Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un
Truyền hình Phoenix (Phượng Hoàng) đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Hyon Yong-chol trong chuyến thăm Mátxcơva hồi tháng 4 đã đề nghị mua 4 hệ thống phóng tầm xa S-300 và một số tên lửa. Được Liên Xô triển khai lần đầu vào năm 1979, S-300 được thiết kế để đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình. Phiên bản mới nhất của hệ thống này có tầm xa 250 dặm.
Truyền hình Phoenix dẫn lời một chuyên gia quốc phòng Nga nói rằng, Mátxcơva không thấy ấn tượng với đề nghị của Bình Nhưỡng. Vẫn chưa rõ Triều Tiên đổi gì lấy hệ thống tên lửa, nhưng các cuộc đối thoại đã diễn ra trước đó giữa chính phủ hai nước về việc bán khoáng sản cho Nga. Theo báo chí Trung Quốc, Bình Nhưỡng cũng có thể đã đề xuất cho phép Nga tiếp cận nhiều hơn vào Khu kinh tế đặc biệt Rason ở miền đông bắc đất nước.
Các nhà phân tích cho rằng, Nga từ chối đề nghị này vì lo ngại có thể dẫn đến thay đổi trong cán cân chiến lược” ở Đông Bắc Á, và rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần phải được Trung Quốc và nhiều nước khác chấp thuận.
Những báo cáo trước đó cho rằng ông Kim Jong-un từ chối lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin dịp này vì Mátxcơva từ chối các yêu cầu của Bình Nhưỡng về việc đối xử đặc biệt với nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên so với các lãnh đạo khác. Cũng có thể nhà lãnh đạo Kim không muốn rời Triều Tiên trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên trên cương vị nguyên thủ vì lo ngại đất nước bất ổn khi ông vắng mặt, báo Anh The Telegraph phỏng đoán.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin, ông Kim Yong Nam, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên, sẽ dự lễ kỷ niệm ở Mátxcơva ngày 9/5. Quyết định này được cho là gây nhiều thất vọng, nhưng các nhà phân tích cho rằng, đây không phải dấu hiệu rạn nứt quan hệ giữa Mátxcơva và Bình Nhưỡng. Trên thực tế, Nga và Triều Tiên đang có mối quan hệ nồng ấm đáng kể trong bối cảnh Bình Nhưỡng bị cô lập.
Lợi ích trong mối quan hệ này đối với Mátxcơva được coi là kinh tế. Tập đoàn Đường sắt Nga gần đây tiết lộ các kế hoạch tham vọng nhằm xây dựng một tuyến đường sắt xuyên hai miền Triều Tiên đến tận Seoul trong một kế hoạch lớn hơn nhằm phát triển hành lang đường sắt Âu-Á. Trong khi đó, tập đoàn Gazprom của Nga muốn xây dựng một đường ống dẫn khí từ Triều Tiên xuống Hàn Quốc mà họ tính toán là có thể giúp bán 10 tỷ mét khối khí mỗi năm. Cả hai dự án đều phụ thuộc vào ngoại giao tinh tế ở Bình Nhưỡng, khi hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn trong trạng thái chiến tranh.
Nga đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức với một cuộc diễu hành được báo chí phương Tây gọi là sự biểu dương lực lượng. Sau những mâu thuẫn về chính sách của Kremlin đối với Ukraine, nhiều đồng minh của Nga trong Thế chiến II tẩy chay các sự kiện hôm 9/5.
Ngày 9/5, Tổng thống Putin sẽ chủ trì lễ diễu hành trên Quảng trưởng Đỏ với những hệ thống vũ khí mới nhất được trình diễn, cùng hơn 15.000 binh lính Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Lãnh đạo Mỹ, Pháp và Anh sẽ vắng mặt, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ thăm Nga muộn hơn 1 ngày như một cử chỉ được cho là thỏa hiệp, AP đưa tin.