Những năm 1980, 1990 của thế kỷ 20, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, phương tiện truyền thông còn hạn chế, nhu cầu giải trí thường nhật cũng trở nên xa xỉ đối với nhiều người. Vì thế, những bộ phim dài tập chính là đặc sản và là món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả Việt Nam.
Mỗi tập phim phát trên truyền hình được cả làng xóm hay một khu tập thể ngóng đợi. Đó là hình ảnh rất đỗi quen thuộc khi cả người lớn và trẻ em quây quần quanh những chiếc tivi đen trắng dõi theo từng tập phim với tất cả sự đam mê, háo hức.
Khán giả có dịp xem lại những bộ phim kinh điển của nhiều quốc gia. |
Dịp này, Đài truyền hình Hà Nội phát sóng lại những bộ phim được coi là kinh điển của nền điện ảnh các nước. Những tác phẩm hứa hẹn giúp thế hệ khán giả của thời kỳ những năm 1980 trở về trước hoài niệm về một miền ký ức đẹp. Thế hệ trẻ hiện nay hiểu được những giá trị của một thời khó khăn thiếu thốn trong chiến tranh và những năm bao cấp.
Chương trình Phim của một thời dự kiến phát sóng vào 20h hàng ngày trên kênh 2 của Đài truyền hình Hà Nội, từ cuối tháng 4. Khán giả theo dõi những bộ phim kinh điển đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Liên Xô (cũ), Italia, Bungary, Tiệp Khắc (cũ).
Những bộ phim được công chiếu bao gồm Khi đàn sếu bay qua, Bạch tuộc, Maika - cô bé từ trên trời rơi xuống, Chiến tranh và hòa bình, Trên từng cây số,...
Cảnh trong phim Khi đàn sếu bay qua. |
Bà Lê Thúy Anh - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình Hà Nội - cho biết những bộ phim phát sóng trong chương trình Phim của một thời là câu chuyện nhân văn trong đời sống, phản ánh văn hóa, tình hình chính trị xã hội của những tháng năm đáng nhớ.
“Trong thời đại hiện nay với rất nhiều những bộ phim bom tấn, màu sắc, kỹ xảo điện ảnh hiện đại, Phim của một thời với những thước phim đen trắng, giống như một nốt chấm phá dành cho thế hệ ngày xưa, để họ có thể cùng hoài niệm, ôn lại những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ”, bà Thúy Anh chia sẻ.
Nhớ về những kỷ niệm khó phai với những bộ phim kinh điển này, ông Nguyễn Thế Vĩnh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết cả khu tập thể nơi ông sinh sống ngày ấy chỉ có một chiếc vô tuyến công cộng. Đến giờ chiếu phim, mọi người tập trung ra chiếc chòi trên khoảng sân của khu tập thể cùng xem.
“Chúng tôi háo hức lắm, phải ăn cơm sớm, xếp hàng sớm mới có chỗ để ngồi. Ai cũng hào hứng, đến nỗi tôi có cảm giác như người ta có thể bỏ ăn chứ không thể bỏ lỡ bộ phim mình yêu thích”, ông Vĩnh hồi tưởng.