Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: NYT) |
Vào giai đoạn đỉnh điểm Mỹ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hồi đó có vũ khí bí mật: một đặc vụ có thể tiếp cận vòng trong của nhà lãnh đạo Nga, để thông tin cho Washington về cách mà bậc thầy về chiến thuật đang nghĩ đến bước đi tiếp theo.
Đặc vụ đó bị đuổi khỏi Nga năm 2017, khiến Mỹ gần như bị “mù” trong một thời gian. Giờ đây, sau 5 năm xây dựng lại khả năng tiếp cận đội ngũ cao nhất trong điện Kremlin, các cơ quan tình báo Mỹ đang đối mặt với bài kiểm tra quan trọng: giải mã xem liệu ông Putin có dùng hơn 150.000 binh lính gần biên giới để tấn công Ukraine, hay chỉ làm điều này làm công cụ gây áp lực trên bàn đàm phán ngoại giao?
“Cơ bản chúng ta không hiểu điều gì trong đầu Tổng thống Putin, nên chúng ta không thể đoán tất cả những điều này sẽ dẫn đến đâu” - Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith
Các cuộc trả lời phỏng vấn của giới chức Mỹ và các đồng minh cho thấy Mỹ và Anh đã có tiếp cận nhất định đến suy tính của ông Putin. Một số thông tin tình báo thu được qua nghe lén, một số rút ra từ những cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với người đồng cấp Nga để giúp Washington hiểu thế giới quan của ông Putin, New York Times viết.
Theo một quan chức Mỹ, tính toán của Tổng thống Nga có thể thay đổi khi cân nhắc tổn thất nếu tấn công và những gì có thể đạt được thông qua đàm phán. Nhiều quan chức lưu ý rằng ông Putin sẽ chờ đến lúc cuối cùng mới ra quyết định, và thường xuyên đánh giá lại các lựa chọn.
Không có gì ngạc nhiên khi giới chức Mỹ không tiết lộ bằng cách nào họ biết ông Putin đang nghĩ gì, vì điều này giúp bảo vệ nguồn tin.
Biết ý định của lãnh đạo một quốc gia thường là việc khó khăn, nhưng với ông Putin còn khó khăn gấp bội vì ông tránh dùng thiết bị điện tử, thường cấm ghi chép trong cuộc họp, và cũng có giới hạn về mức độ một cơ quan tình báo có thể hiểu về ý định và suy tính của ông.
“Cơ bản chúng ta không hiểu điều gì trong đầu Tổng thống Putin, nên chúng ta không thể đoán tất cả những điều này sẽ dẫn đến đâu”, Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith nói với báo chí ngày 15/2.
Một quan chức cấp cao của Mỹ đã gặp người đồng cấp Nga gần đây cho biết phái đoàn Mỹ có cảm giác rằng các đại diện của Nga thể hiện rất cứng rắn vì họ cũng không biết sếp của mình muốn làm gì.
Giới chức Mỹ đang nghiên cứu thông tin tình báo, gồm cả các phân tích và tài liệu thô, để cố gắng trả lời một câu hỏi quan trọng: Ông Putin đánh giá khả năng thành công của mình như thế nào?
Các cựu quan chức tình báo cảnh báo rằng những cố gắng nhằm đoán bước đi tiếp theo của một nhà lãnh đạo như ông Putin cần phải khiêm tốn vì họ không biết đã hiểu được bao nhiêu.
Giới chức Mỹ và Anh đều nói rằng yếu tố chìa khoá trong phân tích của họ là đã có thay đổi trong đánh giá của ông Putin về vị thế của nước Nga trên thế giới. Sau khi đầu tư mạnh vào quân sự, ông Putin dường như tin rằng Nga đang ở vị thế mạnh nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ để có thể gây sức ép với Ukraine và phần còn lại của châu Âu. Dự trữ tài chính của Nga cũng đã đủ lớn để có thể chống chịu trước các biện pháp trừng phạt.
Gần đây, Nga hưởng lợi nhiều khi giá dầu khí tăng cao, và thực tế là nguy cơ chiến tranh càng cao thì giá dầu khí càng tăng.
Khi nhìn vào chi phí quá cao nếu nguồn nhiên liệu từ Nga bị ngắt, Đức và các nước khác càng muốn đàm phán một giải pháp để tránh phải áp biện pháp trừng phạt.
Ông Putin cũng có lợi thế về thời gian, vì không phải đối mặt với cử tri trong hai năm rưỡi nữa.
Các cựu quan chức tình báo cảnh báo rằng những cố gắng nhằm đoán bước đi tiếp theo của một nhà lãnh đạo như ông Putin cần phải khiêm tốn vì họ không biết đã hiểu được bao nhiêu.
Mỹ rõ ràng đã có nguồn tình báo về việc hoạch định chiến tranh của quân đội Nga, nên đã đoán được việc Mátxcơva tập hợp lực lượng ở biên giới vài tuần trước khi điều này xảy ra. Tuy nhiên, Mỹ nhiều lần bị ông Putin gây bất ngờ, từ quyết định sáp nhập bán đảo Crimea đến việc triển khai lực lượng đến Syria.