Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, châu Âu sẽ có quân đội riêng?

Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump khiến châu Âu buộc phải nghĩ đến phương án thành lập quân đội riêng. Ảnh: Reuters
Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump khiến châu Âu buộc phải nghĩ đến phương án thành lập quân đội riêng. Ảnh: Reuters
Không ít lãnh đạo châu Âu nhìn nhận việc ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ là cơ hội để châu Âu sống lại ý tưởng thành lập quân đội riêng.

Chỉ 1 ngày sau khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean Claude Juncker đã nhắc đến ý tưởng này trong một hội nghị tại Berlin.


“Chúng ta cần có thêm an ninh tại châu Âu và tôi không chỉ nói về việc chống khủng bố. Ý nghĩ rằng người Mỹ sẽ bảo vệ an ninh cho châu Âu mãi mãi là không đúng.

Chúng ta phải tự làm việc đó. Đó là lí do tại sao chúng ta cần một cách tiếp cận mới đối với chủ đề cộng đồng quốc phòng chung châu Âu, bao gồm cả ý tưởng về quân đội châu Âu”, ông Juncker nói.

Trên thực tế, ông Juncker cũng không phải quan chức cấp cao châu Âu đầu tiên đề cập chủ đề này trong thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ. Ngày 7/11, tức 1 ngày trước bầu cử tại Mỹ, nữ Bộ trưởng quốc phòng Đức, Ursula von der Leyen cũng tuyên bố rằng châu Âu cần phải tăng cường sức mạnh quân sự nhằm đối phó với nguy cơ tấn công từ Nga.

Chính nữ Bộ trưởng này sau đó đã công khai cảnh báo ông Donald Trump sau khi thắng cử rằng “không được phép coi NATO như một doanh nghiệp”.

Những phát ngôn đáng chú ý này đến trong bối cảnh các nhà lãnh đạo hàng đầu ở châu Âu đều đang bối rối trước việc ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ và sốt ruột chờ đợi các chính sách cụ thể của vị Tổng thống mới đắc cử này đối với mối quan hệ đồng minh chiến lược lâu đời giữa Mỹ và châu Âu.

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử của mình ông Donald Trump từng có nhiều tuyên bố tiêu cực về châu Âu và khiến các lãnh đạo châu lục này tức giận, như việc cho rằng châu Âu đã quá dựa dẫm vào Mỹ trong NATO và cần phải buộc các thành viên châu Âu trong NATO chi nhiều tiền hơn, cũng như Mỹ sẽ chỉ bảo vệ “có điều kiện” các đồng minh hoàn thành nghĩa vụ về tài chính.

Vì các tuyên bố đó của Donald Trump, không ít nhà phân tích đã cho rằng việc ông này đắc cử Tổng thống Mỹ là một tin tức xấu cho châu Âu trong hoàn cảnh châu lục này đang suy yếu chưa từng có vì khủng hoảng kinh tế, đe doạ khủng bố, làn sóng tị nạn, Brexit và quan hệ căng thẳng với Nga.

Các phản ứng bi quan ban đầu từ châu Âu cũng cho thấy điều đó. Tuy nhiên, có vẻ như sau những ngày đầu bị sốc vì kết quả bầu cử tại Mỹ, các quan chức châu Âu bắt đầu phản công.

Ngoại trưởng Pháp, Jean Marc Ayrault tuyên bố: “Đã đến lúc ngừng than thở về việc Trump mà hãy coi đó như cơ hội để châu Âu nắm lại quyền định đoạt mọi chuyện của mình”.

Thông điệp này cũng được nhiều ngoại trưởng châu Âu nhắc đến trong buổi họp bất thường tối 13/11 tại Brussels giữa các quan chức ngoại giao hàng đầu EU nhằm tìm tiếng nói và chiến lược chung nhằm đối thoại với ông Donald Trump.

Cựu Thủ tướng Bỉ, Guy Verhofstadt cũng cho rằng, đây là thời điểm không thể chậm trễ và thích hợp hơn nữa để thực hiện các cải cách mang tính sống còn đối Liên minh châu Âu, trong đó có việc thành lập quân đội chung.

Michael Lambert, chuyên gia về quan hệ quốc tế của trường ĐH Paris-Sorbonne, nhận định việc Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ sẽ dẫn đến một bước “đại nhảy vọt theo hình thức liên bang” tại châu Âu, tức sẽ dẫn đến việc tăng cường hợp tác quân sự giữa các thành viên EU, mà trụ cột là quan hệ quân sự Pháp-Đức và dài hạn có dẫn đến việc ra đời tại châu Âu một quân đội với sức mạnh hàng đầu thế giới.

Điều này, trước hết bắt nguồn từ tư duy “America First” (Nước Mỹ trước tiên) của Donald Trump, theo đó Mỹ sẽ chú trọng đến các lợi ích của mình trên hết và có thể sẽ bỏ mặc châu Âu tự lo các vấn đề an ninh. Điều này bắt buộc châu Âu phải thay đổi và đó vừa là một nguy cơ, vừa là cơ hội.

Trước hết là cơ hội

Về chính trị, với một châu Âu quá phụ thuộc vào cái ô an ninh của Mỹ thông qua NATO, việc phải tự mình đảm đương nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho chính châu lục, là cơ hội để nắm lại quyền chủ động trong tay.

NATO ra đời trong Chiến tranh lạnh và đã hoạt động hiệu quả trong việc bảo vệ an ninh cho phương Tây nhưng đó cũng là hai mặt của một tấm huy chương. NATO vừa là cái ô, vừa là cây gậy của Mỹ nhằm duy trì sự phụ thuộc của các đồng minh châu Âu vào mình trên khía cạnh quân sự.

Mỹ gánh vác trên 70% chi phí hoạt động của NATO và có tiếng nói quyết định trong khối. Ở một chừng mực nào đó, NATO là bàn tay để Mỹ kiểm soát châu Âu.

Vì lí do đó, ý tưởng thoát khỏi sự kiềm toả của Mỹ có lẽ sẽ thực sự kích thích với không ít lãnh đạo châu Âu. Trước hết là từ Pháp, quốc gia luôn tìm mọi cách duy trì một sự độc lập nhất định với Mỹ trên bình diện đối ngoại và quốc phòng.

Và đặc biệt là Đức, một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới nhưng lại chỉ được phép duy trì một quân đội ở mức trung bình. Bên cạnh việc đối phó với Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw trước kia, một trong những lí do ra đời của NATO, sau Thế chiến II chính là để “giữ cho một nước Đức không mạnh về mặt quân sự”.

Nói cách khác là NATO là một rào cản để nước Đức trở lại hoàn toàn bình thường, không chỉ trên khía cạnh kinh tế mà còn cả quân sự ở quy mô toàn cầu.

Đó có lẽ là lí do mà đến thời điểm này, những tiếng nói mạnh mẽ nhất hướng về Donald Trump đến từ nước Đức và Berlin cũng là nơi làm ý tưởng “quân đội châu Âu” sục sôi trở lại.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean Claude Juncker còn nhìn xa hơn khi nhận định rằng “đến năm 2050, châu Âu sẽ không còn là trung tâm kinh tế lớn của thế giới nữa và nếu chúng ta vẫn muốn giữ vai trò thống trị của mình thì cần phải xây dựng châu Âu thành một siêu cường quân sự”.

Về kinh tế, thúc đẩy thành lập quân đội châu Âu cũng có thể mang lại một động lực lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. Các tập đoàn như Dassault, Sabb, Thales, DCNS, Rheinmetall… sẽ hưởng lợi lớn khi châu Âu sẽ phải chi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ euro cho các dự án sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 5-6, vệ tinh gián điệp, tàu ngầm hiện đại… Nhiều việc làm sẽ được tạo ra bởi đặc thù bảo mật cao của công nghiệp quốc phòng sẽ buộc châu Âu phải sản xuất vũ khí ngay tại châu lục.

Tuy nhiên, với chừng đó cơ hội thì cũng có chừng đó thách thức. Đầu tiên, là thách thức tài chính. Các nước châu Âu đã quá quen với sự bảo trợ an ninh từ Mỹ trong suốt nhiều năm qua và Mỹ hiện vẫn đảm đương đến trên 70% chi phí hoạt động của NATO.

Xây dựng một quân đội châu Âu gần như đồng nghĩa với việc khai tử NATO để xây dựng một quân đội khác mạnh tương đương, với chi phí thậm chí còn nhiều hơn chi phí NATO do phải bắt đầu lại từ đầu.

Với tình hình kinh tế tồi tệ tại châu Âu gần chục năm qua, cộng thêm việc các nước thành viên đã cắt giảm chi phí quốc phòng liên tục suốt nhiều năm qua, thách thức tài chính này gần như không thể vượt qua trong giai đoạn trước mắt.

Tiếp đến, là dấu hỏi về các tính toán chính trị. Liên minh châu Âu đang trong giai đoạn chia rẽ nhất kể từ khi thành lập và xu hướng ly khai trong nội bộ tổ chức này ngày càng lớn.

Liệu các thành viên có đủ quan tâm để chung tay xây dựng một quân đội chung hay không là một câu hỏi lớn, nhất là khi quan điểm của các nước này trước Nga, bị coi là mối đe doạ an ninh lớn nhất, là rất khác nhau.

Nhiều nước không coi Nga là “kẻ thù” và sẵn sàng hợp tác lại với Moscow ngay khi có thể. Một số nước lớn như Đức, Pháp, Ba Lan… có thể có lợi ích khi thúc đẩy thành lập quân đội chung vì qua đó vị thế chính trị sẽ tăng, nhưng không ít các nước khác, như Hungary, Italy, Séc… không hề muốn một sự đối đầu căng thẳng với Nga.

Thách thức tiếp theo, là bản chất mối quan hệ Đức-Pháp. Đây là hai đầu tàu châu Âu cả về kinh tế lẫn quân sự và một quân đội châu Âu, nếu được thành lập, sẽ dựa trên cốt lõi là hợp tác quân sự Pháp-Đức.

Về tiềm năng công nghệ, Pháp-Đức đủ sức đưa châu Âu thành một siêu cường quân sự nhưng về chính trị, liệu Pháp-Đức, hai quốc gia từng là “kẻ thù truyền kiếp” tại châu Âu có thành tâm hợp tác với nhau một khi bộ khung NATO không còn và cũng không còn một siêu cường như Mỹ đứng giữa để cân bằng quan hệ?

Đó là câu hỏi khó trả lời vì trên thực tế, dù đã hữu hảo với nhau rất nhiều sau 2 cuộc Thế chiến đẫm máu trong thế kỷ 20, sự cạnh tranh vai trò lãnh đạo châu Âu giữa Pháp và Đức chưa bao giờ mất đi, nếu không muốn nói là có xu hướng phức tạp hơn với sự trỗi dậy của các đảng cực đoan ở cả hai nước.

Thách thức tiếp là không thể không nhắc đến người Anh. Dù sắp ra khỏi EU và luôn coi mình là quốc đảo biệt lập với châu Âu, trên thực tế về mặt địa lý, nước Anh không thể tách rời với châu Âu về mặt an ninh.

Các chính trị Anh đặc biệt phản đối ý tưởng thành lập quân đội châu Âu vì coi đó là sự chấm dứt của NATO, nơi Anh vẫn đóng vai trò quan trọng và hưởng nhiều lợi ích.

Kịch bản NATO giải thể trong khi Anh đã ra khỏi EU khiến các chính trị Anh lo sợ tình cảnh bị cô lập về an ninh bởi khi đó, rất không hợp lý khi Anh gia nhập quân đội châu Âu khi đã từ bỏ tư cách thành viên EU.

Với London, đó là một tương lai khó chịu. Tất nhiên, điều ngược lại cũng không dễ chịu với EU bởi Anh không chỉ là một thế lực quân sự hàng đầu mà còn là 1 trong 2 cường quốc hạt nhân vô cùng quan trọng với châu Âu, bên cạnh Pháp.

Cuối cùng, trở ngại lớn nhất đối với giấc mơ quân đội châu Âu vẫn sẽ đến từ bên kia Đại Tây Dương. Bất kể ông Donald Trump đã phát biểu những gì, việc nước Mỹ từ bỏ và rút chân khỏi châu Âu là điều khó có thể hình dung.

Đó không chỉ là nơi có các đồng minh lâu đời và thân cận nhất của Mỹ mà còn là nơi có những lợi ích sống còn với nước Mỹ, nơi Mỹ đã xây dựng một trật tự mà họ lãnh đạo và qua đó thống trị quan hệ quốc tế. Việc từ bỏ NATO và để châu Âu tự nắm quyền chủ động là rất khó tưởng tượng đối với nước Mỹ./.


Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG