Ông Lê Nam Thắng: “Làm 3G chưa đâu vào đâu đã nhảy sang 4G”

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng. Ảnh: VGP/Từ Lương
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng. Ảnh: VGP/Từ Lương
TPO - “Ta hiện làm 3G chưa đâu vào đâu lại nhảy sang làm 4G lỗ chỗ vài nơi rồi lại nhảy tiếp 5G thì làm sao mà thật sự chất lượng. Việc triển khai 4G không nên chậm nhưng cũng không nên quá vội”, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng chia sẻ.

Triển khai sớm: Chưa có lợi

Trao đổi với PV Tiền Phong, bên lề tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?” do Câu lạc bộ nhà báo ICT tổ chức ngày 21/10 tại Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho rằng, công nghệ 4G được nhắc đến từ những năm 2009 và gần đây được các nhà mạng bắt tay thử nghiệm triển khai từ sau năm 2012. Việc xem xét đưa các dịch vụ di động mới vào Việt Nam phải căn cứ vào một số yếu tố: Độ chín muồi và độ phổ biến của công nghệ. Thực tế, Việt Nam đã phải trả giá rất nhiều với một số bài học về triển khai dịch vụ di động analog trước đây ở TPHCM rồi sau này là CityPhone rồi đến dịch vụ CDMA-2000. Dù công nghệ CDMA rất tốt và có tới gần 20% số thuê bao trên thế giới dùng công nghệ này. Công nghệ này thất bại do tính phổ biến cũng như giá thiết bị đầu cuối rất đắt.

“Ta hiện làm 3G chưa đâu vào đâu lại nhảy sang làm 4G lỗ chỗ vài nơi rồi lại nhảy tiếp 5G thì làm sao mà thật sự chất lượng. Việc triển khai 4G không nên chậm nhưng cũng không nên quá vội. Khi chúng ta không có những ứng dụng đòi hỏi băng thông lớn thì chúng ta đầu tư như vậy là lãng phí, không chỉ cho doanh nghiệp mà lãng phí cho cả xã hội”, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng.

Theo ông Thắng, việc triển khai sớm 4G quá sớm, dự kiến sau 2015, có thể khiến Việt Nam không tận dụng được những công nghệ không dây mới sau này như LTE Broadcast, Voice-over-LTE. Điểm đáng lưu ý khác trong triển khai 4G chính là vấn đề băng tần. Nếu chọn băng tần không phổ biến thì sẽ vấp phải bài toán giá thành sẽ đắt.


“Hiện 3G ở Việt Nam mới chỉ được người dùng sử dụng quanh quẩn với lướt web, nghe nhạc, lướt Facebook. Nếu Việt Nam triển khai 3G thực sự (hiện là 3,5G) với vùng phủ sóng rộng, chất lượng tốt thì tôi nghĩ với ứng dụng đó cũng không cần đến 4G. Phải có nhu cầu thì việc kinh doanh mới có thực chất và hiệu quả.  Còn nếu không có nhu cầu mà vẫn cố làm thì chỉ là để làm thương hiệu, làm để lấy tiếng”, ông Thắng phân tích.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Quy hoạch, Cục Viễn thông, Bộ TT-TT cho biết, theo dự kiến và theo quy hoạch viễn thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ năm 2016 Bộ TT-TT dự kiến sẽ cấp phép triển khai 4G. Do là thử nghiệm nên các doanh nghiệp sẽ thử nghiệm trên phạm vi nhỏ, trong phạm vi 3 tỉnh, thành phố trên băng tần 1.800Mhz và các băng tầng 2.300 Mhz, 2.600 Mhz.

Chất lượng 3G chưa như kỳ vọng

Quảng cáo rầm rộ nhưng chất lượng 3G thực sự không tương xứng là đánh giá của khá nhiều chuyên gia cũng như thừa nhận của cả nhà mạng tại tọa đàm. Theo ông Thắng, thực tế cho thấy, chất lượng 3G của các nhà mạng hiện nay chưa đạt được yêu cầu. 

“Tại sao 3G ở Singapore tốt thế trong khi ở Việt Nam lại không bằng. Ở Việt Nam 3G chất lượng phủ sóng trong nhà kém nên chất lượng không tốt. Kể cả với cách làm hiện nay, nếu có lên 4G thì chất lượng cũng không thay đổi được khi truy cập 4G ở các hầm, bên trong tòa nhà trong khi ở Nhật Bản xuống các tầng sâu sóng vẫn rất tốt”, ông Lê Nam Thắng đặt câu hỏi.

Hé lộ một phần kế hoạch liên quan đến việc triển khai 4G, ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc Công nghệ của Viettel cho biết, mạng này đã rút kinh nghiệm trong việc làm 3G. Khi triển khai 4G, về mạng lưới, Viettel sẽ vẫn trung thành với cách triển khai mạng trên diện rộng, sử dụng công nghệ mới nhất, phù hợp nhất.

Dẫn chứng cụ thể về việc dù có đầu tư rất tốt nhưng thực tế việc kinh doanh 3G vẫn chưa thành công, ông Dũng cho biết, dù có đầu tư tốt cho 3G nhưng Viettel đánh giá làm 3G chưa thành công. Đến giờ lượng thuê bao 3G mới chỉ chiếm khoảng 30%, (khu vực Đông Nam Á tỷ lệ đạt 45%. Còn như ở Thái Lan, họ chỉ cần 5 tháng để chuyển 30% người dùng sang thuê bao 3G, bằng Viettel làm trong 5 năm.

 “Kinh nghiệm lớn nhất Viettel rút ra với 3G là kinh doanh tiếp cận dịch vụ data (dữ liệu) chưa có sự thay đổi lớn, vẫn là cách tiếp cận kinh doanh từ voice (thoại). Còn chuyện ở đâu đó có tốc độ thấp, tốc độ cao một phần cũng do đường phố, nhà cửa ở Hà Nội nhỏ, việc đặt trạm gặp khó khăn khiến việc phủ sóng trong các tòa nhà chất lượng không cao. Đo đạc chỉ số trên hệ thống thì rất tốt nhưng chuyển sang data thì có sự khác biệt. Sang 4G chúng tôi sẽ đổi cách tiếp cận khác”, ông Dũng cho biết.

Giá cước 4G không tăng so với 3G

Đại diện các nhà mạng cho biết dù sang năm 2016 việc cấp phép triển khai 4G mới được thực hiện nhưng một điều có thể khẳng định trước chính là việc giá cước 4G sẽ không đắt hơn 3G. 

“Khi triển khai 4G, Viettel sẽ có cách tiếp cận phù hợp hơn. Nhà mạng sẽ triển khai các dịch vụ có tính sáng tạo cao. Viettel hiện chưa có phương án giá cước do sang năm Bộ mới cấp phép. Tuy nhiên có thể khẳng định, khách hàng sẽ được sử dụng một mạng có chất lượng tốt hơn, giá cũng không đắt hơn”, ông Dũng cho biết.

Phó tổng giám đốc VNPT Net, ông Nguyễn Nam Long cũng cho rằng, với 3G, 4G, điểm quan trọng nhất là vùng phủ sóng. Việc chuyển dịch thuê bao lên 3G, 4G không nằm ở nhà mạng mà là ở người sử dụng. Giá thành 4G phụ thuộc vào giá thành thiết bị. Thống kê cho thấy, dù triển khai 3G được mấy năm nhưng 40% lưu lượng thoại hiện vẫn là 2G. Vì vậy, việc đầu tư thế nào cần căn cứ vào số lượng người sử dụng.

“VNPT đã sẵn sàng cho việc triển khai 4G tại Việt Nam. Hiện giá cước VNPT cũng đang suy nghĩ. VNPT dự kiến chỉ khác nhau về tốc độ download. Còn giá cước data không đổi, không phân biệt 3G và 4G. Khi tốc độ tăng thì dung lượng sử dụng nhiều hơn, qua đó doanh thu sẽ nhiều hơn. Người dùng chấp nhận trả tiền dung lượng nhiều hơn, còn giá bình quân trên dung lượng thì giống nhau, không phân biệt 2G, 3G, 4G. Sau này nếu lên 4G nếu không tăng vùng phủ sóng thì chất lượng sẽ không tăng lên được”, ông Long cho biết.

MỚI - NÓNG