Ngày 22/4, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử bị cáo Vũ Huy Hoàng – nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương cùng các đồng phạm trong vụ án thất thoát 2.713 tỷ đồng.
Được gọi lên bục khai báo, ông Hoàng đứng không vững và được bị cáo Phan Chí Dũng – nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ đỡ, giúp lấy ghế. Ông Hoàng sức khỏe yếu nên được chủ tọa cho phép ngồi trình bày.
Theo truy tố, Sabeco lập liên doanh Sabeco Pearl để xây dựng dự án cao ốc, văn phòng tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TPHCM) trong đó, Sabeco giữ 26% vốn; còn lại thuộc các công ty tư nhân gồm Attland (23%), Hà An (25,5%), Mê Linh (25,5%).
Ông Vũ Huy Hoàng và các cấp dưới tại Bộ Công Thương đồng ý việc này và UBND TPHCM cũng chấp thuận cho xây dựng trên khu đất. Tuy nhiên, đến năm 2016, các doanh nghiệp tư nhân đề nghị Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh và được Sabeco cùng Bộ Công Thương đồng ý.
Như vậy, khu đất số 2-4-6 từ sở hữu nhà nước bị các công ty tư nhân thâu tóm với giá rẻ, gây thiệt hại 2.713 tỷ đồng. Trong vụ, bà Hồ Thị Kim Thoa – nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương bị xác định có trách nhiệm nhưng người này đã bỏ trốn.
Trình bày về vai trò của mình, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khai được giữ chức Bộ trưởng Bộ Công thương từ năm 2007 đến năm 2016, phụ trách công tác chiến lược, quy hoạch; công tác nội chính bao gồm tổ chức cán bộ, pháp chế, thi đua khen thưởng…
Theo bị cáo Hoàng, cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mới là người được phân công phụ trách công nghiệp nhẹ gồm thực phẩm, gỗ, giấy… và trong đó có Sabeco.
Về việc Sabeco thành lập liên doanh Sabeco Land năm 2007 để xây dựng tại khu đất 2-4-6, ông Vũ Huy Hoàng cho biết khi ông nhận chức Bộ trưởng, liên doanh này đã được thành lập.
Cựu Bộ trưởng khẳng định, do ông không trực tiếp phụ trách nên chỉ biết thông tin về Sabeco nếu cấp dưới báo cáo. Lần đầu tiên ông Hoàng nhận thông tin về Sabeco là vào năm 2013 khi khi bộ phận quản lý vốn nhà nước ở đơn vị này gửi văn bản xin thay thế nhà đầu tư của Sabeco Land, chuyển sang thành lập liên doanh Sabeco Pearl.
“Tôi cũng chỉ có duy nhất ý kiến vào văn bản này là Sabeco phải báo cáo Bộ trước khi lựa chọn nhà đầu tư. Tôi làm thế bởi muốn doanh nghiệp thay thế phải đảm bảo năng lực triển khai dự án chứ không như lần đầu để rồi bị dang dở” – ông Vũ Huy Hoàng nói.
Phía truy tố xác định, ông Vũ Huy Hoàng có chủ trì cuộc họp vào năm 2016, nội dung quyết định giá bán cổ phần, để Sabeco thoái vốn tại Sabeco Pearl. Hành vi này khiến khu đất số 2-4-6 bị chuyển từ sở hữu nhà nước sang tư nhân.
Về việc này, bị cáo Hoàng thừa nhận có chủ trì cuộc họp trên nhưng do lúc đó, Thứ trưởng phụ trách đi vắng. Ông Hoàng trình bày: “Cuộc họp này bàn về nhiều vấn đề trong đó có chủ trương cho Sabeco thoái vốn, chủ trương xây dựng trụ sở mới cho Sabeco trong trường hợp thoái vốn; không phải chỉ bàn về giá bán cổ phần”.
Cựu Bộ trưởng nói thêm, bản thân ông đồng tình việc Sabeco xây dựng văn phòng bởi trước đó, doanh nghiệp này chưa có trụ sở. “Rất đau xót khi hàng năm, Sabeco và các công ty con phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để thuê văn phòng. Tôi nghĩ tiết kiệm vài năm tiền thuê nhà là có trụ sở, lúc đó tiết kiệm cho cả nhà nước và Sabeco” – bị cáo Hoàng nói.
Đáng chú ý, phía truy tố xác định khu đất số 2-4-6 ban đầu chỉ xây dựng văn phòng nhưng sau đó được bổ sung thêm chức năng căn hộ. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khai UBND TP.HCM có văn bản thể hiện nếu chỉ xây văn phòng sẽ không phù hợp quy hoạch nhưng đây là văn bản hướng dẫn, không có giá trị pháp lý. “Theo tôi, đến nay vẫn chưa có quyết định cho xây dựng căn hộ” – ông Hoàng nói.
Cũng tại tòa, bị cáo Phan Chí Dũng - nguyên Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương cho hay, chỉ nhận thức được Sabeco xây dựng văn phòng để phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, không phải là đầu tư ngoài ngành. Vì vậy, ngay cả khi Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành, ông vẫn đồng ý việc Sabeco xây văn phòng.