Với quyết định này, ông Joe Biden đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử công nhận các vụ thảm sát người Armenia là hành động diệt chủng.
“Từ sau ngày 24/4/1915, với việc Đế chế Ottoman bắt giữ các trí thức và lãnh đạo cộng đồng người Armenia, trên 1,5 triệu người Armenia đã bị trục xuất, tàn sát hoặc đày đọa đến chết. Chúng tôi tôn vinh các nạn nhân để nỗi kinh hoàng họ đã trải qua không bao giờ bị lãng quên”, ông Biden nói trong một tuyên bố.
Quyết định của Tổng thống Biden được dự đoán sẽ đẩy quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai quốc gia đồng minh NATO vào một vòng xoáy căng thẳng mới.
Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan phản đối
Mặc dù động thái của ông Biden hoàn toàn chỉ mang tính biểu tượng, nhưng nó đã hứng chịu những lời chỉ trích gay gắt từ Thổ Nhĩ Kỳ (trong lịch sử là Đế quốc Ottoman).
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Ankara "hoàn toàn bác bỏ" tuyên bố của Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh động thái của Tổng thống Biden sẽ làm xói mòn "lòng tin và tình hữu nghị" giữa hai nước, gây ra "sự tổn thương sâu sắc". Ông Cavusoglu cáo buộc Washington "bóp méo sự thật lịch sử" và điều này sẽ "không bao giờ được người dân Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận".
“Chúng tôi không cần phải học hỏi từ bất kỳ ai về quá khứ của chính mình. Chủ nghĩa cơ hội chính trị là sự phản bội lớn nhất đối với hòa bình và công lý", Bộ trưởng nói thêm.
Bộ Ngoại giao Azerbaijan cũng chỉ trích quyết định công nhận hành động diệt chủng người Armenia của ông Biden, gọi đây là hành động đáng tiếc.
Báo giới cho biết ông Biden đã cảnh báo người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về quyết định công nhận sắp tới trong một cuộc điện đàm vào ngày 23/4.
Trong khi đó, ông Erdogan cho rằng vấn đề Đế chế Ottoman và người Armenia “đã bị chính trị hóa và bị các bên thứ ba sử dụng để can thiệp vào công việc nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Tổng thống Erdogan nói rằng ông tôn kính tưởng nhớ những người Armenia sống dưới Đế chế Ottoman và những người đã chết "trong điều kiện khắc nghiệt của Chiến tranh thế giới thứ nhất". Ông đồng thời nhấn mạnh việc để di sản "hàng trăm năm chung sống của người Thổ Nhĩ Kỳ và người Armenia" vào quên lãng là điều không thể chấp nhận được.
Ngay sau tuyên bố của ông Biden, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, David Satterfield, đã được Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Ankara, đại sứ quán Mỹ tại nước này thông báo rằng cơ quan đại diện ngoại giao sẽ đóng cửa trong hai ngày ngày 26-27/4, với lý do có thể xảy ra các cuộc biểu tình.
Armenia ca ngợi
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ca ngợi quyết định của ông Biden là một "bước đi mạnh mẽ hướng tới công lý" và cảm ơn Tổng thống Mỹ vì sự ủng hộ của ông đối với hậu duệ của nạn diệt chủng Armenia.
Thủ tướng Pashinyan viết trong một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Mỹ: “Việc Mỹ công nhận tội ác diệt chủng ở Armenia là một thông điệp rất cần thiết đối với cộng đồng quốc tế, nhằm tái khẳng định tính ưu việt của nhân quyền và các giá trị trong quan hệ quốc tế”.
Thủ tướng Pashinyan nói thêm rằng việc công nhận cũng là một vấn đề an ninh đối với Armenia, vì các sự kiện gần đây trong khu vực. Thủ tướng dường như đề cập đến cuộc xung đột quân sự năm 2020 giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Việc ông Biden công nhận tội ác diệt chủng của người Armenia được công bố trùng với kỷ niệm 106 năm ngày người Armenia tưởng niệm các nạn nhân của Đế chế Ottoman năm 1915. Một số nhà sử học nói rằng các vụ trục xuất, bỏ đói và thảm sát có hệ thống được thực hiện bởi Đế chế Ottoman trong các khu vực sinh sống chủ yếu của người Armenia khiến khoảng 1,5 triệu người trong số họ thiệt mạng. Chính phủ của 23 quốc gia cộng với một số tổ chức quốc tế đã công nhận những sự kiện này là tội ác diệt chủng của người Armenia.
Trong khi đó, Ankara bác bỏ mạnh mẽ thuật ngữ “diệt chủng”, nhấn mạnh rằng những sự kiện bi thảm năm 1915 không chỉ ảnh hưởng đến người Armenia mà còn ảnh hưởng đến cả người Thổ Nhĩ Kỳ.