Hậu COVID-19, mặt bằng kinh doanh trên đất vàng bỏ trống

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đã qua nửa năm trở lại trạng thái bình thường mới nhưng mặt bằng kinh doanh ở khu vực trung tâm TPHCM vẫn bỏ trống vì không có khách, dù giá cho thuê đã giảm mạnh.

Giảm giá vẫn khó tìm khách thuê

Ngày 17/3, khảo sát của PV Tiền Phong cho thấy, trên trục đường được mệnh danh là “đất vàng” phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) có rất nhiều mặt bằng trống treo bảng cho thuê. Chúng tôi tìm gặp chủ một căn nhà phố bỏ không trên đường Nguyễn Huệ, có diện tích 4x16 m gồm 1 trệt 2 lầu đang được rao giá cho thuê 11.000 USD/tháng.

Anh Lê Minh - chủ nhà cho hay, trước khi có dịch, căn nhà này được cho thuê với số tiền 14.000-15.000 USD/tháng nhưng sau đó cửa hàng kinh doanh ế ẩm nên phải đóng. “Giờ giá đã giảm sâu mà tìm hoài cũng không có khách. Không biết đến khi nào hoạt động kinh doanh mới bình thường lại như trước khi có dịch COVID-19”, anh Minh nói.

Hậu COVID-19, mặt bằng kinh doanh trên đất vàng bỏ trống ảnh 1

Mặt bằng trên phố thời trang Nguyễn Trãi, quận 5, TPHCM bị bỏ không

Cách đó vài bước chân, một mặt bằng có diện tích 4x30m cũng đang được rao với giá cho thuê 12.000 USD/tháng. Theo chủ nhà này, trước đó một công ty chuyên về du học thuê nhưng vì dịch đã trả mặt bằng. Căn nhà đã bỏ trống hơn 1 năm nay, hầu như không có khách hỏi mặc dù Nguyễn Huệ là tuyến đường đắt đỏ cho kinh doanh.

Chạy dọc theo phố Lý Tự Trọng (quận 1, gần chợ Bến Thành) nhiều căn nhà mặt tiền có chiều rộng 4m, dài 20m, kết cấu xây dựng một trệt, 2-3 lầu cũng có thời gian bỏ trống kéo dài cả năm. Giá thuê hiện được chào từ 6.000-7.000 USD/tháng nhưng cũng không có ai hỏi thăm. Tương tự, nhiều trục đường của quận 1 như Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng… nhiều địa điểm kinh doanh tại đây cũng đang trong cảnh ế ẩm.

Phố thời trang Nguyễn Trãi quận 5 trước đây vốn rất sầm uất nhưng trải qua vài đợt dịch lại nhan nhản bảng cho thuê mặt bằng. Ghé vào một mặt bằng có bề ngang 6m, đang rao cho thuê với giá 140 triệu đồng/tháng thì được bảo vệ của cửa hàng bán quần áo bên cạnh nói, đã 2 năm rồi chưa buôn bán gì ở đây.

Anh Sinh, người đang quản lý mặt bằng này cho biết, trước đó khách mở quán trà sữa thuê với giá 170 triệu đồng/tháng nhưng sau khi dịch bùng phát, khách ngày càng vắng.

Cuối cùng, cửa hàng không thể cầm cự nổi nên đã đóng cửa, trả mặt bằng. Hiện giá chỉ còn 140 triệu đồng/tháng trong 6 tháng đầu tiên dành cho người thuê ký hợp đồng dài hạn nhưng vẫn chưa có khách nào chốt.

Tại phố Tây Bùi Viện, PV liên hệ với số điện thoại được dán ở căn nhà với vị trí ngay ngã tư, chủ mặt bằng này cho biết căn nhà mặt phố hai tầng với diện tích 160m2 mặt sàn được cho thuê giá 120 triệu đồng/tháng. Dù đã treo biển cho thuê suốt 1 năm qua nhưng vẫn chưa tìm được người thuê.

Tình trạng cửa hàng kinh doanh ế ẩm, nhiều chủ cũ không thể chịu lỗ kéo dài nên đóng cửa vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là với những ngành hàng như spa, nhà hàng ăn uống… Chị Bích Ngọc, chủ gần chục cơ sở kinh doanh spa ở trung tâm TPHCM cho biết, doanh thu của cửa hàng chủ yếu đến từ khách du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhưng hiện tại không có khách du lịch khiến công việc kinh doanh của chị gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, khách trong nước thì dè dặt vì một phần sợ dịch, một phần cắt giảm chi tiêu.

“Tháng nào gom đủ tiền trả tiền nhà là mừng lắm rồi, làm được tháng nào tính tháng đó. Đến lúc hết gồng nổi thì phải trả nhà thôi”, chị Ngọc nói.

Còn ông Viết Hùng, chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1) cho biết, dịch COVID-19 không chỉ khiến tình hình kinh doanh trì trệ mà còn thay đổi cả thói quen tiêu dùng của người dân. Thay vì mua sắm theo phương thức truyền thống, nhiều người lựa chọn mua hàng trên các trang thương mại điện tử.

Hiện tại, anh Hùng chỉ còn giữ lại một cửa hàng để làm nơi trưng bày sản phẩm, các chi nhánh khác đã hoàn trả để cắt giảm chi phí mặt bằng. Đồng thời, cửa hàng chuyển mô hình kinh doanh trực tuyến, thay vì dùng tiền để trả mặt bằng thì thuê thêm shipper và chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội.

Shophouse thất sủng

Shophouse là loại hình bất động sản vừa có thể ở, vừa kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng nên thời gian qua được giới đầu tư ưa chuộng. Tuy nhiên dịch COVID-19 đã khiến tình hình kinh doanh shophouse bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều căn shophouse đã rao cho thuê nhiều tháng nhưng đành bỏ trống, còn những căn đã có chủ thuê cũng đang cầm cự. Tại một chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), dãy shophouse ở sảnh chung cư chỉ có vài thương hiệu cà phê, cửa hàng tiện lợi thuê mặt bằng kinh doanh, còn lại đều rơi vào cảnh vắng người thuê. Bên trong tấm cửa kính của các căn shophouse, các chủ nhà đều đề bảng cho thuê dài hạn.

Do thói quen tiêu dùng

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Kim Hoài, Tổng giám đốc Phúc Điền Land cho biết, hiện nay mặt bằng cho thuê tại quận 1 vẫn còn bỏ trống nhiều là do tác động của đại dịch COVID-19. Nhiều cửa hàng đang dần làm quen với việc kinh doanh online, không còn ưu tiên lấy địa điểm đẹp bằng mọi giá nữa.

Hơn nữa, khách thuê của khu vực trung tâm TPHCM đang có phương án dịch chuyển ra quận ngoài trung tâm để tránh chi phí ăn mòn lợi nhuận.

Đánh giá từ Savills Việt Nam cũng nêu, do ảnh hưởng của thương mại điện tử, các doanh nghiệp đang chú trọng hơn vào kênh trực tuyến và giảm quy mô cửa hàng vật lý. Dẫn đầu xu hướng này là các doanh nghiệp thuộc ngành ẩm thực như Starbucks, The Coffee House, Phúc Long… đã đóng hàng loạt cửa hàng.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills TPHCM cho rằng, trong ngắn hạn thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới. Chủ nhà sẽ không còn ở thế thượng phong.

Khách thuê sẽ chiếm lợi thế với nhiều lựa chọn hơn để đuổi kịp xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Đó là mở cửa hàng ở trung tâm thương mại hoặc mở rộng tiếp thị và bán hàng trực tuyến.

Hậu COVID-19, mặt bằng kinh doanh trên đất vàng bỏ trống ảnh 2

Nhiều mặt bằng có vị trí đắc địa ở trung tâm TPHCM nhưng không ai thuê

Tuy nhiên, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội cho biết, các sàn thương mại điện tử sẽ không thể thay thế hoàn toàn cửa hàng mặt phố nhưng các nhãn hàng sẽ giảm bớt nhu cầu về mở rộng kinh doanh.

Dự kiến, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ trong giai đoạn quý IV/2021 đến quý II/2022 chỉ tập trung ở các phân khúc trung và cao cấp, với nhóm mặt bằng nhà hàng, ăn uống; cửa hàng giới thiệu quảng bá sản phẩm và cung cấp trải nghiệm dùng thử sản phẩm mỹ phẩm của khách hàng; cửa hàng thời trang của nước ngoài; mặt bằng cho vui chơi giải trí và các sản phẩm cho mẹ và bé.

Bà Minh khuyến nghị, các chủ nhà có thể phải điều chỉnh phương thức thanh toán hàng tháng, giá thuê có thể giảm giá 20-30% vào năm đầu và bù giá vào các năm sau của hợp đồng thuê để giảm tải áp lực tài chính cho đơn vị kinh doanh giai đoạn mở cửa. Các ưu đãi khác về chỗ đỗ xe, biển hiệu quảng cáo cũng là các yếu tố quan trọng.

Trong vòng 1 năm tới, thị trường bán lẻ kỳ vọng sẽ khôi phục lại sức hút nhờ lượng lớn các thương hiệu nước ngoài cho tất cả các phân khúc bán lẻ, từ thời trang, mỹ phẩm, gia dụng đến nhà hàng ăn uống vào thị trường Việt Nam.

MỚI - NÓNG