Mỹ có tỷ lệ ô nhiễm cao nhất với 94% các sợi nhưa được tìm thấy trong nước lấy mẫu tại các địa điểm như tòa nhà Quốc hội, trụ sở Cơ quan Bảo vệ Môi trường, tháp Trump ở New York. Li-băng và Ấn Độ là hai nước có tỷ lệ ô nhiễm sợi nhựa cao thứ nhì và thứ ba. Các quốc gia châu Âu, gồm cả Anh, Đức và Pháp, có tỷ lệ ô nhiễm thấp nhất, dù cũng lên tới 72%. Số lượng sợi plastic tìm thấy trong mỗi 500ml mẫu nước dao động từ 1,9 ở châu Âu tới 4,8 ở Mỹ.
Trước đây, các nhà khoa học chỉ tập trung vào vấn đề ô nhiễm nhựa ở đại dương, bày tỏ lo ngại về việc vấn đề sức khỏe khi con người ăn các loại hải sản nhiễm nhựa. Tiến sĩ Sherri Mason, chuyên gia về nhựa tại ĐH New York (Mỹ), người giám sát các phân tích của Orb Media, nói: “Chúng tôi có đủ dữ liệu từ việc quan sát các động vật hoang dã, và những ảnh hưởng của nhựa đối với động vật hoang dã là đáng lo ngại. Nếu nó ảnh hưởng đến động vật hoang dã, làm sao nó không thể không ảnh hưởng đến chúng ta?”.
Lo ngại ảnh hưởng sức khỏe
Theo kết quả nghiên cứu ở Ireland được công bố hồi tháng 6, ô nhiễm sợi nhựa có thể thấy trong bất kỳ vốc nước máy nào. Tiến sĩ Anne Marie Mahon tại Viện Công nghệ Galway-Mayo, người tiến hành nghiên cứu, nói: “Chúng tôi không biết tác động của nó tới sức khoẻ là gì, nhưng đó cũng là lý do khiến chúng ta nên tuân theo nguyên tắc phòng ngừa và cố gắng hết sức ngay từ bây giờ để có thể biết được nguy cơ thực sự là gì. Chúng rất nhỏ và có thể xâm nhập vào tận trong các tế bào. Điều này rất đáng lo ngại”.
Nghiên cứu của Orb Media thu được các hạt nhựa có kích thước lớn hơn 2,5 micro mét, tức là lớn hơn 2.500 lần so với một sợi nano. Tiến sĩ Mahon cho biết, các sợi nhựa này có thể hút vi khuẩn độc hại trong nước thải. Một số nghiên cứu cho thấy, có nhiều mầm bệnh nguy hại trong nguồn nước thải tồn tại trong các sợi nhựa siêu nhỏ.
Giáo sư Richard Thompson tại ĐH Plymouth (Anh) nói ông thấy 1/3 số cá đánh bắt ở Anh có chứa sợi nhựa và nó có thể gây bệnh đường ruột nếu người ăn phải cá nhiễm độc. Các nghiên cứu ở Đức cũng phát hiện các sợi và mảnh nhựa trong tất cả 24 loại bia, trong mật ong và đường mà họ kiểm tra. Năm 2015, các nhà nghiên cứu tại Paris cũng tìm thấy sợi nhựa bay trong không khí. Ước tính có khoảng 3-10 tấn sợi nhựa tồn tại trong thành phố mỗi năm và chúng cũng có mặt trong không khí ở trong gia đình.
Ông Frank Kelly, giáo sư về sức khoẻ môi trường tại King’s College London (Anh), đã dẫn đầu một nghiên cứu về sự tồn tại của sợi nhựa trong môi trường. Năm 2016, ông đưa vấn đề này ra chất vấn tại Nghị viện Anh: “Nếu chúng ta hít phải chúng, chúng có thể đưa hóa chất độc hại tới phổi và thậm chí lưu thông khắp cơ thể chúng ta hay không?”. Sau khi xem dữ liệu của Orb Media, giáo sư Kelly nói rằng, cần phải nghiên cứu để xác định liệu các hạt nhựa đưa vào cơ thể gây ra nguy cơ gì đối với sức khỏe.
Có thể nói, quy mô ô nhiễm sợi nhựa toàn cầu đã bắt đầu trở nên rõ ràng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, mỗi chu kỳ của một chiếc máy giặt có thể giải phóng 700.000 phân tử nhựa vào môi trường. Nước mưa cũng có thể mang theo sợi nhựa. Máy sấy cũng là một nguồn tiềm ẩn đưa sợi nhựa bay ra không khí. Gần 80% số gia đình Mỹ sử dụng máy sấy. Trong nghiên cứu của Orb Media, các nhà khoa học cũng phát hiện thấy sợi nhựa trong các chai nước đóng chai được xét nghiệm tại Mỹ.
Gần 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm, và chỉ có 20% được tái chế hoặc thiêu đốt, phần lớn xả vào không khí, đất và biển. Một báo cáo vào tháng 7 cho thấy, 8,3 tỷ tấn nhựa được sản xuất từ những năm 1950 đến nay. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, chất thải nhựa đã trở nên phổ biến trong môi trường.