Công nghệ 4G sẽ đổ bộ vào Việt Nam

Năm 2016 công nghệ 4G có thể đến với người dùng Việt Nam. Ảnh minh họa: Như Ý.
Năm 2016 công nghệ 4G có thể đến với người dùng Việt Nam. Ảnh minh họa: Như Ý.
TP - Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép chính thức cho doanh nghiệp triển khai dịch vụ 4G.

Liệu công nghệ 4G khi vào Việt Nam có thể mang lại cho người dùng một dịch vụ di động có “tốc độ truy cập vượt trội và giá thành rẻ hơn” so với 3G như nhiều nhà cung cấp công nghệ giới thiệu?

Sẽ triển khai ở các thành phố lớn

Thời gian qua, trên thế giới công nghệ 4G LTE có bước phát triển đột phá. Đến tháng 7/2015, có 677 nhà mạng đầu tư triển khai LTE, trong đó 422 mạng triển khai thương mại chính thức. Hết quý 1/2015 thuê bao 4G của thế giới đạt 635 triệu, tăng 150% so với cùng kỳ 2014. 

Đầu 2015, nhiều hãng công nghệ quốc tế đã đến Việt Nam giới thiệu công nghệ 4G như Nokia, Huawei, Qualcomm. Các hãng này đều đánh giá Việt Nam đang ở thời điểm thích hợp để triển khai công nghệ 4G. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Nam Thắng cũng cho biết, theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2016 Bộ TT&TT sẽ cấp phép chính thức cho các doanh nghiệp triển khai dịch vụ 4G trên các băng tần khả dụng. Trước đó, năm 2014, Bộ đã cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm 4G ở quy mô nhỏ trên các băng tần như 2600 MHz. Trong nửa cuối năm 2015, Bộ sẽ cho phép các doanh nghiệp tiếp tục thử nghiệm 4G trên băng tần 1800 MHz.

Theo đánh giá bước đầu của các doanh nghiệp thì cơ bản về mặt công nghệ đã đáp ứng được yêu cầu để có thể triển khai chính thức 4G. Tài nguyên số cũng sẵn sàng cho việc triển khai 4G. Bộ TT&TT đang xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đấu giá để tổ chức đấu giá, thi tuyển các băng tần triển khai dịch vụ 4G (dự kiến sẽ đấu giá trước băng tần 2600 MHz vào năm 2016). Như vậy không lâu nữa, thuê bao di dộng ở Việt Nam sẽ được tiếp cận với công nghệ đang ngày càng phổ biến trên thế giới.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, do nhu cầu về dịch vụ dữ liệu băng rộng hiện nay chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Do đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu, xác định lộ trình đầu tư, triển khai mạng lưới hợp lý, bảo đảm hiệu quả cao nhất. Có thể trong thời gian đầu, 4G sẽ được triển khai nhắm đến đối tượng người dùng thuộc phân khúc trên ở các thành phố lớn (có nhu cầu và khả năng chi trả), sau đó sẽ triển khai mở rộng đến các đối tượng khác. Ngoài ra, để sử dụng công nghệ 4G, điện thoại của người dùng phải tích hợp 4G. Hiện nay, chỉ một số dòng smartphone đời mới có chức năng tích hợp như Iphone 5 trở lên hay Samsung galaxy.

Tốc độ cao, giá thành rẻ

Một số quốc gia đã triển khai 4G như Thụy Điển, tốc độ truy cập trung bình đạt 22,1 Mbps; Hồng Kông 19,6 Mbps; Đan Mạch 19,1 Mbps; Mỹ 9,6 Mbps ( theo thống kê của công ty OpenSignal- công ty chuyên đánh giá hệ thống mạng của Anh). Tại Việt Nam, theo Website Net Index Explorer, tốc độ kết nối 3G chạm ngưỡng 1,71 Mbps, xếp hạng 117 trên 118 quốc gia được trang này thống kê. Một thống kê quốc tế khác, tốc độ mạng 3G trung bình ở Việt Nam ở mức 1.66 Mbps. Như vậy, tốc độ truy cập 4G thực tế ở một số quốc gia đã triển khai cao hơn nhiều lần tốc độ 3G tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, khi 4G được triển khai ở Việt Nam, người dùng ngay lập tức được trải nghiệm các dịch vụ kết nối dữ liệu tốc độ cao hơn nhiều so với 3G, nhất là với các dịch vụ xem phim, chơi game, tải dữ liệu lớn. Ngoài ra môi trường truyền tải dữ liệu tốc độ cao, kết nối IP End to end của 4G sẽ là nền tảng triển khai các dịch vụ, ứng dụng tương tác mới phù hợp với xu thế công nghệ Internet of Things, Machine to machine (M2M),… đang phát triển sôi động trên thế giới. Về giá thành, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng sẽ tùy thuộc lộ trình, quy mô triển khai của doanh nghiệp cụ thể.

Đại diện tập đoàn Qualcomm chia sẻ, giá thành dịch vụ 4G sẽ tùy thuộc vào mô hình kinh doanh của nhà mạng. Tuy nhiên, về công nghệ, chi phí trên một bit dữ liệu được cung cấp trên nền tảng mạng 4G LTE rẻ hơn nhiều 3G. Nếu mạng 2G tốn khoảng 35-40 cent Mỹ cho một Mbps, 3G tốn khoảng 1-4 cent Mỹ một Mbps thì 4G sẽ chỉ mất từ 0,01-0,05 cent Mỹ cho một Mbps đến người dùng cuối. Chi phí công nghệ rẻ hơn nhiều lần sẽ là cơ sở để giá thành dịch vụ thấp hơn, đại diện Qualcomm cho hay.

Công nghệ 4G được Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) định nghĩa là tập hợp các yêu cầu kỹ thuật, trong đó có yêu cầu về tốc độ phải đạt tối thiểu là 1Gb/s khi thuê bao ở trạng thái cố định và tối thiểu 100Mb/s khi thuê bao ở trạng thái di chuyển nhanh.  Công nghệ LTE (đang được triển khai thương mại phổ biến) được gọi một cách không chính thức là 4G, có tốc độ lý thuyết cao nhất là 100 Mb/s.

MỚI - NÓNG