Học sinh mở lòng trước những vấn đề thực tiễn
Mấy năm gần đây, tâm trạng thí sinh sau buổi thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn luôn hứng khởi bởi các em được bày tỏ những suy nghĩ từ đáy lòng trước những triết lý cuộc sống; hay thể hiện phản ứng nhanh nhạy, tư duy độc lập liên quan đến vấn đề thời sự của đất nước.
Cách ra đề Văn mở, đặc biệt phần nghị luận xã hội khiến học sinh dường như mở lòng hơn với những vấn đề cuộc sống diễn ra quanh mình; có ý thức theo dõi và cập nhật thông tin chứ không chỉ chú tâm vào sách vở.
Các thầy cô giáo dạy Văn cũng luôn ý thức bám sát vấn đề thời sự trong các tiết dạy Văn nghị luận xã hội, tạo ra một sinh khí mới khi Văn học đã không còn gói gọn những tác phẩm trong nhà trường.
Năm nay cũng vậy, không khí 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, đặc biệt là sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ta đã khiến các giờ học Văn nóng hổi tinh thần yêu nước và ý thức chủ quyền.
Chu Thị Phương Nhã - Học sinh lớp 12 Trường THPT Nà Phặc (Bắc Kạn) - cho biết: Không chỉ lớp em mà các thầy cô giáo trong trường khi ôn tập thi tốt nghiệp môn Ngữ văn đều nhấn mạnh đến ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước; trong đó có liên hệ đến sự kiện giàn khoan Hải Dương 981.
Các thầy cô cũng từ đó, định hướng học sinh nhận thức đúng vấn đề, biết thể hiện lòng yêu nước một cách thông minh, đúng cách, gắn lòng yêu nước với tinh thần yêu chuộng hòa bình.
Tâm sự về những tiết học Văn thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, Ngô Thị Hoài - Học sinh lớp 12C2 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho hay: Các em đã được thử sức với đề tài về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong đề Văn thi thử của trường vừa qua.
“Năm nay, các vấn đề thời sự của đất nước được các thầy cô nhấn mạnh, lưu ý học sinh hơn là việc yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ về những triết lý cuộc sống” - Hoài cho biết thêm.
Nắm chắc vấn đề thời sự để tự tin với đề nghị luận xã hội
Để làm tốt bài Văn nghị luận xã hội, không thể không bám sát các vấn đề thời sự - đó là lưu ý chung của các thầy cô giáo dạy Văn liên quan đến thể loại này.
Bởi vậy, nhiều giáo viên Văn cho rằng, rất hiển nhiên khi những vấn đề nóng hổi gần đây như sự kiện Biển Đông luôn được các thầy cô lưu ý học sinh.
Dẫn chứng cụ thể nhất là vấn đề này đã đi vào nhiều đề Văn của giáo viên thử sức học sinh trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Cô Trần Lệ Huyền - Giáo viên Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) - cho biết: Lòng yêu nước và tự hào dân tộc là một trong những nội dung quan trọng được cô lưu ý học sinh trong đề văn nghị luận xã hội khi ôn tập.
Trong đó sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 được nhắc đến để giáo dục học sinh có cái nhìn đúng đắn trước một vấn đề thời sự quan trọng; hướng các em ý thức về chủ quyền dân tộc, yêu chuộng hòa bình và hành động trong khuôn khổ pháp luật.
Tương tự, cô Nguyễn Kiều Liên - Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) - cũng cho biết trong một đề Văn thi thử của trường có đề cập đến vai trò của biển đảo và trách nhiệm công dân. Trước đó, trong các giờ dạy, cô Liên đều nhắc nhở học sinh theo sát các vấn đề thời sự; vấn đề Biển Đông chỉ là một trong số đó.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một Sở GD&ĐT khi phát biểu với báo chí cũng thể hiện sự ủng hộ, khuyến khích các thầy cô giáo trong việc sáng tạo, tích hợp chủ đề yêu đất nước, tự hào dân tộc, bày tỏ thái độ về việc bảo vệ chủ quyền dân tộc nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng vào bài giảng, đề kiểm tra...
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng đồng thời đề nghị hơn lúc nào hết các nhà quản lý, các thầy cô giáo cần định hướng cho học sinh để các em biết cách thể hiện thái độ, hành động đúng đắn, bình tĩnh vì lứa tuổi học trò xốc nổi, có thể bị kẻ xấu lợi dụng.
Nhiều giáo viên cũng đồng tình với quan điểm này và nhấn mạnh thêm rằng: Với học sinh, thể hiện tình yêu nước trước hết ở sự phấn đấu tu dưỡng, rèn, luyện, học tập tốt; thể hiện trước mắt ở kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ sắp tới.
Theo Hiếu Nguyễn