Mỹ - Trung phô trương sức mạnh ở điểm nóng

0:00 / 0:00
0:00
Một chiếc F/A-18E Super Hornet cất cánh từ tàu sây bay USS Theodore Roosevelt ngày 5/4Ảnh: US Navy
Một chiếc F/A-18E Super Hornet cất cánh từ tàu sây bay USS Theodore Roosevelt ngày 5/4Ảnh: US Navy
TP - Trung Quốc và Mỹ vừa điều tàu sân bay đến Biển Đông và Hoa Đông. Giới phân tích cho rằng, những động thái này cho thấy nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa hai siêu cường gia tăng, trong lúc Bắc Kinh quyết liệt thúc đẩy các yêu sách trên biển và Washington tập trung vào chiến lược đối phó với Bắc Kinh.

Ngày 4/4, nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trở lại Biển Đông qua eo biển Malacca. Ngoài ra, tàu khu trục USS Mustin của hải quân Mỹ cũng đang hoạt động trên biển Hoa Đông.

Trong khi đó, nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đi qua eo biển Miyako ở phía tây nam Nhật Bản vào cuối tuần qua, vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thúc giục Nhật “dừng mọi hoạt động khiêu khích” ở khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang quản lý. Tối 5/4, quân đội Trung Quốc thông báo trên mạng xã hội rằng nhóm tàu Liêu Ninh đang trên đường thực hiện “cuộc huấn luyện theo kế hoạch” ở khu vực gần Đài Loan.

Tokyo gần đây liên tiếp bày tỏ lo ngại luật hải cảnh mới của Trung Quốc mở đường cho lực lượng bán quân sự của Bắc Kinh dùng vũ lực với những tàu nước ngoài bị coi là xâm phạm trái phép vùng biển của Trung Quốc. Căng thẳng ở khu vực Đài Loan cũng gia tăng khi Bắc Kinh gần đây tăng cường sử dụng chiến thuật “vùng xám” để gây sức ép với Đài Bắc. 10 máy bay quân sự Trung Quốc đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan hôm 5/4, sau khi máy bay săn ngầm Y-8 của Trung Quốc tiến sát hòn đảo trong 2 ngày cuối tuần qua, cơ quan quân sự Đài Loan nói. Còn Mỹ tiến hành hàng loạt cuộc tập trận với các đồng minh trong khu vực, bao gồm cuộc với Nhật Bản trên Biển Đông, với Úc ở đông Thái Bình Dương và với Ấn Độ trên Ấn Độ Dương.

Ông Ben Schreer, giáo sư ĐH Macquarie ở Sydney, cho rằng việc tàu sân bay Mỹ đi vào Biển Đông là để thách thức các yêu sách thái quá của Trung Quốc trên vùng biển này và gửi tín hiệu đến các đồng minh rằng Washington là “đồng minh đủ năng lực và đáng tin cậy”. Trong khi đó, việc tàu Liêu Ninh đi qua biển Hoa Đông là nhằm gửi đi thông điệp rằng Bắc Kinh sẽ bảo vệ cái họ coi là các lợi ích lãnh thổ cốt lõi. “Đó là một tín hiệu gửi đến Nhật Bản, Mỹ và nước khác trong khu vực rằng hải quân Trung Quốc đang dần phát triển năng lực tàu sân bay, dù hiện nay họ chưa đạt được mục tiêu này”, ông Schreer nói với South China - Morning Post.

Thăm dò nhau?

Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Quốc tế học S.Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore, nói rằng Washington đang muốn thể hiện cam kết duy trì hiện diện quân sự đáng tin cậy ở khu vực và ngăn cản Bắc Kinh có “bất kỳ hành động táo bạo nào” khi đang có nhiều lo ngại về ý đồ của Trung Quốc ở đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Bắc Kinh nói rằng, đó là các tàu cá đang tránh thời tiết xấu chứ không phải tàu dân quân. “Những người chuyên đi biển biết ngay đó là nói dối, không ai neo đậu tàu cả tuần trước khi bão đến. Nếu chúng là các tàu thương mại thì phải mất cả ngàn USD mỗi ngày nếu cứ để các tàu đứng yên cạnh nhau như thế”, ông Carl Schuster, cựu giám đốc tác chiến của Trung tâm tình báo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói với Bloomberg.

Với hiện diện của các tàu này, giới chuyên gia cho rằng, có vẻ Bắc Kinh đang thăm dò xem Tổng thống Mỹ Joe Biden có hành động gì không sau khi cam kết phối hợp với các đồng minh ở khu vực để ngăn chặn Trung Quốc hành động quyết liệt.

Theo các chuyên gia, Mỹ cần tính toán mức độ phản ứng. Trung Quốc dùng lực lượng mà họ nói là tàu cá thương mại thực hiện chiến thuật “vùng xám” để nước này có thể phủ nhận bất kỳ sai trái nào. Việc điều tàu sân bay hay các tàu chiến khác đến gần cấu trúc này có thể sẽ bị coi là phản ứng thái quá, khiến Mỹ trông giống kẻ gây hấn. Nhưng mặt khác, Mỹ sẽ bị chê là yếu đuối nếu không làm gì. Mỹ lần này “không còn ngây thơ” sau khi không làm gì trong vụ Trung Quốc chiếm bãi cạn Scaborough năm 2012, “khiến uy tín của Mỹ ở Đông Nam Á bị tổn thất lớn”, Shahriman Lockman, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Malaysia, nói với Bloomberg.

MỚI - NÓNG