'Ông đồ Nghệ' và mối tình xúc động lòng người

'Ông đồ Nghệ' và mối tình xúc động lòng người
TP - Trương Quang Thứ bị bại liệt khi còn trẻ, bao mơ ước tưởng đã bị vùi chôn. Rồi bỗng một ngày người con gái ấy xuất hiện, thổi vào lòng anh ngọn lửa yêu thương. Tình yêu giúp anh chiến thắng bệnh tật, sống có ích cho đời.

Căn nhà của vợ chồng anh nằm bên cửa sông Hoàng Mai, gần Bệnh viện Phong- Da liễu Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu,  Nghệ An), trên một thửa đất cao ráo. Trương Quang Thứ mở cửa đón khách vào nhà, anh lê từng bước đi khó nhọc.

Hơn ba thập kỷ lại nay, bệnh bại liệt cột sống khiến anh không thể vận động như người bình thường được. Mỗi lúc ngồi, Thứ phải ngả mình trên chiếc ghế “đặc biệt” mà một thợ mộc trong làng đóng cho anh. Chiếc ghế cao gần 1,5m, nghiêng 45 độ so với mặt đất.

Tôi nhìn ra mảnh vườn phía trước. Đất Quỳnh Lập bạc màu, toàn cát trắng, nhưng vườn nở đầy hoa và những khóm cây ăn quả đang nảy lộc, đâm chồi. “Vài năm nữa, khu vườn sẽ đẹp hơn!”, Thứ lạc quan. Chợt giọng anh chùng xuống khi kể về quãng đời ba mươi năm về trước. Ngọt ngào thì ít, cay đắng thì nhiều.

Sinh năm 1951, Trương Quang Thứ là con thứ 4 trong gia đình 6 anh em. Hết cấp 3 trường huyện, anh phải bỏ học về làm ruộng. 17 tuổi, Thứ đã biết cầm cày, đánh vật với từng thớ đất. Vài năm sau, anh được cử làm tiểu đội trưởng dân quân du kích xã Quỳnh Lập, tham gia BCH chi đoàn.

Đang yên lành thì tai họa ập đến, anh bị mảnh bom cắt vào chân, vết thương nhiễm trùng phải đi viện.

“Cái vết thương xoàng” từ vụ “tai bay vạ gió” thế mà cướp đi của chàng trai trẻ tuổi thanh xuân, Thứ liệt nửa người. Trong Nam, ngoài Bắc, ở đâu có thầy thuốc hay gia đình đều đưa anh đến xin chữa trị. Một thời gian dài, Trương Quang Thứ thành bệnh nhân thường trực của BV Y học cổ truyền Hà Bắc, Việt Đức, Bạch Mai.  

Nằm trong Bệnh viện Đông y Hà Bắc và đêm đêm nghĩ về thân phận của mình, Thứ ứa nước mắt. 

Lúc đó Trần Thị Nỵ quê ở Bắc Giang, đang học trường Trung cấp Kỹ thuật. Một hôm chị vào viện thăm người bạn đang điều trị chung phòng với Thứ và họ quen nhau. Anh dại người từ lần gặp đầu tiên. Mái tóc dài, đôi mắt tròn đen láy và giọng nói trầm ấm của cô gái đã làm tim anh tan nát. “Nhưng chẳng ai dám đến với một kẻ tàn tật như mình đâu!”, Thứ tự nhủ.

Rào cản vô hình

Trở về từ Bệnh viện Đông y Hà Bắc, lòng Nỵ xốn xang. Hình ảnh Thứ với chiếc nạng gỗ trên tay chập chờn trong từng bữa ăn, giấc ngủ của cô nữ  sinh. Chiều chiều sau buổi tan trường, Nỵ lấy cớ lên thăm bạn nhưng thực ra là để được gặp Thứ.

Hôm trời trở gió mùa Đông Bắc, giữa lạnh lẽo mưa phùn, Nỵ mang tơi đội nón đạp xe vượt quãng đường lầy lội đi tìm anh. Từ chỗ cảm thương, chia sẻ, dần dần Nỵ đã đem lòng yêu chàng trai xứ Nghệ lúc nào chẳng hay.

Tình cảm của cô gái Hà Bắc như một liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho Thứ, anh gượng đứng dậy và chập chững tập đi, như một đứa trẻ.

Giây phút hạnh phúc được gần nhau của đôi bạn trẻ Thứ- Nỵ không kéo dài được bao lâu. Tin Trần Thị Nỵ “kết bạn” với bệnh nhân Trương Quang Thứ đến gia đình cô, khiến mẹ cô hết sức bất bình. “Ai lại đi yêu một người bệnh tật đầy mình như vậy? Trên đời này thiếu gì người để con lựa chọn!”, bà mẹ khuyên con gái.

Khuyên nhủ, răn đe không được, bà tìm cách ngăn cấm. Còn người bố - một cựu sỹ quan công an về hưu thì tỏ ra đồng cảm: “Yêu ai, lấy ai là quyền con quyết định, đã hết cái thời bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy!”, ông động viên.

“Có thể yêu anh đời mình sẽ khổ, nhưng thà khổ vì được yêu thương hết lòng còn hơn là mãi mãi mất anh!”, Nỵ tự nhủ. Mặc cho mẹ ngăn cấm, mặc cho bao lời đàm tiếu của bạn bè, cô bất chấp tất cả để đến với anh. Tình yêu cháy bỏng của đôi tình nhân chan hoà nước mắt.

Năm 1975, bệnh của Thứ không thuyên giảm mà ngược lại diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, anh dường như nằm liệt một chỗ. “Có lẽ phải chia tay Nỵ thôi, mình thân thể tàn tật thế này, đừng trút gánh nặng lên cô ấy!”, Thứ nghĩ.

Anh đem nỗi uẩn khúc ra giãi bày cùng người thương, nghe xong, cô ôm lấy anh và khóc. “Em muốn san sẻ với anh mọi khó khăn, vất vả, em xem đó là niềm vui, hạnh phúc của mình. Không có gì ngăn cách được hai ta đâu, Thứ ạ!”, Nỵ kiên quyết.

Một túp lều tranh, hai trái tim vàng

Thuyết phục, ngăn cấm cô con gái “cứng đầu cứng cổ” không xong, người mẹ phải thuận tình cho Nỵ đến với Thứ. Năm 1977, bà Thân Thị Cam lặn lội tàu xe từ Hà Bắc vào Quỳnh Lập thăm gia đình đứa con rể tương lai. Mọi rào cản thế là đã được cởi bỏ.

Cũng trong năm đó, đám cưới của đôi bạn trẻ Trương Quang Thứ - Trần Thị Nỵ được tổ chức. Rời quê hương, cô nữ sinh bỏ học nửa chừng khăn gói theo chồng vào huyện Quỳnh Lập sinh sống. Nơi cô đến là một vùng đất nghèo nàn, hoang vu, lại ở gần bệnh viện phong và đối diện với cửa sông lạnh lẽo.

Có người gièm pha: “Con gái miền Bắc ăn trắng mặc trơn, xem có chịu được ba mùa gió Lào không. Sớm muộn rồi cũng quay về đất Bắc!”.

Ngày cô dâu chú rể ra ở riêng, đằng nội và bà con chòm xóm dựng cho túp lều tranh. Ngày ngày Nỵ nhìn ra bờ sông hoang vắng, nhìn ngọn gió Lào khu 4 héo hắt bờ tre, Nỵ lại khóc.

Cô khóc vì nỗi nhớ nhà nhớ mẹ quặn thắt trong lòng; Khóc vì mỗi lần nhìn người chồng xanh xao gầy ốm, cô càng thương anh hơn. Mọi việc đồng áng, bếp núc, đều đổ dồn lên vai cô vợ trẻ. Hết công việc ở HTX, Nỵ chạy vội về nhà lo cơm nước cho chồng.

Gọi là “cơm nước” cho sang, nhưng kỳ thực lúc bần hàn chỉ có ngày hai bữa rau bữa cháo. Bệnh nặng, lại ăn uống kham khổ, càng ngày thân thể anh Thứ càng trở nên gầy gò.

Để kiếm thêm tiền đong gạo, chị Nỵ tranh thủ lúc nông nhàn quảy gánh lên núi hái củi mang ra chợ bán. Rồi đêm đêm, chị ngồi miết trên mảnh sân bóc lạc cho HTX; Chiều chiều ra đồng nhặt phân bò phân trâu về bón ruộng. Nhưng tình yêu như một phương thuốc thần diệu làm tan biến mọi mệt nhọc, khó khăn.

Nhìn vợ vất vả, anh Thứ gắng sức gượng đứng dậy vác cuốc ra đồng. “Anh muốn làm việc gì đó vừa để giúp em, vừa vận động cho quen chứ nằm một chỗ mệt lắm!”, anh nói với chị.

Chiều ý chồng, chị Nỵ làm cho anh cái cuốc “đặc biệt” dài gần 2m. Với cái cuốc dài nhất Việt Nam đó, anh Thứ có thể đứng mà cuốc đất vì lưng anh bị liệt không thể cúi xuống được. Hai vợ chồng vừa cuốc đất, vừa tưới cây, họ bên nhau như hình với bóng.

Năm 1978, chị Nỵ sinh đứa con trai đầu lòng, họ đặt tên con là Trương Quang Văn. Túp lều tranh rộn ràng tiếng cười, tiếng khóc trẻ thơ, vợ chồng Thứ - Nỵ ngập tràn hạnh phúc dù biết chặng đường phía trước đang đầy chông gai, trở ngại.

“Ông đồ Nghệ” và tình yêu mùa xuân

Với một người bệnh tật đầy mình như Trương Quang Thứ, sống được đã là một nỗ lực chứ nói chi đến chuyện viết lách. Thế nhưng anh Thứ đã vượt lên chính mình, sáng tác thơ, viết văn, câu đối. Anh sống lạc quan ngay cả trong giai đoạn nghiệt ngã nhất của cuộc đời. Mọi người bảo, vóc dáng và tính cách anh Thứ như một “ông đồ Nghệ”.

Sau Trương Quang Văn, chị Nỵ sinh hạ cho chồng hai cậu con trai (Trương Quang Chương - SN 1981, Trương Quang Phương - SN 1984). Thêm một nhân khẩu trong gia đình, vợ chồng anh Thứ thêm một gánh lo toan và từ đó, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.

Anh Thứ làm thơ, viết văn kiếm tiền nhuận bút phụ giúp vợ nuôi ba đứa con ăn học; Chị Nỵ xong việc đồng áng lại chạy chợ, buôn bán hàng từ Nghệ An ra Bắc. Chị như con thoi, quần quật đêm ngày không biết mệt.

Hơn 30 năm nay, anh Thứ luôn sáng tác thơ - văn ở tư thế...đứng viết. Bệnh bại liệt cột sống khiến anh không thể ngồi, dù chỉ trong giây lát. Người dân làng Quỳnh vẫn nhớ mãi hình ảnh chị Nỵ cầm nón đứng quạt cho chồng mỗi lúc anh “thăng hoa”, còn anh Thứ tựa mình vào chiếc ghế và hý hoáy chép từng câu từng chữ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.

Khó khăn chật vật vậy mà Trương Quang Thứ vẫn “rinh” về nhiều giải thưởng văn chương trong tỉnh, trong nước: Giải thưởng thơ của Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An (1991); Giải ba cuộc thi truyện ngắn trên báo Nghệ An năm 1994; Giải B với tác phẩm “Qủa trứng và chú gà con” (giải thơ hay) do Tạp chí Sông Lam tổ chức; Giải khuyến khích giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương (2005)...

Chẳng phụ công sinh thành của cha mẹ, ba cậu con trai ngày càng khôn lớn và học hành nên người.

Văn thi đậu vào trường Đại học KHXH-NV, hiện dạy học tại trường THPT Hoàng Mai; Trương Quang Chương tốt nghiệp trường Sỹ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin (Nha Trang- Khánh Hoà), về nhận công tác tại Ngọc Lạc, Thanh Hóa; Trương Quang Chương đang theo học năm cuối Khoa Nuôi trồng Thuỷ sản, ĐH Vinh.

Văn và Chương lập gia đình, hai cô con dâu đều làm Y tá điều dưỡng tại BV Phong- Da liễu Quỳnh Lập và “ông đồ Nghệ” Trương Quang Thứ  đã có 3 đứa cháu nội. Đón xuân Đinh Hợi 2008, vợ chồng Thứ xây được ngôi nhà mới thật khang trang.

Tôi vẫn giữ tập thơ “Tình trăng” anh tặng tôi vào năm 2000. “Tiếng mùa xuân đâu đây/ Nghe tim mình chộn rộn/ Như có lời hò hẹn/ Mãi tìm kiếm suốt đời...”(Tình yêu mùa xuân), những câu thơ dạt dào cảm xúc yêu thương của “ông đồ Nghệ” được viết ra trong những tháng ngày nghiệt ngã nhất của cuộc đời.

Tình yêu từ người vợ tảo tần, hiền dịu và lòng yêu đời khát khao cháy bỏng đã giúp anh đứng vững, vượt qua bao sóng gió, gian truân...  

MỚI - NÓNG