76 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021)

Nữ nhà văn áo lính tri ân ‘Những người phất cờ hồng’

0:00 / 0:00
0:00
Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh xin ý kiến Đại tướng Nguyễn Quyết về những cứ liệu lịch sử cho tập bút ký. Ảnh: Việt Văn
Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh xin ý kiến Đại tướng Nguyễn Quyết về những cứ liệu lịch sử cho tập bút ký. Ảnh: Việt Văn
Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021), nữ nhà văn áo lính - Thiếu tá Phạm Vân Anh, cán bộ Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng vừa cho ra mắt tập bút ký “Những ngày phất cờ hồng” do NXB Quân đội nhân dân ấn hành. Toàn bộ nhuận bút tập bút ký đã được tác giả gửi tặng đồng bào miền Nam chống dịch COVID-19.

Từng có nhiều tác phẩm nổi bật viết về đề tài chiến tranh cách mạng, Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh chia sẻ, “Những người phất cờ hồng” tập hợp các bút ký chân dung về những người con trung hiếu của dân tộc. Có những người quen thuộc xuất hiện nhiều trên truyền thông, song cũng có những câu chuyện, những nhân vật đáng trân trọng nhưng chưa được công chúng biết tới nhiều.

Độc giả sẽ có cơ hội gặp lại nhân chứng sống của những ngày mùa thu cách mạng, cách đây 76 năm. Đó là Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thượng tướng Song Hào, nguyên Trưởng ban Kiểm tra T.Ư, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Trung tướng Phạm Kiệt, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), nguyên Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng); Thiếu tướng Trần Tử Bình, một trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội; bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ), phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh...

“Tôi mong muốn tập bút ký có thể truyền thông điệp về tinh thần Cách mạng tháng Tám, tâm thế của người Việt trong những ngày mùa thu lịch sử 76 năm trước vào khí thế của đất nước trong giai đoạn đồng tâm, chia sẻ để vượt qua đại dịch COVID-19 hiện nay”, Thiếu tá Phạm Vân Anh nói.

Trong tập bút ký công phu này, không khí cách mạng được tái hiện theo dọc dài đất nước. Từ Cao Bằng, Lạng Sơn, những chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân như ông Hoàng Long Xuyên đã giành lại chính quyền từ tay phát xít Nhật. Xa xôi như ở Bạc Liêu, sáng 25/8/1945, bà Bảy Huệ cùng các đồng chí tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại sân vận động tỉnh lỵ ra mắt Ủy ban Dân tộc giải phóng và Ủy ban Hành chính cách mạng lâm thời tỉnh Bạc Liêu.

Hay ông Đặng Văn Việt từng được gọi là “Hùm xám đường số 4”, người từng cắm cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài Kinh thành Huế trong những ngày giành chính quyền. Đó là ông Đặng Nam với hào khí “Tiếng trống Kim Sơn” sôi sục miền duyên hải Bắc Bộ từ tháng 3 đến tháng 8/1945 và nhà văn Hoàng Công Khanh từ nhà tù Sơn La đã vượt ngục trở về lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy ở Kiến An (Hải Phòng)…

Nữ nhà văn áo lính tri ân ‘Những người phất cờ hồng’ ảnh 1

Người truyền cảm hứng nhiều nhất cho tác giả chính là Đại tá Hoàng Long Xuyên, nay đã 104 tuổi, hiện đang sống tại Thái Nguyên. Thiếu tá Vân Anh chia sẻ: “Tôi đến thăm và trò chuyện với cụ bốn lần, lần nào cũng nhận được những thông tin, tư liệu quý. Cụ là người có nhiều cống hiến, song do thời cuộc nên từng có thời kỳ bị thiệt thòi nhưng cụ không hề có một chút ấm ức hay đòi hỏi gì. Tôi đã nhận được nhiều bài học lớn về đức hi sinh, sự nhẫn nhịn và nhất là sự giản dị, khiêm cung, không tự cho mình là công thần qua những người như cụ Xuyên”.

Với những nhân chứng ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhiều độc giả cũng đặt vấn đề về tính chân xác của thông tin. “Để đảm bảo tính khoa học của thông tin lịch sử, tránh việc nhầm lẫn hoặc chiến công, thành tích của người này lại gán cho người khác, làm sai lệch các yếu tố lịch sử dù là nhỏ nhất, tôi đã dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu lịch sử, gặp gỡ các sử gia và tìm đến các nhân chứng để hiểu thêm về giai đoạn cách mạng đó”, chị nói.

Nữ nhà văn áo lính tri ân ‘Những người phất cờ hồng’ ảnh 2

Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh và đồng nghiệp tới thăm Đại tá Hoàng Long Xuyên - một trong những nhân vật tiêu biểu của tập bút ký. Ảnh: Việt Văn

Nối tiếp dòng chảy quá khứ, Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh còn theo chân và khắc họa vẻ đẹp của người Việt Nam hôm nay - những người đang có mặt nơi tuyến đầu, biên giới, hải đảo. Tác giả dành nhiều trang viết xúc động về các già làng, trưởng bản và cán bộ đang sinh sống, làm việc ở những vùng khó khăn, gian khổ để tôn vinh và động viên họ tiếp tục cống hiến, sáng tạo với tinh thần “người cộng sản” chân chính.

Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh hiện là Chi hội phó Chi hội Nhà văn Quân đội. Trong sự nghiệp sáng tác, chị đã có nhiều tác phẩm được công chúng đón nhận, đánh giá cao và giành nhiều giải thưởng trong và ngoài Quân đội. Tiêu biểu như Tôi chào tôi (tập thơ, NXB Hải Phòng, 2004 ); Mùa tình (tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2007); Góc ( tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2009); Ngón hoa (tập truyện ngắn, NXB Quân đội nhân dân, 2011); Khúc quân hành lặng lẽ (truyện ký, NXB Công an nhân dân, 2014); Sa mộc (trường ca, NXB Lao Động, 2016); Đường biên cương dệt mùa xuân (Bút ký, NXB Quân đội nhân dân, 2017)…

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.