Ồ ạt đầu quân môi giới địa ốc

Môi giới địa ốc đang xuất hiện nhiều nhân sự từ các ngành: tài chính ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ viễn thông, kiến trúc dịch chuyển sang vì hoa hồng cao. Ảnh: Vũ Lê
Môi giới địa ốc đang xuất hiện nhiều nhân sự từ các ngành: tài chính ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ viễn thông, kiến trúc dịch chuyển sang vì hoa hồng cao. Ảnh: Vũ Lê
Thanh khoản bất động sản tăng mạnh, hoa hồng hàng trăm triệu đồng, bằng cả năm đi làm đã hút nhân sự nhiều ngành khác chuyển sang làm môi giới địa ốc.

Chị Vy tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, làm việc cho công ty xây dựng tại quận 3, TP HCM được một năm thì chuyển  nghề môi giới bất động sản tại quận 7. Chịu áp lực thử việc vài tháng, cô nhân viên trước đây chỉ ngồi bàn giấy đã bán được căn hộ 3 phòng ngủ dự án Vinhomes, Bình Thạnh. Vy vừa nhận hoa hồng 3%, tương đương 110 triệu đồng, bằng thu nhập cả năm.

Nữ nhân viên môi giới này chia sẻ với VnExpress: “Tôi hài lòng với công việc mới ở sàn giao dịch địa ốc vì phí hoa hồng xứng đáng. Mỗi giao dịch thành công tôi được trả phí 2-3% giá trị sản phẩm, tương đương cả năm thu nhập trước đây”.

Vy nhẩm tính, nếu giờ này vẫn còn làm ở công ty kiến trúc hoặc ngành xây dựng, thu nhập hàng tháng chỉ hơn 10 triệu đồng, vị chi 120 triệu đồng một năm nhưng chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống đắt đỏ ở Sài Gòn, không tích lũy được gì nhiều. Công việc môi giới ngoài thách thức của môi trường mới thì động lực bán hàng cao cũng giúp khả năng kiếm tiền, tích lũy tài chính tốt hơn. “Thay vì vùi đầu vào bàn giấy chỉ đủ lo cơm áo gạo tiền, giờ đây lúc cao điểm tôi tập trung cho chiến lược bán hàng. Còn khi thấp điểm có thể an tâm xả hơi mà vẫn đảm bảo thu nhập”, Vy tâm sự.

Trong khi đó, đầu tháng 1/2015, anh Sang từng là giám đốc chi nhánh một công ty lắp đặt viễn thông và công nghệ cũng chính thức chuyển sang nghề môi giới nhà đất. Khi bị hỏi về động cơ nhảy việc, anh Sang giải thích, ở tuổi 36, bám trụ ngành viễn thông được chục năm nhưng thu nhập của anh chỉ tầm 1.000 USD một tháng, thấp hơn trách nhiệm dành cho công việc. Cuối năm mức thưởng cao nhất là 2-3 tháng lương, nhưng tham vọng của anh nhiều hơn thế.

Môi giới địa ốc đang xuất hiện nhiều nhân sự từ các ngành: tài chính ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ viễn thông, kiến trúc dịch chuyển sang vì hoa hồng cao. Ảnh: Vũ Lê

Anh Sang kể, nhìn vào bảng lương thường xuyên có cảm giác chưa được đền đáp thỏa đáng, trong khi khả năng tăng thu nhập hầu như không cao. Một gói dự án phải theo đuổi vài tháng trời mới thu được tiền, thậm chí là cả năm. Vì vậy,  anh giám đốc này nhảy việc, đầu quân làm môi giới địa ốc với kỳ vọng có nhiều thách thức mới, đồng thời lương thưởng, hoa hồng tương xứng với năng suất lao động và trách nhiệm bỏ ra. "Điều kiện khiến tôi mạnh dạn chuyển nghề là tôi có mối quan hệ rộng, kỹ năng bán hàng tốt, phù hợp với nghề môi giới địa ốc trong bối cảnh thanh khoản thị trường này tăng tốc mạnh", anh Sang nói.

Trường hợp của anh Hào, tốt nghiệp ngành luật, kinh qua 5 năm làm bảo hiểm và ngân hàng cũng vừa chuyển nghề môi giới được gần 2 tháng. Hào khoe, tuy mới vào nghề 7 tuần nhưng anh đã bán được 3 căn hộ cao cấp, tiền hoa hồng lên đến 300 triệu đồng, gấp đôi thu nhập cả năm ngoái.

Anh Hào phân tích, áp lực của môi giới nhà đất rất lớn, đòi hỏi lòng kiên nhẫn và sự bền bỉ, guồng quay công viêc mùa cao điểm thường nhanh và quá tải, căng thẳng thường xuyên. Thế nhưng khi có giao dịch thành công và nhận hoa hồng thì mọi nỗ lực đều xứng đáng. "Có thể nói là người làm ngành này phải chấp nhận chịu đấm ăn xôi", anh nói.

Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn Land, Nguyễn Khải Hoàn cho biết, trong vòng 3 tuần đầu tiên của tháng 1/2015, toàn hệ thống sàn giao dịch của doanh nghiệp đón nhận gần 50 nhân sự mới ứng cử vị trí môi giới bất động sản. Đây là con số kỷ lục tại sàn này trong thời điểm cuối năm. Các nhân sự mới có đặc điểm là dịch chuyển từ ngành khác sang như: ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, kiến trúc...

Lý giải về sự dịch chuyển này, ông Hoàn cho rằng có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là thanh khoản bất động sản đang trên đà tăng, số lượng giao dịch thành công vượt xa hơn kỳ vọng, xuất phát từ tâm lý thị trường địa ốc tốt dần lên. Thứ hai là nguồn cung bất động sản tăng đột biến với nhiều dự án mới bung hàng, dự án cũ hồi sinh khiến nhu cầu tuyển dụng ngành địa ốc vọt lên đáng kể, hút cả nhân sự các ngành khác sang. Thứ ba là tư duy làm công ăn lương đã dần thay đổi, người lao động đã trở nên thực tế hơn, họ khát khao được làm những công việc được trả lương xứng đáng với công sức bỏ ra nên cởi mở với ngành bán hàng ăn hoa hồng.

Theo ông Hoàn, tuy hoa hồng của một sản phẩm địa ốc rất cao (2-4% giá trị hợp đồng) nhưng để môi giới thành công cũng đầy gian nan. Môi giới phải hiểu dự án nhưng đồng thời cũng phải nắm được tâm lý "thượng đế" và không ngừng làm giàu dữ liệu khách hàng. "Khó làm nhưng thành quả đạt được thường hậu hĩnh. Nếu môi giới giỏi, mức thu nhập hàng tháng 50-100 triệu đồng là bình thường", ông Hoàn nói.

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Xanh, Nguyễn Khánh Hưng cho rằng một trong những nguyên nhân số lượng người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản tăng mạnh vì tiền hoa hồng đã tăng 1,7 lần so với 2 năm qua.

Theo ông Hưng, khoản tiền hoa hồng tăng lên khi áp lực bán hàng ngày càng lớn và tăng độ khó. Riêng tại hệ thống sàn giao dịch của Đất Xanh, lực lượng môi giới mới vẫn tăng đều trong vòng 24 tháng qua và cũng xuất hiện nhân sự từ các ngành khác dịch chuyển sang.

Tăng trưởng thu nhập của môi giới bất động sản đạt 10-20% trong năm qua, đây là mức lý tưởng. "Khi đột biến, thanh khoản thị trường lên cao, môi giới còn nhận hoa hồng vài trăm triệu đồng một tháng, thậm chí là bạc tỷ nên nhân sự các ngành khác bị hút về là bình thường", ông Hưng đánh giá.

Theo Vũ Lê

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG