>> Vũng xoáy cuồng yêu: Thoát khỏi vũng lầy yêu
>> Vũng xoáy cuồng yêu: Bi kịch vì được quá yêu!
>> Vũng xoáy cuồng yêu: Lối thoát nằm ở đâu?
Và các bạn trẻ cùng thảo luận những lối thoát ra khỏi “vũng xoáy” này. Dĩ nhiên sẽ không có một lối thoát cụ thể, duy nhất; mỗi bạn trẻ khi lọt vào “vũng xoáy” sẽ có cách ngược ra riêng của mình.
Chia tay cũng cần có kỹ năng, “cắt cái rụp” khiến người bạn mình hụt hẫng, dễ tổn thương và dễ “sinh bệnh”, có khi rơi vào trạng thái mất cân bằng gây ra hành vi xấu - Ảnh: Quân Nam. |
Không ai dạy cách yêu, cách chia tay
Xem xong đoạn clip học sinh lớp 6 đánh ghen do buổi tọa đàm cung cấp, bạn Trần Giang Nam (19 tuổi, Q.1) ngập ngừng phát biểu: “Tôi thấy các em... đáng thương. Chung quy các em không được giáo dục, định hướng kỹ càng từ sớm mới có hành vi ghê gớm như vậy”.
Yêu cũng phải tỉnh táo Với các bạn nữ tham dự tọa đàm, phương án dự phòng là không quan hệ trước hôn nhân hoặc không đồng ý cho bạn trai quay lại cảnh thân mật, tránh “sống thử”, tiết lộ quá nhiều bí mật để đề phòng bị “nắm thóp” khi cơm không lành canh không ngọt. “Khi yêu, các bạn nữ cần mắt nhắm mắt mở, tránh... nhắm cả hai mắt, mặc cảm xúc dẫn dắt để rồi “lọt hố” lúc nào không hay”, bạn Trần Thị Khánh Vân (23 tuổi, Q.Thủ Đức) nói. |
Nhiều ý kiến đồng tình. Nguyễn Đăng Khoa (Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM) nêu một điểm đáng chú ý: chẳng trường học nào dạy... cách yêu, càng không dạy cách chia tay! Nhiều người lớn vẫn đinh ninh yêu đương là vấn đề thuộc về bản năng, tự khắc biết, chẳng cần dạy dỗ nên mới dẫn đến những hệ lụy đau lòng.
“Phải chi ba mẹ, nhà trường, xã hội quan tâm hơn đến việc giáo dục kỹ năng vượt qua cú sốc tâm lý cho các em, dạy các em biết định hướng cuộc đời mình vào nhiều mục tiêu thay vì dồn hết tâm trí, tình cảm vào một người thì có lẽ đã không xuất hiện nhiều người trẻ phát cuồng khi gặp trúc trắc trong tình yêu như hiện nay”, Khoa nói.
Ngoài ra, sự nảy nở tràn lan của game bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy trên Internet cũng là nguyên nhân dẫn đến khuynh hướng suy nghĩ và hành động tiêu cực ở một bộ phận giới trẻ, theo bạn Văn Thị Nhật Tân (26 tuổi, Q.10). Bạn kể ở nhà, đứa cháu 4 tuổi đã xem những bộ phim hoạt hình có nội dung các cặp đôi... sống chết có nhau thì khó tránh khỏi nhiễm lối suy nghĩ, hành vi “sống chết vì tình yêu” mới là chân chính (!).
Tựu trung, các bạn trẻ tham dự diễn đàn đều thống nhất rằng giới trẻ đang bị thảy ra giữa vũng xoáy của những giá trị sống bị đảo lộn mà không có hoa tiêu chỉ đường, chiếc neo quản lý nên dễ mất phương hướng, lạc lối trong việc giải quyết các vấn đề cuộc sống.
Nới từ từ, đừng cắt cái rụp!
Từ thực trạng kẻ cuồng yêu có thể xuất hiện ở bất cứ ai, đến từ bất kỳ độ tuổi hoặc thành phần xã hội, các bạn đã đề xuất những con đường để tìm ra lối thoát, không trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm trong những vụ án cuồng yêu ghê rợn. Trong đó, phương pháp can thiệp sớm của “người thứ ba” được diễn đàn đặc biệt lưu tâm.
Bạn Lê Thanh Bình (33 tuổi, sĩ quan) khuyến khích các bạn khi gặp phải những trở ngại trong yêu đương nên tìm người giãi bày chứ không “khư khư giữ nỗi niềm” rồi tự ý hành động. “Người thứ ba” còn bao gồm các tổ chức đoàn thể, hội nhóm nếu tình hình có vẻ nghiêm trọng lên. Những lớp học, tour vui chơi kết hợp rèn luyện các kỹ năng cần có trong tình yêu cho các cặp đôi, lồng ghép nhiều nội dung giáo dục giới tính, cách thể hiện tình yêu văn minh... cũng có thể giúp tình yêu không rơi vào chỗ “cuồng yêu”.
Diễn đàn bóc tách: một nguyên nhân khác dung dưỡng đất sống cho chứng cuồng yêu “lộng hành” còn là sự vô cảm của xã hội, thái độ bàng quan của người thực thi luật pháp. Đăng Khoa bức xúc: hiện nay chỉ những vụ tung clip sex nào tạo được dư luận xã hội, báo chí phản ánh rùm beng mới thấy cơ quan chức năng vào cuộc. Trong khi nếu bất kỳ hành vi tung clip sex nào cũng bị công an “sờ gáy”, phạt nặng, thậm chí bỏ tù thì chẳng ai dám vịn vào những thước phim nhạy cảm để uy hiếp người yêu nữa.
Tuy nhiên, các bạn đồng tình rằng giải pháp tối ưu vẫn là “phòng cháy hơn chữa cháy”. “Khi yêu ai cũng muốn đến được với nhau, nhưng đôi khi cũng nên đặt vấn đề với bạn mình: nếu ta chia tay, anh/em sẽ thế nào?”, Khoa hỏi. Khoa cho rằng đọc báo thấy hầu hết nạn nhân của các vụ án cuồng yêu đều có quyết định chia tay đột ngột, hành động này dễ gây sốc cho người còn lại, đặc biệt với những người thiếu hụt kỹ năng chấp nhận và giải quyết tình huống. Theo Khoa, mối dây tình cảm nên được nới lỏng từ từ thay vì “cắt cái rụp”, gây “chấn thương” cho người trong cuộc.
Theo Tuổi trẻ