Mỹ - Trung: Tạm gác bất đồng để chống biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc là nước phát thải carbon nhiều nhất thế giới. Ảnh: Getty
Trung Quốc là nước phát thải carbon nhiều nhất thế giới. Ảnh: Getty
TP - Vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì một cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo thế giới để bàn về tình trạng biến đổi khí hậu, Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải carbon nhiều nhất thế giới, đồng ý hợp tác khẩn cấp để ứng phó vấn đề này.

Theo nội dung tuyên bố chung, thoả thuận đạt được trong chuyến đi của Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đến Thượng Hải để gặp người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa. Hai quốc gia “cam kết hợp tác với nhau và với các quốc gia khác để giải quyết khủng hoảng khí hậu, vấn đề đòi hỏi phải được xử lý bằng sự nghiêm túc và cấp bách”, tuyên bố chung viết.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc là nước phát thải carbon nhiều nhất thế giới, theo sau là Mỹ, khiến khí quyển Trái đất nóng lên. Trong tổng lượng khói từ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch của thế giới, hai quốc gia này chiếm xả ra một nửa. Sự hợp tác giữa hai quốc gia đóng vai trò chìa khoá để quyết định sự thành công của những nỗ lực toàn cầu nhằm xử lý tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong cuộc gặp báo giới ngày 18/4, ông Kerry nói rằng, tuyên bố chung sử dụng ngôn từ “mạnh mẽ” và hai nước đồng ý về “những yếu tố quan trọng về điều cần làm”.

Tuy nhiên, những bất đồng giữa hai nước trong các vấn đề thương mại, yêu sách chủ quyền thái quá của Trung Quốc trên Biển Đông, căng thẳng ở Đài Loan và nhân quyền có thể cản trở hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khí hậu.

Trong cuộc gặp báo giới ngày 18/4, ông Kerry nói rằng, tuyên bố chung sử dụng ngôn từ “mạnh mẽ” và hai nước đồng ý về “những yếu tố quan trọng về điều cần làm”. Vị cựu ngoại trưởng nói thêm: “Tôi học được từ ngoại giao rằng, bạn không được quay lưng với lời nói, bạn phải hành động. Chúng ta phải chờ xem điều gì sẽ diễn ra”.

Ẩn số

Tổng thống Biden đã mời 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tham dự hội nghị thượng đỉnh từ ngày 22-23/4. Mỹ và các nước dự kiến đề ra những mục tiêu quốc gia đầy tham vọng để cắt giảm phát thải carbon trước hoặc khi hội nghị diễn ra, đồng thời cam kết hỗ trợ tài chính để các nước khó khăn hơn sử dụng vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Chưa rõ chuyến thăm của ông Kerry đến Trung Quốc có thể thúc đẩy hợp tác Mỹ - Trung trong vấn đề khí hậu ở mức nào. Trong khi ông Kerry ở Thượng Hải, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cuối tuần trước nói ngụ ý rằng, Trung Quốc có thể sẽ không đưa ra cam kết mới nào trong hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới. “Với một nước lớn có 1,4 tỷ người, những mục tiêu đó không dễ dàng thực hiện. Một số quốc gia đang yêu cầu Trung Quốc thực hiện các mục tiêu sớm hơn. Tôi sợ rằng điều này không thực tế lắm”, ông Lạc nói trong cuộc trả lời phỏng vấn AP tại Bắc Kinh.

Trong cuộc gặp trực tuyến với lãnh đạo Đức và Pháp cuối tuần qua, ông Tập nói rằng, biến đổi khí hậu “không nên trở thành công cụ mặc cả địa chính trị, một mục tiêu để tấn công những nước khác hoặc dùng làm cái cớ để dựng rào cản thương mại”, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua đưa tin. Về câu hỏi liệu ông Tập có dự thượng đỉnh sắp tới, ông Lạc nói: “Phía Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu vấn đề”.

Theo tuyên bố chung giữa ông Kerry và ông Giải, hai nước “trông đợi” cuộc gặp thượng đỉnh vào tuần tới. Hôm qua, ông Kerry nói: “Chúng tôi rất hy vọng (ông Tập) sẽ tham dự, nhưng điều đó tuỳ thuộc vào quyết định của Trung Quốc”.

Từng khẳng định rằng chống biến đổi khí hậu là một trong những mục tiêu cao nhất của mình, ông Biden đã đưa Mỹ quay lại với Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức. Những nước phát thải nhiều đang chuẩn bị cho thượng đỉnh khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Anh vào tháng 11 năm nay. Mục tiêu của sự kiện này là tái khởi động những nỗ lực toàn cầu nhằm giữ mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,5 độ C, như đã nhất trí trong Thoả thuận Paris.

Năm ngoái, ông Tập khẳng định, Trung Quốc sẽ trở nước trung hoà carbon vào năm 2060 và đạt đỉnh về mức độ phát thải vào năm 2030. Tháng 3 vừa qua, nước này cam kết giảm 18% phát thải carbon trong 5 năm tới. Nhưng các chuyên gia môi trường cho rằng, Trung Quốc cần làm nhiều hơn. Trong khi đó, ông Biden cam kết, Mỹ sẽ chuyển sang ngành điện không phát thải carbon trong 14 năm tới, và trở thành nền kinh tế hoàn toàn không phát thải vào năm 2050. Ông Kerry đang vận động các quốc gia khác cam kết trở thành quốc gia trung hoà carbon vào thời điểm đó.

Nhấn mạnh Trung Quốc là nước sử dụng than nhiều nhất thế giới, Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry nói rằng, ông và các quan chức Trung Quốc đã bàn nhiều về cách đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng năng lượng toàn cầu.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.