Xử trí như thế nào khi trẻ bị hậu COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời gian qua số trẻ em mắc COVID-19 gia tăng, trong số này, nhóm trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin COVID-19 cần được chú ý. Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên quan tâm đến những dấu hiệu hậu COVID-19 tác động thể chất và tâm lí của trẻ để xử trí kịp thời.

Tác động cả thể chất và tâm lí

Bé gái 10 tuổi ở Phú Thọ bất ngờ ho nhiều, thở hụt hơi, phổi thông khí kém sau hơn 2 tuần âm tính SARS-CoV-2. Mẹ bé cho biết, trước đó, khi âm tính SARS-CoV-2, trẻ không còn bất kì triệu chứng nào như ho, sốt. Tại bệnh viện kết quả chụp CT thấy hình ảnh viêm phổi, phải nhập viện điều trị ngay. Kết quả khám của bé khiến gia đình bất ngờ vì sau khi âm tính trẻ không hề có biểu hiện bất thường nào của sức khoẻ trong 15 ngày.

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý, Trưởng Bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội) chia sẻ, trong lần khám hậu COVID-19 mới đây cho gần 20 trường hợp nhận thấy, hậu COVID-19 có ảnh hưởng chức năng hô hấp của trẻ em. “Có 30% có tổn thương phổi ở mức độ nhẹ”, bác sĩ Thuý nói.

Sau khi mắc COVID-19, trẻ có thể có những rối loạn tâm sinh lí như đau đầu, mất ngủ. “Tuy nhiên, cần phân định rõ hai vấn đề khi tiếp nhận 1 trẻ được cho là “rối loạn tâm sinh lí”. Một là bố mẹ trẻ lo lắng thái quá, hai là bản thân trẻ có vấn đề.

Trên thực tế, có những trường hợp chính bố mẹ làm tăng áp lực cho con, lúc nào cũng hỏi “Con có đau đầu không?”, “Đêm con có mất ngủ, có ngủ ngon không?”. Thậm chí có gia đình nửa đêm con đang ngủ lại gọi con dậy hỏi có gì bất thường không. Chính điều này tăng áp lực cho trẻ”, bác sĩ Thúy phân tích.

Xử trí như thế nào khi trẻ bị hậu COVID-19? ảnh 1

Trẻ bị hậu COVID-19 được bác sĩ BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khám

Nữ bác sĩ cũng nhấn mạnh việc phải cá thể hoá trong điều trị rối loạn tâm sinh lí ở trẻ sau khi khỏi COVID-19 bởi không có phác đồ chung cho tất cả mọi đứa trẻ, bởi trẻ dưới 5 tuổi khác, dưới 12 tuổi khác.

Ngoài những trường hợp trẻ mất ngủ, rối loạn giấc ngủ sau COVID-19, lại có trẻ hay quấy khóc, không tập trung, ngủ trằn trọc, hay thức giấc về đêm... sau khi mắc COVID-19. Nguyên nhân được giải thích là virus SARS-CoV-2 tác động vào thần kinh trung ương, hệ phó giao cảm, làm cho trẻ rối loạn giấc ngủ.

Nếu trẻ mất ngủ mức độ nhẹ, các bác sĩ hướng dẫn cha mẹ để trẻ ngủ sâu vào ban đêm, ban ngày hạn chế ngủ, sinh hoạt bình thường. Nếu trẻ bị mất ngủ nặng hơn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc liều nhẹ để trẻ ngủ sâu cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lí, bác sĩ Thúy cho biết thêm.

Biểu hiện hậu COVID-19

Theo bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương), trẻ có thể gặp hội chứng viêm đa hệ thống sau khi mắc COVID-19 từ 2-6 tuần. Biểu hiện lâm sàng của trẻ là sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, rối loạn đông máu, chỉ số SpO2 giảm, suy đa tạng...

Đáng chú ý, nhiều trường hợp bố mẹ không biết trước đó con đã mắc COVID-19 nhưng khi nhập viện trẻ có tình trạng sốt kéo dài, suy giảm chức năng tim mạch hoặc sốc, phát ban trên da.

“Với các cháu bị hậu COVID-19 chưa có biểu hiện sốc, chưa tổn thương đa cơ quan chỉ điều trị 3-5 ngày có thể ra viện, nhưng các cháu nặng thì phải điều trị dài ngày”, bác sĩ Tuấn nói.

Giới chuyên môn lưu ý, ngoài việc cho trẻ tiêm vắc xin khi có chỉ định để giảm mức độ nặng và biến chứng của bệnh, vẫn cần thực hiện nghiêm 5K. Trẻ mắc COVID-19 sau khi ra viện nên được tái khám theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Ngoài ra, gia đình nên khuyến khích trẻ vận động, chơi thể thao và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lí để giảm triệu chứng sau mắc COVID-19.

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, biểu hiện của hậu COVID-19 ở trẻ gồm: sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc.

Một số bị ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ hay các rối loạn tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Cá biệt có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp… Theo PGS Điển, hầu hết trẻ mắc COVID-19 có thể tự hồi phục sau 1- 2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý những bất thường

“Khi con có biểu hiện bất thường như li bì, thở nhanh, mệt mỏi cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Đặc biệt, với những trẻ có bệnh nền như: đẻ non cân nặng thấp, bệnh phổi mạn, hen, ung thư, bệnh thận mạn, ghép tạng, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, bệnh huyết học, bệnh hệ thống, suy giảm miễn dịch, đang điều trị thuốc corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch... cần được bảo vệ, theo dõi sát sao hơn bởi các bác sĩ chuyên khoa”, PGS Điển nhấn mạnh.

Bác sĩ Thuý lưu ý cha mẹ phải quan sát xem trẻ có mệt không, khi leo cầu thang có mệt hay hụt hơi hay không hoặc trẻ ít chạy nhảy, thở hổn hển không chứ đừng đợi đến khi trẻ tiến triển nặng, khó thở rồi mới đi khám.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.