Bước qua nỗi sợ hãi
Hoàng Thị Bích Phương vốn là sinh viên chuyên ngành quản trị kinh doanh, ĐH DL Văn Lang. Nếu có một bản đồ ghi dấu những nơi Phương qua thì bước chân của bạn ấy đã đặt đến tất cả những nước Đông Nam Á (trừ Đông Timor) và vùng lãnh thổ như Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Ma cao.
Nhiều chuyến đi, cô bạn chỉ độc hành cùng chiếc balo trên những chặng đường tít tắp. Nhiều người e ngại khi thấy cô gái bé nhỏ lang thang nhiều ngày ở Ấn Độ, nơi người ta rùng mình bởi chuyện về những cô gái bị hiếp dâm tập thể.
Nhưng cô ấy chỉ nói rằng: “Thế gian vốn dĩ không có nơi nào an toàn tuyệt đối, cũng không có nơi nào bất ổn hoàn toàn. Biết trước để đề phòng, né tránh, giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất có thể mà thôi”.
Nhưng sự thật thì ban đầu Phương không hề có ý tưởng lang thang ở Ấn Độ: “Tui sợ nhiều thứ lắm! Tui sợ những chuyến bay trên cao, sợ nhớ nhà, nguy hiểm, bạo động, cướp bóc, sợ…tiêu chảy và đương nhiên sợ bị hiếp dâm.
Nhưng rồi có một buổi sáng, tui ngồi uống trà, ăn bánh với bà mợ tui. Bà kể đã đi Ấn Độ một mình, một vali. Bà là nữ tu đã bay nửa vòng trái đất đến đất Phật. Năm đó bà 87 tuổi. Tui trẻ hơn bà 2 thế hệ, lưng chưa còng, chân chưa mỏi, mắt chưa kèm nhèm. Và tôi đã đặt vé khứ hồi cho một hành trình bắc ngang qua Bắc Ấn”.
Và rồi cô ấy lên đường dẫu hôm ấy thời tiết xấu, máy bay cứ nâng lên rồi giật lại: “Tôi bắt đầu ngây ngấy sốt sau một tháng đi lang thang qua nhiều vùng đất khác nhau. Và Bắc Ấn là chặng cuối của một hành trình dài”.
Cảm nhận cuộc sống theo cách của mình
Người soát vé đã không nói về địa điểm Phương cần xuống khi đặt chân đến Calcutta mà đưa cô đến tận bến cuối cùng. Đứng ở nơi quá xa so với địa chỉ của guesthouse mà Phương đã chọn trong Lonely Planet nên Phương bắt đầu ngơ ngác.
Nhưng rồi thay vì lo sợ, Phương bắt đầu khám phá Calcutta theo cách của mình. Phương chia sẻ: “Ở Calcutta, bạn dễ dàng bắt gặp sách của Osho hay sách viết về mẹ Teresa ở bất kỳ hiệu sách nào, cùng như đĩa hát cũ và máy nghe nhạc xưa bày bán đầy đường. Và bạn biết không, ở đây có một con đường mang tên Hồ Chí Minh.
Trước khi xe lửa dừng chân ở New Delhi thì phải chạy ngang qua một khu ổ chuột. Ở đó nhà không có nóc, xây xen kẽ giữa những bãi rác thải chất cao. Ở đó nhà cũng không có cửa, trẻ con cũng có đưa không mặc quần áo, người đen thui, bụng ỏng, chân tay lèo khoèo, khóc ngằn ngặt trên tay mẹ.
Nhà ga trung tâm thì rộng vô cùng, có chừng 20 đường tàu. Nhưng nhà ga là một bức tranh của đời sống thu nhỏ, với một bên là khu sang trọng, máy lạnh mát rượi, vắng người với một bên là khu nóng bức, chật chội, nhếch nhác và lúc nào cũng chật ních người. Nhiều gia đình ngủ ngoài sân ga với tấm chăn đầy ruồi nhặng. Có những gia đình chờ đợi một chuyến tàu và có cả những gia đình chẳng bao giờ bước lên một chuyến tàu nào cả”.
Ngày Phương đến Amritsar, Phương đi tìm hồ nước thánh. Người dân Amritsar cho rằng tắm ở nơi đây có thể tẩy rửa hết mọi tội lỗi tích lũy từ nhiều kiếp. Đến hồ nước thánh, người ta còn mang theo can để lấy nước. Bước qua cổng, mọi người phải bỏ giầy dép, rửa chân trước cổng đền và đội lên đầu một tấm khăn. Chỉ cần bước qua cổng là có người quỳ xuống, kẻ rạp người sát mặt đất tùy đức tin mỗi người.
Đến Amritsar, nếu không vào các dịp lễ, bạn có thể đăng ký một chỗ ở miễn phí dành cho khách hành hương. Nhưng Phương không may mắn thế, khi mọi nơi đều lắc đầu trước lời đề nghị thuê phòng của cô. Chỉ đến khi một guesthouse thấy cô gái tội nghiệp không tìm được chỗ ngủ nên đã dọn nhà kho trên sân thượng cho ở tạm.
Ở Amritsar, từ quán xá, lề đường đến nhà hàng sang trọng đều chỉ bán đồ ăn chay, thậm chí cả thức ăn nhanh kiểu pizza. Bia, rượu được bọc gói trong lớp giấy kín để không ai nhìn thấy.
Những cô gái độc thân đi du lịch một mình
Trong câu chuyện Phương kể, có một chi tiết thú vị: “Có ngẫu nhiên không, khi đến Taj Mahal tôi gặp một nhóm 3 cô gái độc thân đi du lịch một mình. Một cô người Nhật và 2 cô người Hàn Quốc. Họ gặp nhau trên hành trình của mình và để tiết kiệm chi phí. Họ quyết định đi chung với nhau và giờ họ gặp thêm tôi nữa, một cô gái Việt Nam”.
Họ dừng lại ở Taj Mahal, nơi được xem là biểu tượng của tình yêu bất diệt. Trong nhật ký hành trình, Phương viết: “Nghe nói cung điện ấy được xây dựng bắt tất cả sự tinh túy, tài hoa thời bấy giờ. Để cho cung điện ấy là duy nhất, sau khi hoàn thành công trình, tất cả thợ thủ công tham gia đều bị hành hình như chặt tay, móc mắt để họ không thể làm ra một công trình giống như vậy.
Taj Mahal được làm bằng thứ đá cẩm thạch trắng tinh khiết nhất. Tinh khiết tới mức khi ánh sáng chiếu qua nó sẽ xuyên vào khối đá và bị nhốt trong đó. Vậy nên mỗi buổi sáng, khi mặt trời đi qua Taj Mahal, nó sẽ làm ngôi đền biến đổi thành những màu sắc khác nhau.
Vào buổi bình minh, khi ánh sáng dịu nhẹ, Taj Mahal có màu vàng rực rỡ. Khi hoàng hôn buông xuống, ngôi đền chuyển từ màu cam sang hồng rồi tím sậm theo ánh tịch dương. Trong những đêm trăng tròn, Taj Mahal khoác lên mình bộ áo óng ánh bạc của một thứ báu vật của trời đất.
Trong mắt tôi, Taj Mahal xinh đẹp và lộng lẫy, là công trình kiến trúc vĩ đại. Còn tình yêu thì đã chết rồi, chỉ còn nỗi đau thương của một ông hoàng khi mất đi người mình yêu dấu. Và còn đó, nỗi tiếc nuối sự tài hoa của biết bao thợ thủ công giỏi giang lúc bấy giờ. Yêu một người không nhất thiết phải như vậy”.
Dường như những người đi du lịch một mình có nhiều khoảng lặng để suy tư về cuộc sống nhiều hơn. Nhưng một người khát khao những chuyến đi như Phương lại tâm niệm rằng: “Cuộc đời vốn dĩ không phải dành cho những chuyến đi bất tận không mục tiêu.
Bạn hãy cứ đi, nếu như bạn muốn nhưng phải xác định rằng mình thật sự muốn gì và sẽ đạt được những gì sau chuyến đi. Không có mục tiêu chính trong cuộc đời, bạn sẽ bị cuốn vào vòng luẩn quẩn: Vội vã trở về, vội vã ra đi nhưng cuối cùng chẳng có gì đọng lại kể cả cảm xúc”.
Phương thấy giàu có bởi những chuyến đi nhiều cảm xúc của mình. Nhiều đến mức, như một cái ao tù được ra biển lớn.