Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương, sáng 20/12. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tới dự và phát biểu.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, 2023 là năm có rất nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, nền kinh tế đã vượt qua những khó khăn, thách thức. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD.
“Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương”, bà Thắng cho hay.
Xuất khẩu tăng trưởng, xuất siêu thặng dư gần 30 tỷ USD là điểm sáng của ngành công thương năm nay. |
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng kinh tế trong các năm trước nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn, kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương những thành tích ngành Công Thương đạt được trong năm cho rằng, ngành công thương hiện nay đặt ra nhiều vấn đề. Đằng sau các con số là cả quá trình nỗ lực phấn đấu, hy sinh, phải vật lộn với những khó khăn, thách thức. Cụ thể, trong hai tháng đầu của năm 2023, toàn ngành công nghiệp Việt Nam đã chứng kiến sự suy giảm mạnh, với tốc độ tăng trưởng âm 6,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9%, điều chưa từng xảy ra trong suốt hơn 20 năm qua.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều điểm yếu của ngành công thương cũng phải thẳng thắn nhận diện những tồn tại, những điểm yếu cần tập trung xử lý, khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục thực hiện đổi mới trong sản xuất. Không đổi mới thì không thể thay đổi được năng lực sản xuất, thay đổi được thu hút đầu tư, chuyển đổi từ “sản xuất ‘nâu’ sang sản xuất ‘’xanh’. Việc này đòi hỏi sự thay đổi về tư duy, cách tiếp cận.
Một thông điệp khác được lãnh đạo Chính phủ nhắc lại với Bộ Công Thương chính là không được để xảy ra tình trạng thiếu các nguồn năng lượng cơ bản như xăng, dầu, than điện. Bộ Công Thương cần tiếp tục, kiểm điểm một cách nghiêm túc đâu là nguyên nhân chủ quan và khách quan. Điều này liên quan đến việc thu hút đầu tư, thương mại của đất nước. Cùng đó, giải bài toán công nghiệp hiện chủ yếu phụ thuộc vào khối FDI, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thông minh phát triển chậm… cũng là yêu cầu đặt ra với Bộ Công Thương.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương cần sớm rà soát ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, trong đó nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, của nền sản xuất Việt Nam theo hướng chú trọng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế. Cùng đó, xác định rõ vai trò của phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, cơ bản và cả xác định ‘lối đi’ cho việc phát triển ngành công nghiệp nền tảng, bán dẫn trong thời gian tới. Theo đó, Việt Nam phải xác định làm gì trong lĩnh vực bán dẫn, làm thiết kế, phát triển sản phẩm, kiểm nghiệm hay đóng gói… Còn nếu không xác định được, sẽ có tình trạng lãng phí, thiếu hụt nguồn nhân lực.
“Bộ Công Thương phải là nhạc trưởng trong cả công và thương. Những gì đã qua là bài học và bài học đó sẽ có ý nghĩa trong tương lai. Ở đâu đó có sự vấp ngã, Chính phủ rất hiểu và mong các đồng chí đứng lên. Mong các đồng chí là các cán bộ công chức có trách nhiệm. Sứ mệnh của ngành công thương rất lớn lao trong việc tự cường, tự chủ của đất nước”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành quán triệt, tiếp thu và triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại hội nghị đồng thời, tập trung thực hiện tốt 5 giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành.