Sau 4 năm ngoảnh mặt, Mỹ nỗ lực trở lại cuộc chiến khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tối 22/4. (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tối 22/4. (Ảnh: AP)
TPO - Tối nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu theo hình thức trực tuyến. Hội nghị nhằm thúc đẩy các nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới hành động nhanh hơn để cứu vãn tình trạng biến đổi khí hậu.

Giới quan sát cho rằng một nhiệm vụ của ông Biden là thuyết phục thế giới rằng Mỹ không chỉ sẵn sàng cam kết, mà có thể thực hiện các mục tiêu cắt giảm khí thải đầy tham vọng mà ông đề ra.

Kế hoạch mà ông Biden đặt ra cho Mỹ tại hội nghị trực tuyến của 40 nhà lãnh đạo thế giới lần này là giảm một nửa lượng phát thải từ than và nhiên liệu hoá thạch, đồng thời cung cấp tài chính cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các nước khác. Mục tiêu này được đánh giá là đủ để thuyết phục các cường quốc khác có thay đổi lớn.

Với những quốc gia nhỏ vẫn khó khăn về kinh tế, những tiến triển về chống biến đổi khí hậu chậm lại đáng kể trong 4 năm Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump rút khỏi nỗ lực này. Ngoại trưởng Panama Erika Mouynes hy vọng rằng sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ đối với công cuộc chống biến đổi khí hậu của thế giới sẽ thúc đẩy các thoả thuận song phương trên khắp thế giới trước khi Liên Hợp quốc tổ chức hội nghị khí hậu tại Glasgow, nơi đại diện khoảng 200 chính phủ sẽ phải trình bày về những việc mình sẽ làm để giữ Trái đất không tiếp tục nóng lên và nguy hiểm hơn.

Với hội nghị thượng đỉnh của ông Biden, “chúng ta có thể bắt đầu với động lực đó”, bà Mouynes nói. Tại Panama, tình trạng thiếu nước ngọt mà giới chức nước này đổ lỗi cho biến đổi khí hậu đang gây cản trở cho giao thông đường thuỷ qua kênh đào Pamama, một trong những tuyến thương mại quan trọng của thế giới.

Bà Mouynes nói rằng những biện pháp mà Panama triển khai như lập các đường dây nóng và dùng thiết bị bay không người lái để phát hiện tình trạng chặt phá rừng trái phép là chưa đủ để tự cứu mình.

Ngày 21/4, Nghị viện châu Âu xác nhận rằng họ sẽ đặt ra mục tiêu tham vọng tương tự Mỹ. Mỹ còn đang trông đợi những đồng minh khác, như Nhật Bản và Canada, đưa ra cam kết của họ, với hy vọng sẽ thôi thúc Trung Quốc và những quốc gia khác giảm bớt việc xây dựng các nhà máy điện than và giảm bớt phát thải.

Thế giới cũng đang chờ xem các nước giàu có khẳng định rõ ràng về cách họ sẽ giúp những nước nghèo hơn đóng cửa các nhà máy điện than và thay đổi hệ thống cung cấp điện, trong đó có 2 tỷ USD Mỹ đã cam kết nhưng chưa bao giờ chi.

Hai nước gây ô nhiễm nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng với nhau trong hàng loạt vấn đề không liên quan đến khí hậu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mãi đến hôm 21/4 mới xác nhận tham dự sự kiện lần này.

Ấn Độ, nước xả khí thải từ nhiên liệu hoá thạch nhiều thứ ba thế giới, đang thúc giục Mỹ và các nước giàu khác thực hiện lời hứa chi hàng tỷ đô la để giúp những nước nghèo có lựa chọn khác ngoài các nhà máy than và hệ thống điện tiêu tốn năng lượng.

Trong khi Nga được xác định là nước gây ô nhiễm lớn thứ tư thế giới, Tổng thống Vladimir Putin xác nhận sẽ chấp nhận lời mời của Mỹ nhưng vẫn giận dữ về chuyện bị ông Biden gọi là “kẻ sát nhân”.

Ở trong nước, những chia rẽ chính trị phơi bày dưới nhiệm kỳ của ông Trump khiến vị thế của Mỹ yếu hơn nhiều so với hồi nước này tham giả thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Không thể bảo đảm rằng người kế nhiệm mình vào năm 2024 sẽ làm ngược lại, chính quyền Biden cho rằng với chính sách khuyến khích, các lực lượng thị trường sẽ sớm tạo ra các loại nhiên liệu sạch hơn, rẻ hơn và thân thiện với người dùng đến mức họ không thể từ chối sử dụng.

Theo AP
MỚI - NÓNG