Ồ ạt phá bỏ vườn dừa: Điệp khúc trồng, chặt

Dừa ế ẩm lên chồi Ảnh: P.V
Dừa ế ẩm lên chồi Ảnh: P.V
TP - Sau cây lúa, cây dừa ở ĐBSCL là nguồn thu chủ lực. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay dừa liên tiếp rớt giá, giảm 10 lần so với đầu năm khiến nông dân nhiều nơi bắt đầu đốn bỏ dừa trồng cây khác. Bài học luẩn quẩn "trồng-chặt-trồng" vẫn đang bủa vây nông dân.

> Giá dừa khô cao chưa từng thấy

Rủ nhau chặt dừa, trồng lác

Nguyên nhân chính khiến giá dừa giảm là các sản phẩm có nguyên liệu sản xuất từ dừa và dừa khô nguyên trái bị các thương lái Trung Quốc ngưng nhập khẩu, dẫn đến tình trạng "khủng hoảng thừa".

Từ đó, kéo theo nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sản xuất dừa trong và ngoài tỉnh phải cắt giảm sản lượng sản xuất.

Riêng tỉnh Trà Vinh, diện tích trồng khoảng 15.000 ha dừa, hằng năm cho sản lượng khoảng 140 -150 triệu trái, chủ yếu trồng tập trung tại các huyện như Càng Long 4.500 ha, huyện Tiểu Cần 2.540 ha và huyện Cầu Kè 1.200 ha…

Lâu nay, từ 60 đến 70% sản lượng dừa của Trà Vinh được bán cho thương lái Bến Tre để xuất khẩu (nguyên trái) sang thị trường Trung Quốc.

Tại cơ sở sản xuất, thu mua dừa trái, sản xuất tơ xơ dừa đóng kiện của ông Giả Văn Mừng ở ấp Đại Đức (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long) trong những ngày này chỉ hoạt động cầm chừng, do đầu ra của sản phẩm không tiêu thụ được.

Ông Giả Văn Mừng, cho biết: ”Trước đây, mỗi ngày cơ sở thu mua 30-40 thiên dừa, nay chỉ còn 2 - 3 thiên dừa/ngày; cơ sở trước đây thu hút từ 140 đến 150 lao động, nay giảm chỉ còn 50 lao động. Để duy trì số lao động trên, buộc cơ sở phải cố gắng sản xuất cầm chừng. Về sản phẩm làm ra (tơ xơ dừa, mùn dừa đóng kiện) của cơ sở trước đây chủ yếu xuất bán cho Trung Quốc, nay sản lượng tiêu thụ giảm trên 85%, hiện cơ sở chỉ còn bán cho các đại lý bánh kẹo và mùn dừa tiêu thụ nội địa”.

Hiện nay, giá dừa thu mua tại các cơ sở ở Trà Vinh dao động 14.000 - 15.000 đồng/chục (12 trái), còn các lái đến tận nhà hái và thu mua khoảng 11.000 - 13.000 đồng/chục (tùy loại).

Với giá giảm như vậy, nhưng cũng khó tiêu thụ. Nhiều gia đình trồng dừa "bóp bụng" nhìn những trái dừa khô một thời được tranh mua, nay đang nằm chờ lên mộng.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, ở ấp số 3, xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long (Trà Vinh) nói: "Nông dân rất khổ về cây dừa, giá cả không ổn định; bây giờ giá dừa chỉ có 11.000 - 12.000 đồng/chục nhưng lại không có người mua. Trái dừa nào quá khô, thương lái bảo là hôi dầu nên khó bán được cho các cơ sở sản xuất, vì vậy gia đình tôi có hàng trăm dừa phải bỏ lại vườn nằm chờ lên mộng”.

Anh Thái Ngọc Vũ cay đắng nhìn vườn dừa vừa phá bỏ để chuyển sang trồng lác
Anh Thái Ngọc Vũ cay đắng nhìn vườn dừa vừa phá bỏ để chuyển sang trồng lác.

Trước tình trạng giá dừa sụt giảm, một số nông dân xã Đức Mỹ (huyện Càng Long) đã chặt dừa chuyển sang trồng lác. Mặc dù những cây dừa này đang trong giai đoạn mới ra lưỡi mèo (khoảng 3 - 4 năm tuổi).

Theo cán bộ nông nghiệp xã Đức Mỹ, hiện toàn xã có khoảng 20 hộ vừa chặt dừa, chuyển sang trồng cây lác, với diện tích gần 3 ha. Chúng tôi tìm đến gia đình ông Thái Ngọc Vũ, ở ấp Mỹ Hiệp, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh), được biết anh vừa chuyển đổi gần 1.200 m2 đất trồng dừa sang cây lác.

“Với giá dừa hiện nay, gia đình nào sống chủ yếu dựa vào diện tích trồng chuyên canh dừa gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây với diện tích trên 1,5 ha trồng dừa, hằng tháng gia đình tôi thu 7 - 8 triệu đồng, nay chỉ còn 600.000 - 700.000 ngàn đồng. Trong khi đó, với giá lác hiện nay, bình quân trồng 1.000 m2 cũng kiếm được 10 - 12 triệu đồng/tháng, nên gia đình đã chặt bỏ 23 - 25 cây dừa (4 năm tuổi) để ban đất vườn dừa xuống chuyển sang trồng cây lác", ông Thái Ngọc Vũ nói.

Ông Lê Trung Thương- ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, lo lắng: "Gia đình hiện có 10 công dừa hơn 10 năm tuổi, mỗi tháng thu hoạch được 800 - 1.000 trái, nhưng dừa hái xuống cũng chỉ đắp đống, không ai mua. Dù xót công trồng dừa bao năm nhưng gia đình cũng đang tính chuyện chặt dừa. Nhưng chặt dừa cũng chưa biết trồng cây gì để tránh điệp khúc "trồng-chặt - trồng".

Tại tỉnh Bến Tre, quê hương của dừa, đây cũng là nơi các thương lái tụ hội thu mua dừa từ Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang về, trước khi chế biến hoặc xuất khẩu thô.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre, cho biết, mỗi năm có khoảng 300 triệu trái dừa từ các tỉnh lân cận đổ về Bến Tre.

Hiện việc xuất khẩu dừa thô, cũng như chế biến các sản phẩm từ dừa đều gặp khó khăn. Đây cũng là nguyên do chính khiến dừa rớt giá, việc mua bán dừa nhiều nơi ngưng đọng.

Giá dừa khô tại Bến Tre đang được thương lái thu mua 15.000 - 20.000 đồng/chục (12 trái), thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và chỉ bằng 1/10 so với cùng thời điểm năm ngoái. Mỗi hộ dân trồng dừa Bến Tre chỉ có khoảng 0,4 - 0,5 ha dừa. Năng suất một tháng khoảng 1.000 trái/ha. Như vậy, thu nhập chính của khoảng 50.000 hộ dân chủ yếu sống nhờ vào vườn dừa, nhưng hiện một tháng thu nhập giảm còn chưa tới 1 triệu đồng.

Chưa có lối thoát

Cơm dừa nạo sấy là sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp chế biến dừa Bến Tre, chiếm hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh trong năm 2011. Thị trường xuất khẩu là Hoa Kỳ, Trung Đông và một số nước châu Âu.

Tổng công suất của các nhà máy cơm dừa trong tỉnh khoảng 1 triệu trái/ngày, tức là một năm khoảng 350 triệu trái, hơn ¾ tổng sản lượng dừa của tỉnh. Dừa khô xuất khẩu mỗi năm khoảng 100 triệu trái. Sản lượng dừa riêng tỉnh Bến Tre, hằng năm 420 triệu trái.

Thực tế, các nhà máy cơm dừa nạo sấy thường xuyên hoạt động khoảng 50% công suất. Vào chính vụ hiện nay (dừa mùa mưa cho trái gấp 2-2,5 lần mùa khô), cơm dừa nạo sấy thành phẩm của các doanh nghiệp tồn đọng quá nhiều, đã đầy kho chứa.

Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn trong khi lượng đơn hàng giảm mạnh nên sản phẩm làm ra không bán được. Một số doanh nghiệp đã tự hạ giá sản phẩm để cạnh tranh dẫn đến tình trạng bị o ép, đối tác tiếp tục chờ giảm giá thêm nữa thay vì đặt mua sản phẩm.

Xuất khẩu dừa khô cũng gặp nhiều khó khăn. Mỗi năm Bến Tre xuất dừa khô khoảng ¼ sản lượng, chủ yếu cho thị trường Trung Quốc. Hiện dừa khô tồn đọng khoảng 60 triệu trái.

UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các cấp các ngành cứu nguy cho người trồng dừa. Sở Công thương vừa có cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa chủ chốt của tỉnh, hai nội dung chính là yêu cầu các doanh nghiệp thống nhất mức giá mua dừa nguyên liệu và mức giá cơm dừa nạo sấy xuất khẩu.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hiệp hội dừa Nguyễn Văn Đắc cho rằng, chưa có lối thoát cho cây dừa ĐBSCL. Do vậy, vừa qua rất nhiều hộ nông dân trồng dừa tại huyện Giồng Trôm (Bến Tre) kiến nghị xin được xét là hộ nghèo tại các buổi tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII. Và nhiều nơi, nhà vườn đã và đang chặt bỏ cây dừa.

Ông Trần Trung Hiền - Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh khuyến cáo nông dân: "Trong sản xuất không nên nóng vội chạy theo thị trường, do cây dừa là cây lâu năm và thời gian thu hoạch có thể kéo dài vài chục năm, nên giá trị cây dừa là rất lớn.

Hiện nay do khủng hoảng kinh tế, các nước tiêu thụ dừa trong ngành công nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, đây cũng là chu kỳ của kinh tế thị trường.

Nông dân phải bình tĩnh và có hướng đi đúng, tránh tình trạng như trước đây có lúc nhà vườn chặt bỏ cây nhãn trồng cây bưởi nhưng hiện nay thì giá nhãn lại tăng cao trở lại.

Sở NN&PTNT Trà Vinh đang hướng dẫn nông dân tìm giải pháp nâng cao giá trị vườn dừa bằng việc xen canh trong vườn dừa như ca cao, trồng cỏ nuôi bò và chuyển đổi diện tích vườn dừa lão hóa bằng các giống dừa mới cho năng suất, chất lượng cao”.

Ông Nguyễn Hữu Thảo - Phó Giám đốc Sở Công Thương Trà Vinh, cho biết: UBND tỉnh đang chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp "kích cầu" cho trái dừa cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác của tỉnh.

Tới đây sẽ đưa thông tin các sản phẩm dừa, gạo, thủy sản…lên sàn giao dịch điện tử. Chúng tôi đang thực hiện gắn kết giữa doanh nghiệp (ngành sản xuất, chế biến dừa và các sản phẩm nông - lâm thủy sản khác) với ngân hàng trong việc tạo điều kiện, cung cấp thông tin nhằm giúp doanh nghiệp chế biến tiếp cận được nguồn vốn nhanh nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG