Sáng tạo Năm ngoái, đạo diễn Đức này khiến khán giả có trải nghiệm thú vị với tác phẩm kinh điển Vòng phấn Kavkaz của Bertholt Brecht. Ông lão đánh cá và con cá vàng mang lại nhiều thách thức, bởi làm cho khán giả thiếu nhi hài lòng khó hơn nhiều, như bộc bạch của anh sau đêm diễn 27/11 tại Nhà hát Tuổi trẻ.
Thiết kế sân khấu không bục bệ nhiêu khê hay phông nền cầu kỳ. Ngôi nhà của vợ chồng ông lão đánh cá mang tính gợi, dựng trên nền hai bục gỗ thấp có thể thay đổi theo ba lời ước của bà vợ. Hệ thống móc treo linh động khiến khán giả không cần mất công chờ thời gian chết thay cảnh: Trong nháy mắt diễn viên chỉ việc treo vào đó những món đồ trang hoàng, giúp thay đổi cảnh trí rõ rệt.
Nhận rõ áp lực khi dàn dựng vở kịch từ truyện cổ tích, đạo diễn Dominik Gunther cố gắng đưa những điều mới mẻ vào vở diễn. Màn hình Led xuất hiện nhiều đoạn phỏng vấn ngắn trẻ em Việt Nam và Đức, đại loại như bạn đi biển chưa, thường mơ gì hay điều gì làm bạn thực sự hạnh phúc. “Câu trả lời của các em giống như thông điệp gửi tới khán giả”, đạo diễn nói. Con tôm hùm xuất hiện trên sân khấu đóng vai trò người dẫn truyện kiêm người kết nối giữa khán giả, sân khấu và video clip.
Một điểm đáng chú ý trong cách dàn dựng của Dominik Gunther lần này là sự giao lưu văn hóa Đức-Việt. Khán giả có cảm giác gần gũi với câu chuyện cổ của Đức, trước hết ở trang phục: Áo tứ thân của bà vợ, nón lá của ông lão đánh cá. Tất nhiên không thể thiếu trang phục truyền thống châu Âu khi nhân vật bà vợ được khoác lên bộ cánh của hoàng hậu, bà chúa.
Câu chuyện về vợ chồng ông lão đánh cá đề cập lòng tham, sự ảo tưởng được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh lớp 6. Đạo diễn Dominik dựa trên phiên bản sân khấu Einar Schleef, mang đến vở diễn hài hòa giá trị giáo dục và giải trí. Ngoài ý đồ dùng những video clip như thông điệp gửi đến khán giả, đạo diễn tạo được mảng miếng vui nhộn mang lại tiếng cười cho khán giả trẻ. “Tôi ngồi hàng ghế cuối quan sát, nhiều khán giả nhỏ theo dõi tốt, nhiều tình huống làm các em cười thỏa mãn”, đạo diễn nói.
Đổi gió kịch thiếu nhi
Đạo diễn và ê kíp diễn viên Nhà hát Thanh thiếu niên Dresden (Đức) hợp tác với Nhà hát Tuổi trẻ trong dự án Ông lão đánh cá và con cá vàng. Sau khi công diễn ở Việt Nam, tháng 4/2016 khán giả sẽ xem bản diễn này tại nhà hát ở Dresden. Hai diễn viên chính Quang Ánh và Thanh Tú diễn (có phụ đề tiếng Đức) cùng nhân vật dẫn chuyện, diễn viên điều khiển các con rối người Đức. Vừa rồi ê kíp này có hơn một tuần sang Việt Nam thảo luận, tập luyện cho bản diễn năm tới ở Đức.
“Toàn bộ trang phục do họa sỹ Doãn Bằng thiết kế, may đo ở Việt Nam. Bên Đức cũng dựng thiết kế sân khấu giống hệt ở đây, diễn viên của họ cũng gửi số đo sang Việt Nam để may trang phục. Phiên bản này đồng dạng cả về trang phục, thiết kế sân khấu, do đạo diễn Dominik Gunther chỉ đạo”, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận nói.
Ông cho biết thêm, dự án hợp tác này bắt nguồn từ nguyện vọng của cộng đồng người Việt ở Đức. Vùng Dresden có nhiều trẻ em thuộc thế hệ thứ ba, nên họ mong có vở diễn kết hợp văn hóa hai nước cho con em mình khám phá.
“Đây là dự án khởi đầu cho quá trình hợp tác lâu dài trong tương lai. Sắp tới chúng tôi có thể dựng một câu chuyện Việt Nam để diễn cả hai nơi. Sau thành công của Vòng phấn Kavkaz, đây là minh chứng cho sự hợp tác giữa hai nước, cũng như niềm vui hướng đến khán giả trẻ của hai nhà hát”, ông Nhuận chia sẻ.
Sự hợp tác này cũng tạo nên sự đa dạng, làm mới sân khấu kịch cho thiếu nhi nước nhà-lâu nay vẫn bị kêu là sáo mòn.
Lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ cho biết sẽ mời một số trường đến xem vở kịch và cho nhận xét. Học sinh lớp 6 được học về câu chuyện cổ Ông lão đánh cá và con cá vàng, Nhà hát nghĩ tới lượng khán giả tiềm năng này. Vở diễn sẽ được đưa vào lịch diễn, không chỉ dừng lại ở hai đêm công diễn cuối tuần vừa rồi tại Hà Nội.