Cuối năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt dự án đầu tư khu TĐC để di dân 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ nằm trong vùng ô nhiễm bán kính 500m. Tuy nhiên, 3 năm trôi qua, việc di dời vẫn chưa thực hiện được.
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại thôn 3, thôn 7, xã Hồng Kỳ, nơi bố trí 7,5 héc ta để thực hiện dự án nói trên cho thấy, công tác xây dựng hạ tầng đang được khẩn trương triển khai. Hiện tại, đơn vị thi công đang đặt ống cống và san nền các tuyến đường ngang. Trao đổi với PV, một công nhân ở đây cho biết, cơ bản đã giải phóng được 90% mặt bằng (GPMB), chỉ còn một vài hộ dân chưa đồng ý với mức đền bù.
Từ khu TĐC mới, có thể dễ dàng nhìn thấy những núi rác chất đống tại bãi Nam Sơn và cả những cần cẩu đang cấp tập thi công Dự án điện rác Sóc Sơn. Khu TĐC chỉ cách bãi rác 1.400m. Tỉnh lộ ngang khu TĐC dù đang giờ trưa nhưng tấp nập xe rác đi lại, bụi và mùi rác xú uế xộc lên.
Anh Tuấn, người dân ở thôn 1, khu vực giáp ranh bãi rác thuộc xã Hồng Kỳ cho biết, người dân ở thành phố mới bị tắc rác vài ngày đã khó chịu, không thở nổi, thử hỏi người dân ở đây sống chung 21 năm với bãi rác cảm giác sẽ như thế nào? Anh Tuấn nói vui, nhà anh có “mặt tiền bãi rác”, do nhà ở ngay trước khu vực di dân 500m. Ở cách núi rác khoảng 550m, hầu như gia đình anh không nhận được đền bù gì.
“Gần đây, mùi xú uế bốc lên ngột ngạt vô cùng, nhà đóng cửa cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn thấy mùi rác. Ruồi nhiều vô kể”, anh Tuấn nói. Anh Tuấn đề nghị có cơ chế đền bù mở rộng hoặc có thêm hỗ trợ phí môi trường cho người dân ít nhất 10.000 đồng/người/ngày.
Ông N (xã Hồng Kỳ) cho biết thêm, gia đình không có điều kiện và cũng không muốn đến khu TĐC. Nguyên nhân là đất có sổ đỏ được đền bù có 866.000 đồng/m2, trong khi đất khu TĐC cao hơn 3 - 4 lần. Chưa kể, khu vực đó đúng hướng gió thổi từ bãi rác, không thoát khỏi mùi hôi thối, vậy di dân để làm gì?
Ông Nguyễn Đình Văn, thôn Lai Sơn, xã Nam Sơn cho biết, gia đình ông thuộc diện di dân vào khu TĐC Nam Sơn, tuy nhiên nhiều năm vẫn chưa di dời được do vướng mắc về chính sách đền bù. “Gia đình nhiều thế hệ, chia đất cho con cái để xây nhà cửa. Cùng mảnh đất được cấp sổ đỏ nhưng lại không được hưởng đền bù cùng hạn mức. Cùng 1 dự án mà có 2 chính sách đền bù, chúng tôi không đồng tình”, ông Văn nói.
Rút kinh nghiệm lựa chọn khu TÐC
UBND huyện Sóc Sơn thông tin, Dự án di dân vùng ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường do bãi rác Nam Sơn có tổng diện tích khoảng 381ha, trong đó xã Bắc Sơn là 139 ha; xã Nam Sơn 143ha; xã Hồng Kỳ là 99ha. Hiện tại, chính quyền mới phê duyệt được đất nông nghiệp khoảng 73ha. Trong đó, địa phận xã Nam Sơn đã đền bù 320 tỷ đồng, thu hồi 52,5ha/54,3ha; địa phận xã Hồng Kỳ đền bù số tiền 134 tỷ đồng, thu hồi 21,1ha/22ha; xã Bắc Sơn gần như chưa thực hiện.
Huyện đã chuẩn bị 6 khu TĐC để di dân. Cụ thể, 2 khu TĐC Thanh Hà (xã Nam Sơn) rộng 1,5ha; khu Tiên Chu (xã Bắc Sơn) rộng 2,2 ha. 3 khu TĐC đang xây dựng bao gồm: Khu TĐC Nam Sơn đã triển khai đạt 90%; khu TĐC Bắc Sơn đã đăng thông báo mời thầu, dự kiến triển khai vào tháng 11/2020; khu TĐC Hồng Kỳ đã có mặt bằng khoảng 70%. Và khu TĐC thôn Ninh Liệt (xã Hồng Kỳ) UBND huyện Sóc Sơn đã trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đáng chú ý, giá khu đất TĐC khá cao, đơn cử như khu TĐC Hồng Kỳ, vị trí mặt đường 35 có giá đến 5.414.000 đồng/m2, vị trí ở bên trong cũng có giá hơn 4.000.000 đồng/m2.
Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ Trần Ngọc Hà cho biết, khu TĐC Hồng Kỳ chỉ còn 13 hộ dân đang vướng mắc về chính sách đền bù, sẽ sớm hoàn thành. Lý do chọn vị trí này bởi đây là khu nằm ngay mặt tỉnh lộ 35, giao thông thuận tiện.
Về việc người dân cho rằng, vị trí quá gần bãi rác nên sẽ không vào ở, lãnh đạo xã thông tin: “Một số người dân đã đồng ý vào ở. Ngoài ra, khi xét vị trí, các lãnh đạo xã (trước đây -PV) cũng có hỏi ý kiến người dân rồi mới đề nghị huyện cho làm. Hiện nay, xã cũng đã có văn bản đề nghị xây khu TĐC tại thôn 9, hiện đang chờ UBND thành phố phê duyệt”.
Về việc quản lý xây dựng tại các vùng di dân, lãnh đạo xã cho biết, đất ở nông thôn theo quy định xây dựng không phải xin cấp phép, nên xã không có hồ sơ quản lý. Chính quyền xã đang làm ngày, làm đêm phối hợp với huyện Sóc Sơn phúc tra lại đất đai của các hộ dân để đảm bảo lên phương án công bằng, chính xác.
Tại buổi đối thoại với người dân 3 xã, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, bãi rác Nam Sơn có rất nhiều vấn đề, Thành ủy đã có những cơ chế chính sách cố gắng hỗ trợ cho người dân. Những nội dung nào vượt thẩm quyền của thành phố sẽ được đề xuất lên Trung ương.
“Thành phố Hà Nội yêu cầu sở TN&MT cử 30 cán bộ xuống phối hợp cùng các đơn vị khác trực tiếp xuống địa phương để giải quyết vướng mắc về GPMB, xử lý ô nhiễm rò rỉ nhanh để kịp tiến độ, đảm bảo từ nay đến Tết Âm lịch phải giải quyết xong”, ông Hùng nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đề nghị huyện Sóc Sơn rút kinh nghiệm về việc lựa chọn khu TĐC cho người dân, người dân muốn ở đâu thì cần phải chiều người dân, cho làm ở đó.