Ông bố 60 tuổi xuất ngoại tìm con gái bị lừa bán

Ông bố 60 tuổi xuất ngoại tìm con gái bị lừa bán
Với manh mối chỉ từ một cú điện thoại vu vơ, người cha già đã ngay lập tức khăn gói lên đường tìm con. Không có tiền, ông chấp nhận vay 3 triệu đồng với lãi suất cắt cổ làm lộ phí. Gần 2 tháng tìm kiếm, đấu trí, ông cũng đưa được con gái mình về nước và vạch mặt đối tượng buôn người.

Chị lừa bán em

Khác hẳn với không khí ồn ã của các phòng xử án khác tại TAND TP Hà Nội, phòng xử án vụ "chị bán em sang Trung Quốc" sáng ngày hôm qua (2-3) lặng ngắt như tờ. Ngoài các công tố viên, bị cáo và bị hại, phía hàng ghế dành cho người tham dự phiên tòa vắng hoe. Duy chỉ có một người đàn ông trạc 60 tuổi, gương mặt chất phác, mặc chiếc áo dạ đen cũ kỹ, dáng nhỏ thó, đang tựa lưng vào tường, trầm ngâm theo dõi diễn biến phiên tòa.

Thật đau lòng khi cả bị cáo và bị hại đều là những người thân. Vị trí của bị hại, con gái ông Hồ Thị H (36 tuổi) đang ngồi rơm rớm nước mắt, ấp úng nhát gừng trả lời HĐXX. Còn đang cúi đầu trước vành móng ngựa là Trần Thị Hường (31 tuổi) là cháu gọi vợ ông là dì ruột. Thế mà hôm nay, chính ông phải chứng kiến cảnh tượng xót xa này, tòa đang luận tội người chị bất nhân, cả gan bán chính em họ của mình sang Trung Quốc chỉ để lấy 3000 tệ (tương đương 9 triệu VNĐ).

Theo cáo trạng, Hường xuất thân từ một gia đình thuần nông ở xã Kim Hoa (Mê Linh, Hà Nội). Học hết cấp 3, do muốn thoát khỏi cảnh quê mùa lam lũ, Hường phiêu bạt lên tận Lào Cai kiếm cửa buôn bán, ôm mộng đổi đời. Nhưng do dày ăn mỏng làm, sau một thời gian lưng vốn cạn kiệt, năm 2005 Hường vượt biên sang Trung Quốc và xin "đầu quân" cho một nhà chứa.

Đứng trước vành móng ngựa, Hường chua chát thú nhận, sang Trung Quốc, do ngoại hình không thực ưa nhìn nên chỉ được những gã cục súc để mắt tới, tiền chẳng kiếm được bao nhiêu mà bị chà đạp, đánh đập rất khổ sở. Nhưng với bản tính ranh ma, chỉ sau hơn 1 năm phiêu bạt xứ người, Hường đã nhanh chóng nhận ra một "mánh" khác có thể kiếm được bộn tiền là "nghề" buôn người, mang phụ nữ từ Việt Nam qua bán cho đàn ông Trung Quốc.

Tháng 8-2006 mẹ Hường nhớ con đã gọi điện và nói cô em họ Hồ Thị H (lúc đó đã 32 tuổi và chưa có chồng) đang không có việc, rất muốn "người chị tháo vát" xin cho việc gì đó để làm. Thấy thế, Hường lập tức trở về nhà và rủ rê đưa chị H sang Trung Quốc với lời hứa sang làm ở vườn chuối, lương cao, việc nhàn hạ.

Vốn tin tưởng tuyệt đối vào người chị họ, cô gái mới chỉ học hết lớp 2 dễ dàng bị Hường đưa sang Trung Quốc bán cho một người đàn ông Trung Quốc. Trước đó, chị H đã có thai 2 tháng với một người đàn ông khác nên khi bị chồng phát hiện cô đã có những chuỗi ngày hết sức khổ sở với người đàn ông Trung Quốc nọ.

Do không biết tiếng cộng với việc nhà chồng ở biệt lập trong rừng sâu nên H mất hoàn toàn phương hướng, đành chấp nhận sống trong cảnh tủi nhục, khốn khó. Đến cuối năm 2009, tình cờ gặp một người Việt Nam đầu tiên sau gần 4 năm sống ở Trung Quốc, chị H đã mượn được điện thoại và gọi về cho bố mình. Chỉ trong vài phút trao đổi lén lút đó, bố của chị đã quyết định phải đi tìm con gái.

Cuộc kiếm tìm ngoạn mục

Khi tòa tuyên bố kết thúc buổi xét xử, người con gái đờ đẫn bước ra trước nhưng người đàn ông già nua vẫn ngồi im một chỗ, gương mặt não nề. Ông tự giới thiệu tên Hồ Xuân N và thở dài buồn bã: "Nó là cháu tôi, tôi cũng đau lòng lắm, nhưng pháp luật vẫn phải nghiêm minh".

Ông kể lại: "Ngay khi biết 2 chị em nó lên tàu đi Lào Cai, tôi đã có linh tính có điều chằng lành sắp xảy ra. Tôi bắt ngay xe ôm đi 30 km, từ Thị xã Phúc Yên xuống ga Hà Nội nhưng tàu vừa đi khỏi. Tôi chỉ biết cầu trời khấn Phật cho mọi việc được bình yên". Từ đó, ông mất liên lạc hoàn toàn với người con gái. Ông vẫn thường xuyên qua nhà Trần Thị Hường để hỏi chuyện về H nhưng không ai biết tin gì thêm.

Vào một ngày cuối năm 2009, chuông điện thoại nhà ông N reo vang và khi nhấc ống nghe, ông rụng rời chân tay nhận ra đó là giọng nói của cô con gái mà ông đã mong đợi suốt 4 năm qua. Trong cuộc điện thoại ngắn ngủi đó, chị H chỉ kịp thông báo với bố mình là đang bị bắt làm vợ ở Trung Quốc và không cung cấp thêm được bất cứ thông tin gì về địa điểm hay tình hình sức khỏe. Sau đó ông N hỏi bưu điện được biết đó là số điện thoại xuất phát từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ông quyết định lên đường tìm con.

"Lúc đó cả nhà tôi chỉ còn chưa đến một triệu đồng, tôi chạy đôn chạy đáo vay nóng được 3 triệu đồng nữa và ngay trong đêm đó bắt tàu đi luôn Lào Cai. Sang đến nơi tôi gọi điện cho số điện thoại thì được biết số điện thoại đó cũng là của một người phụ nữ Việt Nam. Tôi hỏi địa chỉ rồi cứ thế tự mình tìm địa chỉ mặc dù không biết nói một câu tiếng Trung Quốc nào", ông nhớ lại.

Thấm thoát nhiều ngày lần mò, ông cũng tìm được nơi con gái sinh sống. Ông thấy gia cảnh của cô con gái mình quá khốn khổ: Vợ chồng không hôn thú ngày ngày làm thuê làm mướn và đã có 2 đứa con trai (cũng không có giấy khai sinh, trong đó đứa con đầu là con riêng của H), đứa sau thường xuyên đau ốm nên miếng ăn cũng không đủ. Đau lòng trước tình cảnh đó nhưng hiểu không thể đưa con gái về ngay, ông chỉ ở lại 4 ngày rồi quyết định về Việt Nam chuẩn bị kế hoạch cứu con.

Kế hoạch hoàn hảo

Về đến Việt Nam, ông N ngay lập tức gọi người bán rẻ mấy mảnh đất lấy 100 triệu rồi đưa vợ cầm tiền sang chu cấp cho vợ chồng con gái. Sang đến nơi, mẹ H cho người đàn ông Trung Quốc nọ tiền mua xe máy và tình nguyện ở lại đó một tháng trông cháu và cơm nước cho vợ chồng H. "Tôi làm thế cốt lấy lòng thằng con rể, khi nào nó phải tin thì tôi mới tính tiếp được", ông N "bật mí'.

Sau khi đã chiếm được lòng tin của người con rể, ông N tiếp tục đi bước tiếp theo là đề nghị cả nhà H về Việt Nam chơi sẽ cho tiền mua ti vi. Ngày 21-7-2009 khi nhà H vừa về đến Việt Nam, ông N ngay lập tức dẫn H đi xuống công an trình báo vụ việc. Ngày 22-9-2010, biết không thể lẩn trốn được mãi, Trần Thị Hường đã ra đầu thú.

Ngày 2-3-2011, TAND TP Hà Nội tuyên án Trần Thị Hường 6 năm tù giam vì hành vi mua bán người trái phép và buộc phải bồi thường cho chị Hồ Thị H 10 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần.

Thế nhưng hành trình của người cha nghèo này vẫn chưa chấm dứt. Ông bần thần trước khi rời phiên tòa: "Tôi bây giờ vẫn đang phải lo cách đưa nốt 2 đứa cháu với thằng rể Trung Quốc về Việt Nam, chúng nó bên đấy gạo không đủ ăn".

Theo Long Nguyễn
Đời sống pháp luật

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG