Nương tựa bóng già

Nương tựa bóng già
TP - Khi tôi đến, bé Mai Phương ở thị trấn Trần Phú (Văn Chấn, Yên Bái) gần ba tuổi cứ áp chặt mảnh giấy nhỏ vào ngực và luôn miệng Của con, của con chứ. Bà nội gỡ tay đứa bé. Trong lòng bàn tay xinh xinh là tấm ảnh thẻ của mẹ bé. Một năm tròn, nó luôn nhìn ra cửa ngóng: Mẹ đi ngủ lâu vậy, sao không về với con và ông bà.

>> Kỳ 1: Đừng tuyệt vọng

Lá xanh lìa cành...

Nương tựa bóng già ảnh 1

Ông bà Sam gần 70 tuổi chăm sóc Mai Phương. Ảnh: P.H

“Máu ở đâu mà nhiều thế này? Ái ơi, tỉnh lại đi em”  - Người đàn ông trẻ dân tộc Tày Hoàng Hữu Sáu hét lên rồi ôm lấy thi thể vợ lạnh ngắt trên giường bệnh.

Sinh con thứ hai, Dương Kim Ái (sinh năm 1978), dân tộc Dao vẫn chưa hề hay biết mình bị nhiễm HIV cho đến khi chị thấy mình sút cân nhanh, ốm đau liên miên, nhập viện, và đi xét nghiệm.

Hỏi chồng, anh thừa nhận trong những ngày đi làm xa đã quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm. Gia đình cô vội vã đưa hai con gái đi xét nghiệm. Cả gia đình cô duy nhất đứa con gái đầu thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo, đứa con gái nhỏ mười mấy tháng tuổi cũng có HIV.

Người phụ nữ quanh năm lam lũ với ruộng đồng, đồi chè và chăm sóc chồng con chọn cách kết thúc cuộc đời bằng nhát cứa nơi cổ tay khi cô bước sang tuổi 30. Đó là một ngày đầu tháng 3/2008.

Sau ngày vợ mất, Sáu cũng liệt giường với những cơn đau đớn khi ở giai đoạn cuối của bệnh AIDS. Gia đình vừa làm cơm 100 ngày cho Ái, chồng cô cũng trút hơi thở cuối cùng. Mái đầu xanh của hai đứa bé lên bảy và lên hai tuổi tang chồng tang...

Trước khi bố mẹ chúng qua đời, ông bà ngoại của hai bé đều bị tai biến mạch máu não liệt nửa người. Ông bà nội tuổi gần 70 lọ mọ đêm hôm chăm sóc và nuôi dưỡng hai cháu thơ dại và hương khói cho những đứa con.

Giọng trầm buồn, ông Hoàng Hữu Sam, ông nội của bé Phương kể: “Hôm qua giỗ mẹ, con chị thút thút khóc, đứa em thì cứ gọi bác - chị gái của bố nó  - bằng mẹ. Nó chỉ mong mẹ về thôi...”.

“Sao cha mẹ không về”

Căn nhà nhỏ nơi vợ chồng ông Sam và hai trẻ mồ côi nằm lưng chừng quả đồi dẫn lên bằng con đường đất đỏ quạch. Trời mưa, đất nhão. Gió ùa vào lạnh buốt. “Con bé muốn đi lớp mẫu giáo lắm nhưng làm gì có lớp riêng cho cháu. Nó quẩn quanh với ông bà và thường đem ảnh mẹ ra ngắm” – ông Sam buồn rầu.

Không như những đứa trẻ bằng tuổi thường khóc đòi mẹ khi đêm xuống, bé Phương thường mở to mắt hỏi bà: “Sao mẹ đi ngủ lâu thế? Mẹ không về với chị Thảo và con nữa à?” rồi nó nằm im nghe ngóng bước chân.

Sau khi vợ chồng Ái qua đời, ông bà Sam được chính quyền thị trấn Trần Phú hướng dẫn làm thủ tục nhận trợ cấp trẻ mồ côi từ tháng 8/2008. Riêng bé Mai Phương được làm thủ tục khám sức khỏe định kỳ và được cấp thuốc miễn phí. Lương hưu giáo viên của ông và cán bộ y tế của bà cũng chỉ đủ để gia đình bốn người hai già, hai trẻ trang trải cho cuộc sống.

Điều an ủi lớn nhất với gia đình ông Sam lúc này là chính quyền địa phương và bà con hàng xóm luôn động viên chia sẻ trước mọi khó khăn.

Bé Hoàng Phương Thảo, con gái đầu của vợ chồng Ái, năm nay học lớp 2. Thương ông bà, bé chăm chỉ học và hai năm liền là học sinh giỏi xuất sắc. Thảo là học sinh duy nhất của Trường Tiểu học Trần Phú B nhận học bổng 200 ngàn đồng/tháng của một doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn trao tặng. Nó chỉ dám khóc thầm khi nhớ bố mẹ.

Đang giở câu chuyện, ông tổ trưởng tổ hưu trí đội 9, thị trấn Trần Phú bước vào bắt tay ông Sam: “Chiều mai mời ông bà đi họp nhé. Nhớ cho cả con bé con đi cùng. Nó ở nhà một mình tội lắm!”. Rồi những người già ngồi hàn huyên bàn nhau cách chăm sóc đứa trẻ.

Ông Sam tâm sự, Sở LĐTB&XH của tỉnh động viên và đề xuất với ông bà đưa đứa bé vào trại trẻ mồ côi hoặc tìm địa chỉ chăm sóc trẻ có HIV để ông bà bớt vất vả. “Làm thế sao được, vợ chồng tôi quyết rồi. Còn sức lực, còn cố gắng chăm chút cho tụi nó. Tôi học hỏi kinh nghiệm và trang bị kiến thức để chăm sóc cháu được an toàn rồi” – Bà nội của bé Phương ôm cháu vào lòng, nước mắt lưng tròng.

Chia tay ông bà Sam, tôi gửi biếu túi quà và một trăm ngàn cho hai đứa nhỏ. Ông bà Sam nhất định không nhận. Bé Phương rón rén đến bên tôi đón túi quà: “Con cám ơn cô”.

Kỳ sau: Đứa bé bị bỏ rơi

MỚI - NÓNG
Vì sao chưa áp Tết đã hết vé tàu?
Vì sao chưa áp Tết đã hết vé tàu?
TPO - Mặc dù chưa áp Tết nhưng nhiều chuyến tàu đi các ngày từ 22/1 (23 tháng Chạp) đến 26/1/2025 (27 tháng Chạp) đã hết vé chiều từ Nam ra Bắc, giá vé tàu năm nay cũng tăng cao so với năm ngoái do có sự thay đổi khác biệt về ghế ngồi.