Nhà thơ Ý Nhi được trao giải Cikada 2015 của Thụy Điển:

Quả cầu len- thơ lăn đến Stockholm

Quả cầu len- thơ lăn đến Stockholm
TP - Và mang theo những sợi len-thơ từ xứ Á châu vùng Đông Nam đến giăng mắc vào phong cảnh tinh thần của một miền Bắc Âu. Và người đàn bà Việt Nam giữa chiều lạnh ngồi đan bên cửa sổ bình thản trầm tư đã thả những vòng lăn chậm rãi của cuộn len, cuộn thơ, nối kết với Aniara. Đó là một con tàu vũ trụ đang chở loài người đi tránh thảm họa nguyên tử trên Trái Đất trong bản trường ca sử thi khoa học giả tưởng của Harry Martinson (1904 – 1978), nhà thơ Thụy Điển được giải Nobel văn học 1974. 

Một giải thưởng thơ mang tên theo tập thơ Cikada (1953) của ông đã được lập ra ở Thụy Điển năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ, dành để tặng cho các nhà thơ Đông Á và châu Á nói chung bằng những tác phẩm của mình đã bảo vệ cho sự không thể xâm phạm của cuộc sống con người. Từ khi lập ra đến nay, giải Cikada đã được trao cho những nhà thơ Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như Ko Un, người đã nhiều lần nằm trong danh sách đề cử giải Nobel văn học. Năm nay, nhà thơ Bắc Đảo (Trung Quốc) và Ý Nhi (Việt Nam) được vinh dự nhận giải thưởng này. Quả cầu len-thơ xanh lăn đến Stockholm cuốn những sợi thơ đan vào tay người năm châu là vậy. Đó là những sợi thơ của Ý Nhi đan từ hơn bốn mươi năm trước, của cả thơ Việt Nam hôm qua và hôm nay.

Năm nay, nhà thơ Bắc Đảo (Trung Quốc) và Ý Nhi (Việt Nam) được vinh dự nhận giải thưởng này.

Chuyện bắt đầu từ năm 2009, khi một tuyển tập thơ Việt Nam được dịch ra tiếng Thụy Điển và xuất bản ở Stockholm. Tập thơ mang tên Till:igar (Cho ngày hôm qua). Mười hai nhà thơ Việt Nam có mặt trong tuyển tập (Ý Nhi, Hoàng Hưng, Nguyễn Duy, Nguyễn Lương Ngọc, Phan Huyền Thư, Ngô Tự Lập, Nguyễn Quang Thiều, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Mai Văn Phấn, Vi Thùy Linh, Nguyễn Bình Phương). Nhà thơ Ý Nhi có 8 bài được dịch (Nguyện ước, Người đàn bà ngồi đan, Thư gửi em, Em bé và biển, Trò chuyện, Theo dõi một trận đấu cờ vua, Biển chiều, Người lính). Trước đó thơ Ý Nhi đã được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Nhật và đã được biết đến ở nước ngoài. Nhưng ở Thụy Điển, có lẽ, chính những bài thơ trong tập Till:igar, đã giúp giới văn chương và độc giả ở đây có một hình dung rõ nét về thơ Việt Nam cũng như gương mặt tinh thần của mười hai nhà thơ được chọn dịch. Có lẽ từ đó, thơ Ý Nhi đã gây ấn tượng sâu đậm cho người Thụy Điển đọc thơ. Họ cảm nhận được một giọng thơ điềm tĩnh nội tâm, chắt lọc cô đọng ngôn từ để nén chặt đến bùng vỡ những day dứt tâm trạng, “cây trước thềm xao xác giữa ngày yên”, của chị. Họ thấy mình là người đàn bà ngồi đan của chị với mũi đan “ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu”. Họ chia sẻ cuộc trò chuyện của chị với đứa con “trong đêm đông ngọn lửa sẽ được nhen / giữa vây buộc của đời con không đơn độc”. Họ cùng chị theo dõi một trận đấu cờ vua và thốt nhiên nhẹ nhõm cùng chị khi một ngày kia “nghe tin một đương kim vô địch nhường ngôi / đặt gánh nặng vinh quang lên vai người khác”. Họ muốn theo chị đến trước biển chiều để thấu nỗi lo âu trước cái vạch nhỏ xíu muôn đời giữa biển và bờ, để ước được như em bé và biển tự tin thoải mái vẫy vùng. Ở một đất nước thanh bình như Thụy Điển, thơ Ý Nhi nói cái phấp phỏng của bình yên, không chỉ trong sinh hoạt mà trong cả lòng người, hẳn cũng sẽ khiến người đọc lo âu đồng cảm.

Cuộc sống con người là những ngày thường nối tiếp nhau với đủ mọi nỗi buồn vui kiếp người. Thơ Ý Nhi là thơ của/về những người thường ngày thường, bình thản sống, bình thản thơ, nhưng đọc xong là mang mang dằng dặc một nỗi sầu người. Thơ đó khiến người đọc thấy không yên ổn, không thể an phận sống mòn mỏi, nhàm chán. Thơ đó là phép lạ thường ngày. Như nhân vật nữ thi nhân trong trường ca Aniara “Phép lạ nàng mang đến chốn này / màn trình diễn của hồn người cùng hồn chữ / của người thấu nhìn sướng vui đau khổ” (Hoàng Hưng dịch). Trong chuyến bay mông lung của con tàu Aniara giữa vũ trụ mịt mùng để kiếm tìm một nơi sống khác cho loài người, nữ thi nhân đó vực dậy niềm tin và niềm vui sống cho con người, mang theo cả hy vọng của chính H. Martinson về sự sống sót của nhân loại. Đọc thơ Ý Nhi trong mối đồng vọng “liên văn bản” này, tôi chắc, sẽ khiến cho giải thưởng Cikada trao cho Ý Nhi càng thêm ý nghĩa.

Quả cầu len- thơ lăn đến Stockholm ảnh 1

Nhà thơ Ý Nhi qua nét vẽ của nhà thơ Kevin Bowen - cựu binh Mỹ tại Việt Nam.

Giải thưởng này cho thấy cuộn len-thơ, sợi len-thơ, mỏng manh nhưng bền chắc vô cùng. Nhất là ở vào cái thời thế giới trở nên lung lay, dễ đổ vỡ hơn bao giờ hết như hiện nay. Nhà thơ Nhật Bản Noriko Mizuta, hiệu trưởng Đại học Josai, người được giải Cikada 2013, trong bài phát biểu của mình có nói rằng trong lúc các cuộc xung đột giữa các nước không có dấu hiệu ngừng lại thì mọi con người trên trái đất cần phải thiết lập các kênh giao tiếp với nhau, cần liên kết với nhau. “Và tôi tin rằng công cụ hữu hiệu cho việc này là thơ vì thơ không chỉ có tiềm năng biểu đạt ý nghĩ của mình đối với người chung suy nghĩ, mà còn cho phép tương tác với cả những “người khác” xa mình thông qua sự giao tiếp tâm trạng đúng lúc”, bà nói. Nhà thơ Ý Nhi, người được giải Cikada 2015 cũng chung suy nghĩ ấy. Trong bài phát biểu sẽ đọc ở buổi lễ trao giải tại Đại sứ quán Thụy Điển (Hà Nội, 30/11/2015), chị chia sẻ: “Sự nghèo đói, chiến tranh, những cuộc di dân, những vụ thảm sát, bão lũ, động đất, sóng thần… vẫn từng ngày từng ngày diễn ra trên hành tinh này, ngay trước mắt chúng ta. Không chỉ tiếng kêu thương mà cả tiếng gào thét phẫn nộ, cả tiếng cười, cả tiếng reo ca, sẽ là nơi bắt đầu của những bài thơ. Do một đặc ân được ban tặng riêng cho họ, chỉ các nhà thơ mới nghe thấy tiếng kêu ấy và có thể sáng tạo nên những câu Thơ”. Một giải thưởng trao cho nhà thơ, như vậy, tôn vinh cả người làm thơ và đọc thơ, và cho thấy thơ luôn luôn được đọc ở mọi không gian và thời gian khác nhau. Thơ vẫn sống khi con người sống.

Và như vậy, quả cầu len xanh cứ lăn đi, quả cầu thơ cứ lăn đi, từ tay người đàn bà ngồi đan-thơ, đến Stockholm, và còn đến nhiều nơi nữa, với những bài thơ câu thơ của một nữ thi nhân họ Hoàng tên gọi Ý Nhi.

Hà Nội đầu đông 2015

MỚI - NÓNG