Hắt hiu làng đảo
Một ngày đông, chúng tôi men theo triền đê ven sông tìm đường qua Hồng Lam. Cách duy nhất để đến với ốc đảo này là... đi đò. Thế nhưng, cũng không phải dễ, vì ở đây chỉ có một con đò nên phải mất cả tiếng đồng hồ mới qua được sông.
Không khó để nhận ra những người lạ mặt, người lái đò tặc lưỡi: “Lại là nhà báo à, bao nhiêu năm rồi, hàng trăm nhà báo đã đến đây, nhưng tình hình có khác gì mấy đâu, cuộc sống vẫn không hề thay đổi!”.
Đường vào ốc đảo mùa này cứ hoang vắng mênh mang, trên đò ngoài chúng tôi cũng chỉ có thêm vài ba người nữa vừa đi phiên chợ thị trấn về, lịch kịch bao tải hàng hóa. Phía này là thành Vinh tấp nập, bên kia là thị trấn Nghi Xuân trù phú, ốc đảo nằm lọt thỏm giữa dòng Lam ngăn chia 2 đô thị, chỉ cách mỗi bên có vài trăm mét. Và dù có mang tiếng là được phù sa nặng trĩu của sông Lam bồi đắp, nhưng Hồng Lam trông vẫn còn lắm cằn cỗi và hoang sơ. Hàng chục năm đã qua, Hồng Lam ngày ấy và bây giờ vẫn thế! Cuộc sống lam lũ miền sông nước với cái nghèo, cái khó vẫn cứ ám ảnh người dân nơi đây.
Không ai nhớ nổi con người lên đây lập làng sinh sống từ bao giờ. Đâu như đã hàng trăm năm rồi. Nhiều cụ cao niên kể lại, chỉ biết là trước có hai anh em họ Hồ, vì nhà nghèo không chốn nương thân, đã kéo nhau sang ốc đảo lập nghiệp. Thấy mảnh đất này có người ở, quanh năm cây cối tươi tốt nên nhiều người khác cũng theo sang, lập làng sinh sống cho đến bây giờ.
Ông trưởng thôn bên căn nhà bỏ hoang
Ông Nguyễn Thế Lục, năm nay 48 tuổi, trưởng thôn Hồng Lam cho biết, ông lớn lên ở đây nên khá hiểu rõ về quê hương mình. Diện tích ốc đảo trước rộng lắm, nhưng suốt ngày lũ lụt, sạt lở, rồi cát tặc, nên cứ thu hẹp dần. Dân số thời điểm trước năm 1990, Hồng Lam có tới 1.557 nhân khẩu, từng xin thành lập 1 xã riêng, nhưng chưa kịp thì trận bão năm 1988 đã xóa sổ 2 khu vực khá lớn trên ốc đảo. Gần 40 ngôi nhà trong cùng một đêm vừa trôi sông vừa đổ sập, đó là nhà của các hộ gia đình trẻ mới tách ra ở riêng. Trận bão đã khiến nhiều người dân sợ hãi, cảm thấy cuộc sống của mảnh đất này không lành nữa. Đó cũng là thời điểm dân thi nhau bỏ xứ. Cho đến hôm nay, Hồng Lam chỉ còn 214 hộ với 585 khẩu. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là con số trên giấy tờ, còn sinh sống trên địa bàn, thực tế chỉ còn có 195 hộ.
Hai nghề trồng cói làm chiếu và trồng lạc là sinh kế duy nhất giải quyết cái ăn qua ngày và chuyện học hành của con dân trên đảo. Nhưng rồi, nghề cói cũng trở nên mong manh, nghề trồng lạc cũng trở nên khốn khó. Người dân lần lượt bỏ đi, thôn dần vắng bóng những tiếng cút kít bên khung dệt. Những mỏm đất nhỏ ven sông trồng lạc cũng trở nên
hiu quạnh.
Những sự lạ của ốc đảo
Khi tôi đặt câu hỏi về đặc điểm chung nhất của dân làng Hồng Lam, ông trưởng thôn tâm sự: “100% dân Hồng Lam này, cứ rơi xuống nước là bơi được, bất kể người già hay người trẻ. Đó là kỷ lục đáng buồn hay đáng tự hào? Nhưng vì nhu cầu của cuộc sống nên phải thế thôi!”.
Cũng bởi, cái ốc đảo này vốn đã nhỏ nhoi, lại thường xuyên gánh chịu thiên tai lũ lụt nên dân sống quen với lũ. Mỗi khi có bão, thì người già, phụ nữ và trẻ em đều phải sang bên kia sông hết, chỉ có đàn ông ở lại bảo vệ tài sản.
Tuy nhiên, trận lũ lớn mới đây nhất năm 2010, nước về nhanh quá, lúc đầu mọi người vẫn nghĩ là nước sẽ không dâng cao đến mức ngập nhà cửa. Dù không ai chủ quan, đã kê cao tài sản trong nhà, nhưng chỉ trong một đêm nước lên mênh mông, con người không sao, nhưng mấy chục hécta cói gần đến mùa thu hoạch, cùng một ít ngô trái vụ đã bị nước nhấn chìm. Sáng ra, mọi người chỉ nhìn thấy một biển nước trắng xóa, không còn phân biệt đâu là dòng Lam hung dữ, đâu là ốc đảo nơi mình đang sinh sống và gắn bó nữa.
Người ta bỏ xứ, làng cứ vơi dần đi. Ốc đảo có chợ, chợ heo hắt vốn đã ít người bán, nay lại càng hiếm người mua. Ốc đảo có trạm Y tế nhưng lại không có y bác sỹ. Chỉ có duy nhất một hộ sinh chăm lo sức khỏe cho người dân, nhưng thường xuyên rơi vào cảnh “thất nghiệp” do quá ít ca sinh đẻ. Nếu có ai chẳng may ốm đau giữa đêm thì cố mà chịu cho đến sáng mai mới có đò vào đất liền.
Chỉ có 1 chuyến đò duy nhất qua Hồng Lam
Cũng vì thế, nên số lượng học sinh ngày càng thưa dần, mặc dù ốc đảo mới được đầu tư xây dựng một ngôi trường mới khá bề thế, không hề thua kém những trường học khác ở thị trấn. Tuy nhiên, đó là trường cấp 1, bao gồm 5 lớp, và mỗi lớp... vài học sinh, tổng số học sinh toàn trường cũng chỉ trên con số 20. Trường có 6 cô giáo, bao gồm 1 cô dạy nhạc họa, còn 5 cô phụ trách 5 lớp. Các cô đều ở bên kia sông, hằng ngày qua sông dạy học.
Đã hàng chục năm nay, ngày nắng hay mưa, các cô đều phải lênh đênh trên những chuyến đò, để có thể mang chữ đến cho các em ở thôn “ốc đảo”. Vất vả, hiểm nguy họ không sợ, nhưng nỗi sợ các lớp học cứ vắng dần tiếng học trò.
“Trước, hình như tôi có xem ti vi về một ngôi trường nào đó mà thầy nhiều hơn trò thì phải, chứ nếu không thì ở đây chắc phải đoạt giải trường ít học sinh nhất...”, ông trưởng thôn tếu táo.
Làng không đám cưới
Hồng Lam đã nhiều năm không có đám cưới. Rất nhiều thanh niên trai tráng đã bỏ xứ. Trước đây, việc kiếm sống bằng nghề sông nước, chài lưới còn tồn tại được, giờ người khôn của khó họ không còn tha thiết với làng. Họ lấy vợ, theo chồng xa xứ để không còn phải quay về cái ốc đảo của mình, để tránh cảnh lụt lội hằng năm, để tránh việc phải chờ hàng giờ mới lên được một chuyến đò, để con cái, thế hệ mai sau có đầy đủ điều kiện ăn học tử tế hơn.
Ở ốc đảo, điều dễ nhận thấy là những người trung niên như ông Lục, hoặc già hơn nữa, còn bám trụ, còn thanh niên và trẻ em ngày càng hiếm. Cụ Nguyễn Nuôi, năm nay 90 tuổi, có lẽ là già nhất trên ốc đảo. Cụ Nuôi có 7 người con, hiện tại sinh sống tại làng chỉ có mỗi gia đình anh con út. 6 người còn lại thoát ly hết, chỉ có cụ là vẫn yêu và gắn bó với mảnh đất này nên kiên quyết ở lại. Ngồi kể chuyện làng Hồng Lam, cụ cười: “Những người còn bám lại ốc đảo này bởi họ chưa hoặc không có điều kiện để rời xa nó…”.
Rời ốc đảo vào lúc quá trưa, nhưng bên này sông vẫn thấy thấp thoáng những bóng người nhẫn nại chờ chuyến đò tiếp theo... Chợt nhớ lại lời của trưởng thôn Nguyễn Thế Lục trước khi chia tay: “Chúng tôi luôn mơ đến ngày sẽ có một cây cầu bắc qua sông Lam, nối liền “ốc đảo” với thế giới bên ngoài. Được vậy Hồng Lam mới có cơ hội xây dựng và phát triển. Lúc đó, nhiều người con của làng có thể yên tâm “an cư, lạc nghiệp” trên chính mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình”.
Nhưng đó chỉ là mơ thôi! Bởi, ngần ấy năm qua người dân nơi đây vẫn hằng ngày vật lộn với những con sóng để sang đất liền. Vẫn bền bỉ và chịu đựng mỗi khi bão về, lũ đến. Vẫn còn đó người dân tiếp tục bỏ xứ ra đi vì miếng cơm, manh áo.
Rời ốc đảo, chúng tôi không khỏi chạnh lòng với ngôi làng nhỏ xinh giữa dòng Lam này. Cầu mong đừng để làng... trôi.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh ốc đảo, đường làng xanh rợp bóng cây nhưng tuyệt nhiên không có hàng quán, chỉ có những con đường vắng và những cánh cổng khóa bằng dây cáp và ống khóa hoen gỉ do hơi nước mặn, không khó để nhận ra rất nhiều ngôi nhà đã bỏ hoang. Có nhà, theo ông Lục, là đã bán. Họ cứ khóa cửa lại, không thấy ai quay về nữa.