Trình phương án hạn chế xe cá nhân:

Ô tô mở tài khoản nộp phí, xe máy hạn chế theo vùng?

Từ nay đến năm 2020, thành phố Hà Nội thực hiện giải pháp, ô tô phải mở tài khoản nộp phí, xe máy được phân vùng để hạn chế Ảnh: A.Trọng
Từ nay đến năm 2020, thành phố Hà Nội thực hiện giải pháp, ô tô phải mở tài khoản nộp phí, xe máy được phân vùng để hạn chế Ảnh: A.Trọng
TP - Sau hơn 1 năm triển khai đề án quản lý phương tiện cá nhân, UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo kết quả với HĐND thành phố, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm giảm xe cá nhân. Với kế hoạch từ nay đến năm 2020, thành phố đưa ra hàng loạt giải pháp hạn chế phương tiện bằng việc thu thuế, phí, trong đó có việc yêu cầu chủ xe ô tô phải mở tài khoản nộp phí.

Vận tải công cộng đáp ứng hơn 14%

Theo Nghị quyết về việc thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” (đề án quản lý phương tiện), được HĐND thành phố Hà Nội thông qua năm 2017, UBND thành phố phải báo cáo kết quả triển khai đề án quản ký phương tiện vào dịp cuối năm. Năm nay là năm đầu tiên thành phố Hà Nội triển khai đề án, trong đó có việc yêu cầu chủ xe ô tô phải mở tài khoản nộp phí.

Báo cáo kết quả sau một năm thực hiện, Văn bản số 295/BC-UBND do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký trình kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội vào giữa tuần này cho biết, sau khi đề án được thông qua, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức triển khai. Đến nay tình hình trật tự giao thông đã bước đầu được cải thiện. “Tình trạng ùn tắc giao thông đã từng bước được giải quyết, nếu năm 2016 thành phố có 41 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông thì đến năm 2018 chỉ còn 31 điểm”, ông Chung thông tin.

Trên lĩnh vực vận tải công cộng, ông Chung cho hay, năm 2018 mạng lưới xe buýt đã phủ đến 30 quận huyện, cơ bản phục vụ đến các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp và các khu đô thị mới. Đến nay vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân là 14,1%, con số này năm 2017 là 13,7%.

Cùng với đó, hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư có hiệu quả, trong đó có 11 công trình cầu, 280 công trình đường… điển hình như các dự án đã đưa vào sử dụng như cầu vượt An Dương, đường Hòa Lạc - Hòa Bình… “Những kết quả trên đã góp phần vào việc giúp tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố năm 2018 giảm cả 3 tiêu chí (người chết, bị thương và số vụ)”. Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đánh giá. Đề cập đến các nội dung của đề án đã triển khai hơn 1 năm qua, ông Chung cho biết, hầu hết các giải pháp có lộ trình thực hiện trong 2 năm đầu tiên vừa qua là liên quan đến các chủ trương, chính sách.

Cụ thể, năm 2017 thành phố triển khai 5 nội dung, trong đó Sở GTVT triển khai, hoàn thành cơ bản 3 nội dung, gồm: tuyên truyền, nâng cao chất lượng vận tải công cộng; sửa quy định phương tiện đi vào nội đô; Công an thành phố triển khai, hoàn thành cơ bản 2 nội dung, gồm: quản lý niên hạn sử dụng phương tiện, xử lý xe quá niên hạn. Năm 2018, thành phố triển khai 17 nội dung.

Ngoài Sở GTVT, các nhiệm vụ trên còn được giao cho các sở ngành, đơn vị, gồm: Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT, Sở LĐTB&XH, Sở Tư pháp, Sở KH&ĐT, Tổng Cty Vận tải Hà Nội. Tuy nhiên, theo báo cáo của ông Chung, đến nay mới chỉ có 1 trong tổng số 17 nội dung trên là hoàn thành, 16 nội dung còn lại đang tiếp tục triển khai.

Nội dung đã hoàn thành là: Rà soát, sửa đổi ban hành giá dịch vụ trông giữ xe; 16 nội dung chưa hoàn thành, trong đó có: quản lý xe 4 bánh sử dụng động cơ điện (ô tô điện); thành lập trung tâm quản lý điều hành giao thông chung; rà soát điều chỉnh giờ học, giờ làm; chính sách hỗ trợ người có công khi dừng hoạt động xe ba bánh

Liên quan đến các giải pháp triển khai trong 2 năm tiếp theo, từ năm 2019 đến 2020, ông Chung cho biết, cùng với hoàn thành các nội dung còn tồn tại, trong 2 năm tới, UBND thành phố bắt tay thực hiện các giải pháp trực tiếp để từng bước hạn chế xe cá nhân trong khu vực nội đô. Các giải pháp này được ông Chung đưa ra, gồm: Trước khi dừng hoạt động xe máy ở các quận, thành phố sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy; các khu vực được lựa chọn để thực hiện nội dung này là những khu vực có cơ sở hạ tầng phù hợp và đáp ứng được năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Với ô tô, ông Chung cho hay, thành phố ban hành quy định lắp đặt thiết bị trả phí tự động trên tất cả các ô tô; kèm theo đó, chủ xe ô tô phải mở tài khoản nộp phí.  mỗi chủ phương tiện phải mở tài khoản để phục vụ công tác thu phí phương tiện xe cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố. Các nội dung này đều được UBND thành phố Hà Nội giao cho Sở GTVT Hà Nội chủ trì triển khai.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.