Ông Biden đặt mục tiêu tham vọng cho cuộc chiến khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu. (Ảnh: WSJ)
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu. (Ảnh: WSJ)
TPO - Ngày 22/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 50-52% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2005. Mỹ hy vọng mục tiêu mới này sẽ khuyến khích các nước phát thải lớn khác nâng mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Ông Biden đưa ra mục tiêu này trong phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh khí hậu kéo dài 2 ngày, trong bối cảnh Mỹ nỗ lực giành lại vị trí lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống tình trạng ấm lên toàn cầu sau khi người tiền nhiệm Donald Trump quay lưng với vấn đề này.

Thượng đỉnh lần này là dấu mốc quan trọng trong kế hoạch rộng hơn của ông Biden nhằm tiến tới mục tiêu đưa nền kinh tế Mỹ chấm dứt phát thải carbon vào năm 2050 - chương trình hành động mà ông cho rằng có thể tạo ra hàng triệu việc làm thu nhập cao, dù nhiều nghị sĩ Cộng hoà cho là có thể gây tổn hại cho nền kinh tế.

Lượng khí phát thải của Mỹ sẽ được cắt giảm từ các nhà máy điện, ô-tô và các ngành khác của nền kinh tế, nhưng Nhà Trắng không nêu mục tiêu cụ thể của từng ngành.

“Không quốc gia nào có thể tự giải quyết cuộc khủng một mình, và cuộc gặp thượng đỉnh này là một bước để tiến tới một tương lai an toàn, thịnh vượng và bền vững”, ông Biden viết trong tweet đăng trước khi thượng đỉnh bắt đầu.

Mục tiêu mà ông Biden đưa ra cao gần gấp đôi cam kết của Tổng thống Barack Obama, rằng đến năm 2025 sẽ giảm 26-28% phát thải so với năm 2005. Các mục tiêu cụ thể sẽ được Mỹ đưa ra vào cuối năm nay.

Cách thức mà Mỹ định tiến hành để đạt mục tiêu sẽ đóng vai trò quan trọng để củng cố uy tín của Mỹ trong việc khắc phục tình trạng ấm lên toàn cầu, trong bối cảnh dư luận quốc tế đang có những quan ngại rằng cam kết của Mỹ đối với một nền kinh tế năng lượng sạch sẽ có thay đổi lớn sau khi nước này có sự chuyển đổi chính quyền.

Ông Biden gần đây đưa ra kế hoạch phát triển hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD, trong đó nêu ra nhiều biện pháp nhằm cắt giảm phát thải trong thập kỷ này, bao gồm tiêu chuẩn năng lượng sạch để giúp ngành điện chấm dứt phát thải vào năm 2035 và tiến tới sử dụng toàn bộ phương tiện giao thông chạy điện. Nhưng những biện pháp này cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn trước khi triển khai.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.