Nhưng đầu tiên hãy nhắc lại Học viện HA.GL, với lứa quân đầu tiên Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…
Giấc mộng nơi phố Núi
Ðây thực chất là những gương mặt nổi bật nhất ở lứa cầu thủ đầu tiên do Học viện HA.GL-Arsenal-JMG đào tạo nên. Bên cạnh đấy có thể kể đến một số cầu thủ khác cũng thường được nhắc đến như Văn Toàn, Hồng Duy, Phan Thanh Hậu.
Năm 2007, Học viện HA.GL-Arsenal-JMG được thành lập tại Trung tâm Hàm Rồng dựa trên hợp tác giữa HA.GL và Arsenal, với kỳ vọng đây sẽ là trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tốt nhất Việt Nam. Tại thời điểm trên, bầu Ðức từng tuyên bố chỉ cần một vài cầu thủ được bán cho các đội bóng nước ngoài, HA.GL sẽ đủ hồi vốn. Thực tế trên thế giới, không chỉ tại Việt Nam mà Arsenal còn hợp tác xây dựng học viện ở nhiều quốc gia trên thế giới, mà kề cận là Thái Lan. Thành công của các học viện này, theo các con số thống kê, là khá khiêm tốn.
Qua 7 năm ăn tập, lứa 1 HA.GL được “trình làng” qua giải U19 Ðông Nam Á diễn ra tại Indonesia hồi năm 2013 dưới sự dẫn dắt của HLV Guillaume Graechen. Ðây là giải đấu U19 Việt Nam với nòng cốt quân của Gia Lai đã thi đấu vô cùng ấn tượng trên cơ sở kỹ thuật bài bản, phối hợp nhuần nhuyễn, mang một màu sắc rất riêng. Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường…dần trở thành những cái tên quen thuộc đối với giới mộ điệu.
HLV Miura chịu nhiều sức ép trong việc sử dụng cầu thủ HAGL ở các ÐTQG và có thể phải ra đi sau 2 năm gắn bó.
Cơn sốt U19 Việt Nam được đẩy cao lên tới đỉnh qua các giải đấu trong năm sau đó như cúp giao hữu quốc tế Tp Hồ Chí Minh, Vòng loại U19 châu Á và giải U19 Ðông Nam Á 2014 mở rộng. Giới chuyên môn nức nở khen ngợi các cầu thủ HA.GL, trong khi những Công Phượng, Tuấn Anh…trở thành thần tượng trong mắt nhiều CÐV trẻ.
Cũng trong năm 2014, để chuẩn bị cho chiến dịch tranh vé dự đấu trường châu Á cấp độ trẻ, bầu Ðức đã cho toàn bộ lứa U19 tập huấn châu Âu. Kết thúc chuyến đi, mà như nhiều người tin rằng là một cuộc “chào hàng” của HA.GL với các CLB châu Âu, tất cả lại trở về nước. Ðã có những thông tin về số mức giá vài triệu USD được trả cho những Công Phượng, Tuấn Anh…nhưng bầu Ðức từ chối.
Có một câu chuyện được kể lại rằng trong lần cùng U19 Việt Nam thi đấu ở Vòng loại U19 châu Á ở Myanmar, trong một cuộc gặp với giới truyền thông ở Yangon, bầu Ðức đã đặt câu hỏi, nhưng cũng như một sự khẳng định về lứa U19 của HA.GL. “Các anh có tin 4 hoặc 5 năm nữa chúng ta có thể bằng và vượt Nhật Bản?”.
Trở về Việt Nam, bầu Ðức quyết định loại gần như toàn bộ các cầu thủ cũ ở HA.GL, lấy chỗ cho đoàn quân trẻ tham dự V.League 2015.
Miura đến, và sự khắc nghiệt của bóng đá đỉnh cao
Sự xuất hiện của HA.GL đã hút gần như mọi sự chú ý của giới mộ điệu, truyền thông ở mùa giải 2015. Người ta háo hức chờ đợi HA.GL khẳng định sức mạnh ở giải đấu có tính cạnh tranh thực sự, cao nhất cấp quốc nội.
Những cầu thủ HAGL bước vào sân chơi V-League thường phải cúi đầu rời sân và phải rất nỗ lực mới trụ hạng thành công. Ảnh: VSI
Ở đây cần phải rẽ ngang để nhắc đến 1 câu chuyện khác, trong cơn cuồng nhiệt do HA.GL gây nên, đã có ít nhất 2 người đầu tiên có những đánh giá khiến người hâm mộ đội bóng phố Núi phải phiền muộn. Người đầu tiên là HLV Lê Thụy Hải, thời điểm trên đương chức GÐKT CLB B.Bình Dương.
Ông Hải thẳng thắn “chê” một số khâu chưa chuẩn trong chiến thuật của U19 Việt Nam ở giải U19 Ðông Nam Á 2013, cũng như những non kém trong xử lý tình huống của cầu thủ. Những đóng góp của ông Hải “lơ”-biệt danh của HLV Lê Thụy Hải-đã hứng chịu không ít phản ứng căng thẳng từ người hâm mộ HA.GL. Người hâm mộ không sai với tình yêu dành cho bóng đá, nhưng chuyên môn là một khía cạnh khác.
Và người thứ 2, chính là HLV Toshiya Miura. HA.GL mở màn V.League 2015 với trận thắng tưng bừng trước đội bóng trẻ Sanna Khánh Hoà, với 2 bàn thắng được ghi do Công Phượng. Ở lượt trận thứ 2, đoàn quân của ông Guillaume Graechen thất thủ 1-2 trước Ðồng Tâm Long An.
Sau trận đấu này, ông Miura đã được một số tờ báo phỏng vấn, và đã đưa ra những nhận xét rất chừng mực. Nhà cầm quân người Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng phát triển của các cầu thủ trẻ HA.GL, nhưng đồng thời cho rằng đội bóng của ông Guillaume Graechen còn non kinh nghiệm, chưa đủ đẳng cấp thi đấu ở V.League.
Nhận xét trên cùng những diễn tiến về sau, khi không trọng dụng số đông cầu thủ HA.GL, đã khiến HLV Toshiya Miura bị đặt sang một chiến tuyến đối ngược, hứng chịu sức ép và sự tấn công dữ dội. Ngay ở thời điểm đang cùng tuyển U23 chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2016, ông Miura bị bầu Ðức chỉ trích là người “kém nhất trong lịch sử các HLV ngoại”, đặt điều kiện LÐBÐVN (VFF) không gia hạn hợp đồng với nhà cầm quân này để đổi lấy viện trợ từ một doanh nghiệp thân thiết. Ðây thực chất là sự tiếp nối các đợt chỉ trích từ phía bầu Ðức trước đó nhằm vào ông Miura.
Tiqui-taka của người Việt?
Bóng đá Việt Nam qua cả chục năm trời vẫn loay hoay xác định một lối chơi riêng. Giới chuyên môn và các nhà phân tích cũng đã nhắc đến khả năng chơi bóng ngắn, phối hợp nhỏ dựa trên nền tảng kỹ thuật tốt của cầu thủ, phù hợp với thể trạng người Việt. Nhưng rốt cuộc qua nhiều đời thầy ngoại, ít ai có thể chỉ ra đâu là là chơi thực sự “mang bản sắc bóng đá Việt Nam”.
Người thành công nhất, HLV Henrique Calisto, đã đưa Việt Nam lên đỉnh Ðông Nam Á với chiến thuật phòng ngự toàn diện trước Thái Lan. Những người khác, từ gắn bó lâu năm như A.Riedl, đến nhanh như Letard, Dido hay F.Goetz, đều không để lại dấu ấn nào.
ÐT U19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ HAGL đã tạo nên một cơn sốt thực sự đối với người hâm mộ cả nước. Ảnh: VSI
Sự xuất hiện của HA.GL như một ví dụ trực quan sinh động về lối chơi bóng đá Việt có thể áp dụng. Khả năng kiểm soát bóng dựa trên nền tảng kỹ thuật bài bản của các cầu thủ HA.GL là điều khó phủ nhận. Người ta cũng biết rằng để một cầu thủ có thể tiến xa, điều tiên quyết là cần có nền tảng căn bản tốt.
Cầu thủ HA.GL đáp ứng được tiêu chuẩn này. Sự thăng hoa của HA.GL ở các giải trẻ cũng kích thích cảm hứng các CLB ở Việt Nam tập trung nhiều hơn cho bóng đá trẻ.
HLV Toshiya Miura đã im lặng sau lần đầu tiên nói về HA.GL. Sức ép lên nhà cầm quân người Nhật Bản lớn tới độ, ít ai có thể tin rằng ông Miura và cả VFF đủ dũng cảm để tiếp tục gắn bó khi hợp đồng đáo hạn.
Người ta đã quên đi một thực tế rất rõ ràng là Công Phượng, ngôi sao sáng nhất ở HA.GL, chỉ thực sự toả sáng trong một tập thể đòi hỏi tính kỷ luật và đồng đội cao hơn, một môi trường cạnh tranh công bằng hơn dưới tay ông Miura.
Công Phượng ở V.League là một cầu thủ hoàn toàn khác so với Công Phượng ở cấp trẻ quốc gia. Cũng sẽ ít người hâm mộ nào của HA.GL nhớ tới thực tế, vị HLV thích hợp nhất với lối chơi mang màu sắc Arsenal, Guillaume Graechen, hiện đã trở lại với công tác đào tạo trẻ sau 1 mùa giải gian khổ ở V.League.
Ông Toshiya Miura ra đi, và phần việc còn lại sẽ vẫn là của người Việt Nam.
Trong một năm có quá nhiều biến cố đối với bóng đá Việt Nam, cũng như với chính từng con người có trách nhiệm liên quan đến cả nền bóng đá, HA.GL xứng đáng là thực thể tạo nên sự chia rẽ, với một nửa ủng hộ và một nửa phản đối. Ðã có những hành xử vượt ra ngoài quy tắc ứng xử thông thường, những quy định (thành văn hoặc bất thành văn) của một tổ chức.