Con trai kể chuyện Thiếu tướng Hoàng Đan đạp xe hơn nghìn km hỏi cưới vợ nhưng bị từ chối

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tình yêu của tướng Hoàng Đan dành cho người vợ ở hậu phương truyền cảm hứng cho con trai và cả thế hệ sau. Đó chính là lý do mà anh Hoàng Nam Tiến - con trai út của tướng Hoàng Đan - nói rằng tình yêu của ba mẹ anh là tình yêu chung của cả thế hệ. 

400 bức thư và mối tình vượt đạn bom

Cuốn sách Thư cho em kể câu chuyện tình Thiếu tướng Hoàng Đan và bà Nguyễn Thị An Vinh, dưới ngòi bút của con trai út là doanh nhân Hoàng Nam Tiến.

Bốn phần của tác phẩm gồm Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!, Hương gây mùi nhớ, Thư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ, Về đây bên nhau - tương ứng với các mốc thời gian từ khi vợ chồng thiếu tướng nên duyên, đến tháng ngày phải xa cách vì chiến trận, cuối cùng là cuộc sống tuổi già sau ngày đoàn tụ.

Con trai kể chuyện Thiếu tướng Hoàng Đan đạp xe hơn nghìn km hỏi cưới vợ nhưng bị từ chối ảnh 1

Sau 2 tuần ra mắt, Thư cho em đã tái bản và liên tục cháy hàng.

Tại buổi ra mắt sách chiều 13/4, tác giả Hoàng Nam Tiến chia sẻ tình yêu của ba mẹ anh giống như một tình yêu chung của cả thế hệ. Đó là tình yêu có tính lý tưởng.

Khi tướng Hoàng Đan qua đời, anh Hoàng Nam Tiến giữ lại một hộp tài liệu, trong đó có hơn 400 bức thư tình của ba mẹ. ''Từng lá thư như những sợi dây mềm buộc một cuộc tình 50 năm bền chặt, qua ngày tháng, từ từ được mở ra. Đây là cuốn sách đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi'', anh chia sẻ.

Những lá thư của tướng Hoàng Đan và vợ kéo dài qua nhiều dấu mốc quan trọng của lịch sử dân tộc như chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chiến dịch đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Quảng Trị năm 1972, Sài Gòn năm 1975, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, năm 1884...

Tác giả kể lại nhiều chi tiết xúc động về mối tình sâu đậm của tướng Hoàng Đan và vợ trong những ngày chiến tranh ác liệt.

Suốt bốn năm Thiếu tướng Hoàng Đan đi nước ngoài học cao cấp quân sự, hai người tuần nào cũng gửi một lá thư, có tuần hai lá. Cuộc sống thường nhật, tình hình của các con, tình yêu và nỗi nhớ đều được bày tỏ qua những trang viết.

Trước chiến dịch Thượng Lào, vị tướng chỉ huy xin rời đơn vị rồi đạp xe 1.300 km từ Điện Biên về Nghệ An để gặp và xin cưới bà Nguyễn Thị An Vinh. Tuy nhiên, bà An Vinh từ chối ngay lập tức vì lo rằng nếu đám cưới diễn ra bà phải sinh con, phải về quê.

Khi bà nói muốn tập trung công tác mà tạm thời gác lại việc có con, ông hiểu và tôn trọng. Gần hai tháng sau lễ ăn hỏi vào tháng 3/1953, họ trao nhau nụ hôn đầu tiên. Bốn năm sau ngày cưới, hai người mới đón con trai đầu lòng.

Con trai kể chuyện Thiếu tướng Hoàng Đan đạp xe hơn nghìn km hỏi cưới vợ nhưng bị từ chối ảnh 2
Tác giả Hoàng Nam Tiến (giữa) tại buổi ra mắt sách.

Trong mắt con trai út, câu chuyện tình của tướng Hoàng Đan không quá đặc biệt. Anh gọi đó là tình yêu người lính với người vợ hậu phương, những người phụ nữ "ba đảm đang".

Qua những dòng hồi tưởng của con trai, hình ảnh tướng Hoàng Đan hiện lên vừa ấm áp, vừa gần gũi với các con, vừa nhẹ nhàng, ân cần với vợ. Ông còn gửi thư hỏi vợ có quan tâm đến các con không, khuyên vợ nên giáo dục con thế nào. Đôi khi thiếu tướng lựa lời góp ý để vợ bày tỏ sự yêu thương với mình nhiều hơn.

"Trong những bức thư ba mẹ tôi gửi cho nhau, ba mẹ luôn động viên nhau phải học hành. Điều này tôi rất thích. Tôi nghĩ rằng khi yêu nhau, không chỉ là nhìn vào mắt nhau, khi yêu nhau thì phải cầm tay nhau cùng nhìn về một phía và cùng tiến bước”, anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ.

Viết sách để hiểu và tin vào tình yêu

Nói về mục đích viết cuốn sách đầu tiên và cuối cùng của cuộc đời, tác giả Hoàng Nam Tiến khẳng định anh vừa muốn để lại một kỷ niệm cho mình, cho gia đình, vừa viết để hiểu thêm về tình yêu.

"Tôi mong độc giả nhất là các bạn trẻ tin rằng tình yêu có thật", Hoàng Nam Tiến bày tỏ.

Con trai kể chuyện Thiếu tướng Hoàng Đan đạp xe hơn nghìn km hỏi cưới vợ nhưng bị từ chối ảnh 3
Câu chuyện tình yêu được kể lại qua hơn 400 lá thư tay vội vã của Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ là đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu - khách mời tại buổi ra mắt sách Thư cho em - chia sẻ cuốn sách của tác giả Hoàng Nam Tiến rất đặc biệt bởi hiếm ai có thể sưu tầm được hàng trăm bức thư của ba mẹ mình.

Ông khẳng định cuốn sách như một tiểu thuyết, kể một thiên tình sử trong những năm chiến tranh.

Tháng 5-1954 kết thúc đánh Pháp, anh về cưới em. Nếu năm nay kết thúc chiến tranh, anh về sống bên em thì đúng mười tám năm em nhỉ. Mười tám năm xa nhau để làm nhiệm vụ đánh Mỹ. Xa nhau bao thương nhớ, nhưng nếu thắng lợi thì sự hy sinh đó cũng xứng đáng" - trích thư Thiếu tướng Hoàng Đan gửi vợ An Vinh năm 1972.

“Cuốn sách nói lên mối tình lịch sử, giữa một người cán bộ quân sự với người vợ ở hậu phương. Trong bối cảnh chiến tranh cách mạng, cuốn sách cũng thể hiện được đặc thù đặc trưng của người chiến sĩ, biết bao nhiêu chàng trai xa gia đình, xa người yêu, xa vợ để đi chiến đấu, giữa họ có sự kết nối với nhau là những lá thư từ tiền tuyến gửi về hậu phương và ngược lại. Với người lính đó là niềm vui, là động lực tinh thần cổ vũ họ trong chiến đấu", Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu nói.

Thư cho em không chỉ lưu giữ ký ức của tác giả và gia đình mà còn chia sẻ với độc giả ngày nay về tình yêu cao đẹp của một thời đại anh hùng của dân tộc.

Thiếu tướng Hoàng Đan là người chỉ huy tài ba, mẫn cán. Ông cũng là một người cha mẫu mực với những lời chỉ dạy sâu sắc dành cho những người con trong gia đình cùng tình yêu thương đồng chí, đồng đội.

Dấu ấn của ông lưu lại từ những trận đánh ở chiến dịch Điện Biên Phủ, kháng chiến chống Mỹ...

MỚI - NÓNG