Ông Biden tranh thủ G20 để đảo ngược di sản của ông Trump

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp ảnh với các cán bộ y tế và lãnh đạo thế giới nhân dịp thượng đỉnh G20 tại Rome ngày 30/10. (Ảnh: CNN)
Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp ảnh với các cán bộ y tế và lãnh đạo thế giới nhân dịp thượng đỉnh G20 tại Rome ngày 30/10. (Ảnh: CNN)
TPO - Khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Rome (Ý) vào cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cố gắng đảo ngược những chính sách mang dấu ấn của người tiền nhiệm Donald Trump, và nỗ lực bảo đảm rằng những thay đổi đó sẽ được duy trì sau khi Mỹ có sự thay đổi lãnh đạo.

Tổng thống Mỹ Biden vừa bãi bỏ việc tăng thuế đối với thép và nhôm từ châu Âu mà chính quyền Trump đã áp dụng, gây chia rẽ cho quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ông bàn với các đồng minh về việc nối lại đàm phán để ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, sau khi ông Trump từ bỏ thoả thuận với Tehran. Ông ủng hộ một thoả thuận nhằm bảo đảm các tập đoàn đa quốc gia phải trả nhiều thuế hơn.

Ông Biden cũng tham gia thoả thuận với các quốc gia khác để chấm dứt rót vốn chính phủ cho các dự án điện than mới. Đây là một phần trong chương trình nghị sự rộng hơn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và lấy lại vai trò lãnh đạo quốc tế của Mỹ trong một chủ đề mà ông Trump đã bỏ qua.

“Mỹ là phần quan trọng nhất của toàn bộ chương trình nghị sự này. Mọi người đều tìm đến tôi. Mọi người đều muốn biết quan điểm của chúng tôi”, ông Biden nói tại cuộc họp báo ngày 31/10 ở Rome.

Nhưng khi ông Biden đang cố gắng thể hiện vai trò lãnh đạo trên vũ đài quốc tế, chỗ đứng của ông ở trong nước trở nên bấp bênh hơn, còn ông Trump gửi tín hiệu ngày càng mạnh mẽ về khả năng ông sẽ tìm đường trở lại Nhà Trắng.

Theo cuộc khảo sát mới thực hiện của đài NBC, chỉ có 42% người Mỹ ủng hộ những việc mà ông Biden đang làm.

Tại Rome, ông phủ nhận ý nghĩa của kết quả thăm dò dư luận. “Các cuộc thăm dò luôn tăng rồi giảm, tăng và giảm”, ông nói.

Tuy nhiên, những cố vấn hàng đầu của ông thừa nhận rằng các lãnh đạo thế giới khi tiếp cận Tổng thống Mỹ đều bày tỏ lo ngại ông Trump, hoặc một nhân vật tương tự, có thể trở lại cầm quyền vào năm 2024 hoặc sau đó.

“Các đồng minh của chúng tôi tin rằng phải khoá chặt những tiến bộ đạt được càng nhiều càng tốt khi đang có một vị tổng thống cam kết sâu sắc với quan hệ liên Đại Tây Dương”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói với Washington Post.

Một số lãnh đạo cho biết hội nghị cuối tuần qua giúp tái thiết một hệ thống đa phương đã tan vỡ trong những năm gần đây. “Chúng tôi đang có tham vọng chung mà trước đây không có”, Thủ tướng Ý Mario Draghi phát biểu khi bế mạc hội nghị.

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo quan trọng đã không tham dự trực tiếp thượng đỉnh G20 lần này, và ông Biden gọi đó là “sự thất vọng”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman không có mặt.

Theo Washington Post
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.