi rời khỏi Úc trước khi hội nghị ra tuyên bố chung. 
Phá lệ, ông Putin rời hội nghị G20 sớm ảnh 1

Thủ tướng Úc Tony Abbott và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) cùng chụp ảnh với gấu túi nhân dịp hội nghị G20. Ảnh: Getty Images

Sau cuộc gặp song phương kéo dài vào tối muộn với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Brisbane của Úc cuối tuần qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với báo giới rằng, căng thẳng vì Ukraine đang cản trở những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Rõ ràng những căng thẳng địa chính trị, trong đó có quan hệ với Nga, không thực sự có lợi cho thúc đẩy tăng trưởng… Chúng tôi đang nỗ lực làm mọi thứ có thể qua con đường ngoại giao để tình hình được cải thiện”, bà Merkel nói.

Thủ tướng Úc Tony Abbott nói rằng, ông đã có các cuộc thảo luận “rất mạnh mẽ” với ông Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, và coi vụ bắn hạ chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Malaysia trên không phận Ukraine là “một trong những tội ác khủng khiếp nhất trong thời gian gần đây”. 

Ông Putin đã phá vỡ nghi lễ bằng những phát biểu với báo chí trước khi lãnh đạo chủ nhà tổ chức họp báo sau hội nghị, rồi rời khỏi Brisbane trước khi hội nghị ra tuyên bố chung. Hãng tin Mỹ AP dẫn lời Tổng thống Nga nói rằng “một vài quan điểm của chúng tôi không gặp nhau, nhưng các cuộc thảo luận đã hoàn tất, mang tính xây dựng và rất hữu ích”.

Ông Putin nói với hãng tin Nga Ria- Novosti rằng, quyết định rời Brisbane sớm không liên quan căng thẳng ở Ukraine, mà chỉ vì ông muốn về để nghỉ một chút trước một ngày làm việc trở lại vào thứ Hai. Nhưng áp lực từ phương Tây đã tăng lên với tuyên bố chung của Mỹ, Úc và Nhật Bản nói rằng, họ thống nhất “phản đối sự sáp nhập có mục đích của Nga đối với Crimea và những hành động của Nga nhằm làm mất ổn định miền đông Ukraine, và sẽ đưa thủ phạm bắn hạ chuyến bay MH17 ra công lý”. Phương Tây nói rằng, MH17 bị các tay súng nổi dậy ở miền đông Ukraine bắn hạ bằng tên lửa do Nga cung cấp. Nhưng Mátxcơva bác bỏ và cáo buộc chính quyền Ukraine làm điều này. 

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói với Kênh 10 của nước này rằng, ông Putin đã chịu “một số áp lực” từ một vài lãnh đạo G20 trước vấn đề Ukraine và vụ MH17. Bà Bishop nói rằng, Úc đã giám sát sự hiện diện của 4 tàu chiến Nga ở bờ biển phía bắc của nước này trong suốt thời gian diễn ra G20. Ngoại trưởng Úc cho rằng, Mátxcơva đưa những con tàu này đến “chỉ để nhắc nhở mọi người rằng Nga cũng có hải quân”.

Đồng thuận thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thủ tướng nước chủ nhà khẳng định, tất cả các lãnh đạo, gồm cả Tổng thống Putin, đều đồng thuận với kế hoạch cải cách để tạo ra 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. “Tôi rất hạnh phúc với chiếc vé đồng thuận với ông Vladimir Putin về vấn đề đó”, Thủ tướng Úc Tony Abbott nói trong cuộc họp báo sau hội nghị. 

Bị chỉ trích là chỉ nói mà không làm, G20 năm nay bị hối thúc phải có kết quả đong đếm được. Có lẽ để đáp lại, nhóm này nói rằng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu sẽ đóng vai trò giám sát tiến trình và ước tính lợi ích kinh tế của kế hoạch tăng trưởng. Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde bác bỏ quan ngại rằng các nước có thể nói dối về con số tăng trưởng, rằng giám sát không phải nghiên cứu khoa học, nhưng là quá trình tỉ mỉ và toàn diện. “Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng họ phải chịu áp lực”, bà Lagarde nói. 

Các nhà lãnh đạo cũng ủng hộ nỗ lực khắc phục những lỗ hổng về chế độ thuế mà các công ty đa quốc gia lợi dụng để trốn thuế. Vấn đề này lại nóng trở lại sau khi có những cáo buộc rằng Luxembourg đã thông đồng với các công ty đa quốc gia gây thiệt hại cho các nước quê nhà của họ vào thời gian ông Jean-Claude Juncker làm Thủ tướng. Ông Juncker hiện là Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

G20 tán thành một tiêu chuẩn báo cáo chung để các công ty đa quốc gia không thể lợi dụng khác biệt giữa các chế độ thuế. Tuyên bố chung cũng ủng hộ nỗ lực mạnh mẽ và hiệu quả nhằm đối phó biến đổi khí hậu, cho dù ông Abbott gần đây bày tỏ nghi ngờ đối với các nghiên cứu khoa học khẳng định hành động của con người khiến Trái đất ấm lên. Quỹ Khí hậu xanh toàn cầu đã nhận được cam kết tài trợ 3 tỷ USD từ ông Obama và 1,5 tỷ USD từ Nhật Bản. 

Lãnh đạo các nước trong nhóm G20, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, cũng đồng thuận về quyết tâm “xóa sổ” dịch bệnh Ebola, cho dù không hứa hẹn gì về tiền tài trợ.

Hội nghị thượng đỉnh G20 đưa ra tuyên bố chung, trong đó lãnh đạo các nước chiếm 85% sản xuất toàn cầu cam kết cải tổ cấu trúc để đưa nền kinh tế thế giới tăng trưởng ít nhất 2,1% trong 5 năm tới, tương đương hơn 2.000 tỷ USD, cho dù các nhà kinh tế nghi ngờ nhiều thành viên trong nhóm G20 khó có thể cải cách như vậy, khi tăng trưởng đang trượt dốc ở một số nước “đầu tàu”, trong đó có Trung Quốc và Đức.

MỚI - NÓNG