Lý do khiến ‘Pháo đài Nga’ có thể bất chấp đe doạ trừng phạt của phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những nỗ lực của Nga nhằm giảm phục thuộc vào hệ thống tài chính toàn cầu đã giúp nước này chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và châu Âu doạ sẽ áp dụng nếu tấn công Ukraine.
Lý do khiến ‘Pháo đài Nga’ có thể bất chấp đe doạ trừng phạt của phương Tây ảnh 1

Tổng thống Nga Putin (phải) đã chuẩn bị nhiều biện pháp để đối phó với khả năng bị phương Tây trừng phạt thêm. (Ảnh: Reuters)

Sự thành công tương đối của cái mà giới đầu tư gọi là chiến lược “Pháo đài Nga” có thể khiến những đe doạ của phương Tây không còn đủ sức răn đe, Financial Times dẫn đánh giá của các nhà phân tích.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thoát khỏi việc phụ thuộc vào khí đốt từ Nga, vì thế bất kỳ hạn chế nào nhằm vào ngành xuất khẩu năng lượng của Nga cũng sẽ là tự gây hại cho mình, vì Mátxcơva có thể trả đũa bằng cách giảm hoặc cắt nguồn cung.

Những biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang bàn bạc có thể vượt xa những gì đã áp dụng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Nga có thể bị ngắt khỏi nền kinh tế toàn cầu như Iran và Triều Tiên. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nga, sau khi đã thử nghiệm những kịch bản tồi tệ nhất trong thời gian qua và lập ra một đơn vị chuyên chống đỡ các biện pháp mà Bộ Tài chính Mỹ áp dụng, nói rằng nền kinh tế Nga có thể chịu đựng những điều đó.

“Rõ ràng là không thoải mái, nhưng có thể làm được. Tôi nghĩ các định chế tài chính của chúng tôi có thể xử lý nếu gặp những rủi ro đó”, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuần trước khẳng định.

Khả năng leo thang căng thẳng Nga – Ukraine và Mỹ và châu Âu sẽ tăng cường trừng phạt tăng lên sau khi các cuộc đàm phán ở Geneva và Brussels không dẫn đến bước đột phá nào.

Nga đang tập hợp khoảng 100.000 binh lính gần biên giới Ukraine và tuyên bố sẽ có hành động quân sự nếu những yêu cầu an ninh của Nga không được đáp ứng.

“Khi ông Putin hỏi họ sẽ làm gì nếu bị trừng phạt vì hành động quân sự, các quan chức Nga có thể giơ tay chào rồi nói: ‘Vâng, chúng tôi biết chính xác phải làm gì”, ông Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Carnegie Mátxcơva nói với Financial Times.

Từ năm 2014, Nga đã gia tăng tích trữ ngoại tệ và bắt đầu quá trình “phi đô la hoá” nền kinh tế.

Dự trữ của ngân hàng trung ương Nga tăng hơn 70% từ cuối năm 2015 và giờ đã vượt 620 tỷ USD. Dự trữ đô la chiếm khoảng 16,4% tổng dự trữ ngoại tệ của Nga trong năm 2021, theo số liệu được công bố tuần trước.

Khoảng 1/3 dữ trữ của Nga là đồng euro, 21,7% là vàng và 13,1% là nhân dân tệ. Năm 2017, Nga chất thêm kho bạc của mình bằng việc hợp nhất quỹ dự trữ với Quỹ tài sản quốc gia, một cơ quan mới thành lập để tích trữ nguồn thu từ bán dầu khí.

Giá dầu tăng đã giúp Nga có 190 tỷ USD trong kho dữ trữ của mình tính đến quý 3/2021, và dự kiến con số này sẽ tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2024. Trong khi đó, nợ chính phủ đang ở mức 20% GDP và dự báo sẽ giảm xuống 18,5% vào cuối năm 2023, theo đánh giá của Fitch Ratings.

Nga cũng đã học cách giảm phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ trái phiếu chính phủ Nga nằm trong tay nước ngoài giảm xuống 20% sau khi Washington cấm các nhà đầu tư Mỹ giao dịch trái phiếu mới phát hành từ năm ngoái. Biện pháp này làm giảm đầu tư nước ngoài nhưng cũng giúp Nga ít chịu ảnh hưởng nếu xảy ra một đợt bán tháo ồ ạt.

Các công ty Nga đã rút ra bài học từ đợt trừng phạt đầu tiên, khi họ chật vật xoay sở để trả các khoản vay ngân hàng phương Tây. Tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp Nga với ngân hàng nước ngoài giảm từ 150 tỷ USD vào tháng 3/2014 xuống 80 tỷ USD trong năm 2021.

Các biện pháp trừng phạt năm 2014 đã gây tổn thất cho Nga. Kinh tế Nga chỉ tăng trung bình 0,8% kể từ năm 2013, trong khi kinh tế toàn cầu tăng 3%. Các chính sách tài khoá chặt chẽ đã hạn chế chi tiêu xã hội và đầu tư vào hạ tầng. Thu nhập thực tế cũng giảm sút trong giai đoạn này. Tổng thống Putin từ chối dùng tiền trong Quỹ tài sản quốc gia để cứu trợ COVID-19, thay vào đó là chọn cách kích thích kinh tế vừa phải và nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Sự ổn định của Pháo đài Nga là “một dạng ổn định phong cách hậu Liên Xô, khi bạn hy sinh tăng trưởng kinh tế để đổi lấy ổn định”, bà Maria Shagina, nhà nghiên cứu tại Viện Quốc tế Phần Lan, đánh giá.

Trong khi Nga nỗ lực giảm phụ thuộc vào tài chính nước ngoài, châu Âu không làm gì nhiều để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga, vì thế các biện pháp trừng phạt mới có thể gây tác dụng ngược. EU nhập hơn 40% khí đốt và 1/3 dầu từ Nga, vì thế sẽ dễ tổn thương nếu gặp cú sốc.

“EU chưa rút ra bài học từ sai lầm. Họ muốn đa dạng hoá để giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga, để tăng sức chống chịu và phục vụ các bài toán địa chính trị. Nhưng chúng ta không thấy điều đó”, bà Shagina nói.

Bên cạnh đó, phương Tây còn phụ thuộc vào những tài nguyên quan trọng khác từ Nga như titan. Vì thế, phương Tây sẽ khó có thể trừng phạt VSMPO-Avisma, nhà cung cấp titan lớn nhất cho hãng Boeing.

Những phụ thuộc đó khiến phương Tây khó có thể trừng phạt mạnh hơn ngành tài chính của Nga.

Mỹ và EU đang thảo luận việc cấm giao dịch với các ngân hàng lớn của Nga hoặc ngắt Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, nhưng chỉ có thể làm điều này một cách hiệu quả nếu phương Tây dừng mua hàng của Nga, ông Gabuev nhận định.

“Bạn phải để lại một kênh để thanh toán tiền mua dầu và khí đốt của Nga. Các biện pháp trừng phạt sẽ không khiến ông Putin thay đổi, vì bất kỳ thiệt hại nào cũng có thể chấp nhận được với Nga và Kremlin nghĩ họ có câu trả lời”, ông Gabuev nói.

Theo FT
MỚI - NÓNG