Ông Medvedev cảnh báo 'Thế chiến III và thảm họa hạt nhân'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga – Dmitry Medvedev trong bài xã luận đăng trên tờ Rossiyskaya Gazeta đã hé lộ suy nghĩ của ông về việc năm 2022 khiến trật tự thế giới thay đổi mãi mãi như thế nào.
Ông Medvedev cảnh báo 'Thế chiến III và thảm họa hạt nhân' ảnh 1

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Tass

“Điều duy nhất ngăn chặn đối thủ của chúng ta ngày nay là việc họ biết rằng Nga sẽ làm theo học thuyết răn đe hạt nhân. Và nếu có một mối đe dọa thực sự, chúng tôi sẽ hành động”, ông Medvedev viết trong bài báo xuất bản tối 25/12, lưu ý rằng trong một kịch bản nghiệt ngã như vậy, sẽ không còn ai tranh luận về việc “đó là một cuộc tấn công trả đũa hay tấn công phủ đầu”.

“Vì vậy, thế giới phương Tây đang cân bằng giữa một bên là mong muốn chia cắt và phá hủy nước Nga, với một bên là mong muốn tránh được ngày tận thế hạt nhân.”

Cho đến khi những đảm bảo an ninh mà Nga yêu cầu được đáp ứng, thế giới “sẽ tiếp tục đứng bên bờ vực của Thế chiến III và thảm họa hạt nhân”, theo ông Medvedev. “Nhưng Mátxcơva đang làm mọi cách có thể để ngăn chặn điều đó.”

“Liệu phương Tây có sẵn sàng, thông qua các lực lượng ủy nhiệm của Kiev, phát động một cuộc chiến toàn diện chống lại chúng ta, bao gồm cả chiến tranh hạt nhân?”

Tháng 12 năm ngoái, Nga đã gửi danh sách các đề xuất an ninh cho Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó bao gồm điều khoản yêu cầu phương Tây không chấp thuận cho Ukraine gia nhập khối quân sự của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng NATO nên rút lui về biên giới năm 1997.

Sau khi Mỹ và NATO thẳng thừng từ chối, rõ ràng là Mátxcơva “không có ai để nói chuyện và không có gì để đàm phán" với phương Tây, ông Medvedev lập luận. Và vào tháng 2, khi “Ukraine tuyên bố mong muốn hồi sinh kho vũ khí hạt nhân của họ”, Mátxcơva không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động.

“Thế giới của chúng ta đã thay đổi, mãi mãi. Và câu hỏi chính là: tương lai nào sẽ bắt đầu từ hôm nay?”, ông Medvedev viết. “Các thỏa thuận giải trừ quân bị mới hiện không thực tế và không cần thiết. Chúng ta càng sớm nhận được những đảm bảo về an ninh tối đa, thì tình hình sẽ càng sớm bình thường hóa.”

Đầu tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng Mátxcơva sẵn sàng thảo luận lại về chủ đề đảm bảo an ninh, nếu phương Tây nghiêm túc về vấn đề này, nhưng cho đến lúc đó, Nga sẽ tiếp tục đáp trả thích đáng trước bất kỳ sự mở rộng nào của NATO.

Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2, NATO đã giang tay chào đón Thụy Điển và Phần Lan vào khối, mặc dù việc kết nạp vẫn chưa hoàn tất.

Theo RT
MỚI - NÓNG