Ông ngoại tôi - Tổng Bí thư Lê Duẩn

Ông ngoại tôi - Tổng Bí thư Lê Duẩn
TP - Ngày 7 tháng 4 năm 2007 này ông ngoại tôi tròn 100 tuổi. Nhớ về ông, tôi nhớ những năm tháng được sống bên cạnh người, nhớ những bài học mà người đã dạy cho chúng tôi về tình yêu quê hương, đất nước, về tình cảm cách mạng, về niềm tin vào chiến thắng.  
Ông ngoại tôi - Tổng Bí thư Lê Duẩn ảnh 1
TBT Lê Duẩn và các cháu nội, ngoại. Tác giả đứng bên phải. Ảnh: TL gia đình

Do ba mẹ tôi bận công tác xa, nên tôi được ông bà ngoại nuôi từ khi còn nhỏ. Tuổi thơ của tôi gắn liền với tình thương, sự dạy dỗ của ông bà ngoại, gắn liền với ngôi nhà số 6 phố Hoàng Diệu rợp mát bóng cây.

Là đứa cháu đầu tiên trong gia đình, nên ngày bé tôi luôn được gần gũi bên ông hay chơi trên đùi của ông mỗi khi ông đọc tài liệu.

Có một lần khi ngồi chơi bên cạnh ông, tôi hỏi: "Ông ơi, cháu hay thấy người ta gọi ông là đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Lê Duẩn là tên của ông rồi, thế Bí thư thứ nhất là gì?".

Ông cười và trả lời rằng đó là một trọng trách lớn mà Đảng và Bác Hồ giao phó cho ông, sau này trưởng thành, cháu sẽ hiểu công việc mà ông đang làm.

Rồi sau đó ông đã kể cho tôi nghe về lý do ông đi làm cách mạng, ông nói:  hồi còn nhỏ khi đi học, nhìn thấy những người dân bị áp bức, bóc lột nặng nề và tàn bạo, ông rất đau xót và thương tâm. Chính điều này đã thôi thúc ông đi làm cách mạng để tìm con đường giải thoát cho người dân nghèo, cho đồng bào lao khổ …

Ông kể rằng khi bị bọn thực dân Pháp cầm tù, bị đánh đập, bị xâu dây thép qua bàn tay, bị hành hạ dã man, ông và các đồng chí của mình không hề cảm thấy đau và khổ, bởi vì trong ông và các đồng chí của mình luôn rộn ràng những suy nghĩ về độc lập của dân tộc, về tương lai tươi sáng của nước nhà.

Ông đã kể cho chúng tôi nghe về tấm gương của một chiến sĩ cộng sản, một người đồng chí của ông. Người chiến sĩ cộng sản đó tên là Hiếu, trong tù ông Hiếu đã bị bọn cai ngục đánh đập rất dã man, tàn bạo, mặc dù được các đồng chí cùng cảnh ngộ chăm lo, giúp đỡ, nhưng do sức khỏe yếu cộng với sự tàn ác của nhà tù thực dân nên ông Hiếu đã không qua khỏi được, trước khi chết ông Hiếu đã cởi chiếc áo đang mặc trên người đưa cho ông ngoại tôi và nói:

"Tôi sắp chết không còn đóng góp được gì cho Đảng nữa, nay tôi chỉ còn tấm áo này, anh hãy nhận và mặc nó để giữ ấm, để có sức khỏe phục vụ cho Đảng, tôi chết trần truồng cũng được".

Một hôm, như mọi ngày của tháng 12/1972, khi tiếng còi báo động trên nóc tòa nhà của Tổng cục Thống kê rú lên, tôi vừa chạy đến cửa hầm thì đã nghe thấy những tiếng nổ rất lớn vang lên, dưới hầm trú ẩn các nắp đậy của các lỗ thông hơi rung lên bần bật vì sức ép của bom, lúc đó ông tôi cũng bước xuống hầm cùng bác Cúc là sỹ quan cảnh vệ tiếp cận.

Bác Cúc đội cho ông chiếc mũ sắt và nói "báo cáo Anh, có lẽ máy bay Mỹ thả bom rất gần đây", thấy tôi ngồi đó và lắng nghe, ông tôi mỉm cười và hỏi "cháu có sợ bom không?", tôi trả lời là "cháu có sợ".

Lúc đó ông ngoại nói với mọi người xung quanh là tuy đế quốc Mỹ ném bom dữ dội và tàn bạo như vậy, nhưng chắc chắn chúng sẽ thua đau ở Hà Nội, chúng sẽ phải ngừng ném bom miền Bắc và sẽ phải rút quân ra khỏi miền Nam.

Ngày hôm sau, qua các chú cảnh vệ và đài phát thanh tôi được biết máy bay B.52 của Mỹ đã ném bom rải thảm khu phố Khâm Thiên và rất nhiều người dân đã chết trong trận bom đó.

Hiệp định Pari được ký kết, đế quốc Mỹ đã phải rút quân ra khỏi miền Nam. Tôi còn nhớ mãi cái Tết Quý Sửu năm 1973 ấy, cả nhà ăn một cái tết trong niềm vui hân hoan, tôi thấy ông ngoại tôi lúc ấy rất vui, cái vui của ông đã lan sang các chú thư ký, cảnh vệ và lan sang cả lũ nhỏ trong nhà như tôi nữa.

Bây giờ khi nhớ lại niềm vui của ông ngoại vào thời điểm đó, tôi đoán rằng lúc đó ông vui vì toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã hoàn thành được một phần mong muốn của Bác Hồ kính yêu là đánh cho Mỹ cút và việc giải quyết vấn đề đánh cho ngụy nhào chỉ còn là thời gian ngắn nữa thôi.

Sau tết Quý Sửu vài ngày, một hôm ông gọi tôi lên phòng và hỏi cháu có muốn về quê không, nếu cháu thích đi thì nói với bà chuẩn bị hành lý và vài bữa nữa sẽ lên đường.

Lần đó tôi đã được theo ông về thăm tỉnh Quảng Bình, thăm Vĩnh Linh, thăm bộ đội Trường Sơn và ra gần chân cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17. Đứng ở gần chân cầu Hiền Lương nhìn sang bên kia là tỉnh Quảng Trị, ông gọi tôi lại gần và nói quê hương Quảng Trị tuy nghèo, nhưng đẹp lắm, người dân sống rất tình cảm và thương yêu nhau, một nhà có nồi khoai hoặc ấm trà ngon thì thường mời cả xóm đến cùng nhau thưởng thức vị ngon của nồi khoai, ấm trà đó, không lâu nữa đâu cháu sẽ được về thăm ngôi nhà nơi cậu Hãn, mẹ cháu, dì Hồng, dì Muội sinh ra.

Để thành công trong sự nghiệp, chỉ kiến thức sách vở thôi thì không đủ, ta cần phải luôn suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, đi vào thực tiễn, có ý thức làm chủ, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, luôn đấu tranh và bảo vệ cho lẽ phải, ông ngoại thường dạy chúng tôi như vậy.

Ông căn dặn chúng tôi là đã sống thì phải lao động hết mình; phải có tình thương với đất nước, đồng bào và làm việc, chiến đấu cho lẽ phải.

Nhớ đến ông ngoại, tôi luôn tự nhắc nhở mình hãy sống và làm việc sao cho xứng đáng là cháu của ông.

Hà Nội ngày 18/3/2007

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố Hà Nội tiến độ lập báo cáo và đề xuất chủ trương đầu tư 10 dự án đầu tư công và 1 dự án tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) để hoàn thiện và thực hiện trong thời gian tới, trong đó có dự án đường trên cao Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.