Theo PGS.TS.BSCK2 Trần Văn Hưởng, dịch COVID-19 còn phức tạp và khó lường, chưa xác định thời điểm đại dịch kết thúc. Do đó, hiện phương pháp phòng chống dịch tại Việt Nam và một số quốc gia đang phát huy tốt, trong đó vắc xin giữ vai trò rất quan trọng.
Thống kê của ngành y tế cho thấy, số ca mắc COVID-19 ngày càng cao. Tỉnh Bình Dương đổi chiến lược phòng chống dịch, không công bố ca nhiễm vì không còn ý nghĩa nhằm tập trung nâng cao nhận thức người dân bảo vệ đối tượng nguy cơ là người cao tuổi, người có bệnh nền, tập trung tập huấn nâng cao năng lực ngành y tế và điều trị hậu COVID-19 cho nhân dân.
PGS.TS.BSCK2 Trần Văn Hưởng cho rằng, bây giờ cần quan tâm nhất là đối phó với di chứng COVID-19 về các tổn thương, với các biện pháp điều trị phù hợp. Hậu COVID-19 là các tổn thương sau khi nhiễm trên 10 tuần trở lên. Dưới 10 tuần được coi như giai đoạn bệnh chưa khỏi dù đã xét nghiệm test nhanh âm tính hoặc xét nhiệm RT-PCR âm tính thì ta có thể nghĩ đến các xét nghiệm test nhanh và xét nghiệm RT-PCR âm tính đó là âm tính giả (chưa đủ ngưỡng phát hiện).
PGS.TS.BSCK2 Trần Văn Hưởng, người có thời gian dài công tác tại các bệnh viện Quân Y, hiện đang là nhà nghiên cứu, phụ trách điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương |
Có 3 triệu chứng phổ biến là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức. “Tôi là 1 bác sỹ phụ trách theo dõi, chịu trách nhiệm điều trị bệnh nhân COVID-19 từ tầng 1 đến tầng 3 (tầng bệnh nhân nguy kịch) thì thấy tổn thương hậu COVID-19 có rất nhiều tổn thương và F0 cần được thăm khám sớm”, ông Hưởng chia sẻ.
Các tổn thương phụ thuộc vào mức độ nặng, nhẹ khi bị nhiễm và biến chứng khi mắc là biến chủng gì. Thường biến chủng Omicron khi nhiễm thì gây nên các tổn thương ở đường hô hấp trên, ít xâm lấn xuống phế quản và nhu mô phổi nên diễn biến nặng, suy hô hấp phải nhập viện, vào ICU thấp hơn rất nhiều.
So với biến chủng Delta, biến chủng Omicron mới xuất hiện ở Việt Nam nên chưa đủ thời gian để đánh giá các di chứng hậu như thế nào. Hiện tại qua các bệnh nhân đã mắc COVID-19 thì tổn thương di chứng hậu COVID-19 là khá phổ biến, có thể tổn thương 1 cơ quan hoặc nhiều cơ quan, mức độ nặng nhẹ khác nhau, tỷ lệ cao ở những người có triệu chứng nặng trong giai đoạn nhiễm bệnh, với người cao tuổi, những có bệnh nền, tỷ lệ phụ nữ bị hội chứng hậu COVID-19 nhiều hơn nam giới, người trưởng thành có tổn thương nhiều hơn trẻ em.
PGS.TS.BSCKII Trần Văn Hưởng khuyến cáo, người mắc COVID-19 phải có tâm lý ổn định không quá lo lắng, hoang mang dễ tạo ám thị cơ thể mình, các triệu chứng mình tìm hiểu và cảm nhận, nhưng cũng không được chủ quan. Thứ hai, cần đi khám và điều trị bài bản trong thời gian mắc bệnh, ngay sau (xét nghiệm dương tính) sau 5 đến 7 ngày điều trị, xét nghiệm đã âm tính vẫn cần được theo dõi và điều trị bổ sung cho hết hoàn toàn các triệu chứng, kết hợp với các biện pháp vật lý trị liệu như tập thở, vận động nhẹ nhàng tránh lao động nặng, tránh căng thẳng, stress và ăn uống khoa học theo hướng dẫn như ăn đủ chất, đủ đạm, rau xanh, trái câu, sinh tố, vitamin, khoáng chất, uống nhiều nước, không uống rượu bia, không hút thuốc lá. Nếu sau khi xét nghiệm âm tính 10 tuần mà vẫn còn các triệu chứng, di chứng thì cần đi khám ở các cơ sở y tế để điều trị hậu COVID-19.
Bình Dương đang thần tốc bao phủ vắc xin cho người dân |
Cũng theo PGS.TS.BSCK2 Trần Văn Hưởng, để thích ứng với việc mở cửa sống chung an toàn với dịch bệnh, ngành y tế có kế hoạch ngưng công bố ca mắc, bảo vệ đối tượng nguy cơ và triển khai ứng phó điều trị hậu COVID-19. Ngành y tế tổ chức nghiên cứu tập huấn về cơ chế bệnh sinh, chuẩn đoán điều trị kịp thời và hiệu quả như các bệnh truyền nhiễm nội khoa khác nên bệnh nhân cần đi khám.
Sau khi thăm khám, bác sỹ sẽ khai thác triệu chứng, cho chỉ định cận lâm sàng như xét nghiệm, XQ, điện cơ, điện não…để xác định tổn thương và có kế hoạch điều trị có tính cá thể hóa từng bệnh nhân sẽ có kết quả cao (các cơ sở y tế không cần thiết phải làm hết các cận lâm sàng mà chỉ cần khám khai thác bệnh lý để cho chỉ định cận lâm sàng phù hợp, tránh bỏ sót như các bệnh thông thường khác là được).
“Cần phát hiện sớm COVID-19 để điều trị kịp thời, ức chế nhân lên của virus sớm giờ nào tốt giờ đó cùng các thuốc phối hợp; tiếp tục theo dõi và điều trị tiếp các triệu chứng sau khi xét nghiệm âm tính; vậy lý trị liệu là rất quan trọng trong giai đoạn toàn phát cũng như giai đoạn lui bệnh như tập thở, nằm sấp, thay đổi tư thế khi nằm, tập thể dục nhẹ nhàng, vỗ rung vùng ngực cùng chế độ ăn uống phù hợp”, ông Hưởng chia sẻ.
PGS.TS.BSCKII Trần Văn Hưởng chia sẻ thêm, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp loại COVID-19 khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh tỷ lệ tử vong cao) sang nhóm B (khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong). Bản thân ông đồng tình với quan điểm này khi nào virus SAR-COV-2 xuất hiện biến chủng nhẹ hơn, có vắc xin, thuốc điều trị tốt hơn, phổ biến rộng rãi hơn để người dân tiếp cận dễ dàng, tự điều trị tại nhà, số ca tử vong ở ngưỡng thấp thì có thể coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường.