NSND Lâm Tới
NSND Lâm Tới tên khai sinh là Lâm Thanh Tòng, sinh năm 1937, quê làng Mỹ Hội, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc nay là huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1959, Lâm Tới vào học trường Điện ảnh khóa đầu tiên ở Hà Nội. Ra trường, ông về công tác tại xưởng phim truyện Việt Nam, tại đây ông được giao vai Kính trong phim “Hai người lính”, phim đã đoạt Quả cầu vàng tại Tiệp Khắc.
Lâm Tới vai Ba Đô trong phim “Cánh đồng hoang”. |
Ngay sau bộ phim “Hai người lính”, Lâm Tới có mặt trong hàng loạt những bộ phim cách mạng nổi tiếng thời ấy như: “Cánh đồng hoang”, “Nổi gió”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Đường về quê mẹ”, “Nguyễn Văn Trỗi”… Tài năng của Lâm Tới được ghi nhận qua cách diễn chân thật, đời thường, giản dị của ông. Lâm Tới hóa thân trọn vẹn tới mức, mỗi nhân vật của ông đều để lại dấu ấn với điện ảnh, dù là chính diện hay phản diện.
Với vai diễn Tám Quyện trong “Mùa gió chướng, và vai Ba Đô trong phim “Cánh đồng hoang”, NSND Lâm Tới được trao tặng Bông Sen Vàng ở hạng mục Nam diễn viên xuất sắc tại LHP quốc gia lần thứ 5 (1980). Bộ phim cuối cùng NSND Lâm Tới tham gia là bộ phim truyền hình “Đồng tiền xương máu” (đạo diễn Đinh Đức Liêm) sản xuất năm 1999. Năm 2000, do bệnh nặng, NDND Lâm Tới đã qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng người hâm mộ.
NSND Thế Anh
NSND Thế Anh sinh năm 1938 tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông là con thứ ba trong một gia đình khá giả. Ông theo học lớp diễn viên của Trường Nghệ thuật Sân khấu. Ông học cùng khóa với Trần Tiến, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung... Tốt nghiệp loại ưu năm 1964, Thế Anh về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương. Trong nghiệp diễn của mình, Thế Anh thành công với cả hai lĩnh vực, sân khấu và điện ảnh. Thế Anh đã để lại hàng trăm vai diễn lớn, nhỏ với sân khấu và hơn 60 vai diễn trong các bộ phim truyện nhựa. Nhắc đến điện ảnh cách mạng Việt Nam không thể nhắc đến Thế Anh với những vai diễn ấn tượng trong các phim: “Nổi gió”, “Mối tình đầu”, “Đường về quê mẹ”, “Em bé Hà Nội”, “Ngày lễ thánh”, “Không nơi ẩn nấp”…
Trung úy Phương trong bộ phim “Nổi gió” từng khiến các fan hâm mộ nữ "điêu đứng" một thời. |
NSND Thế Anh đã đặt tên cho hai con trai của mình là Thế Phương và Thế Duy để kỷ niệm 2 vai diễn thành công nhất trong nghiệp diễn của mình. Thế Phương lấy tên từ vai Trung úy Phương trong bộ phim “Nổi gió” (đạo diễn Huy Thành), Thế Duy lấy tên từ vai diễn Ba Duy trong phim “Mối tình đầu” (đạo diễn Hải Ninh). Hai vai diễn ghi dấu tài năng và khả năng sáng tạo nghệ thuật không ngừng của NSND Thế Anh.
Năm 1980, tại LHP quốc gia lần thứ 5, ông được vinh danh ở hạng mục dành cho Nam diễn viên xuất sắc với vai diễn Ba Duy trong phim “Mối tình đầu”. Năm 2001, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2003, ở tuổi 65, nghệ sĩ góp mặt trong phim truyền hình “Dốc tình” rồi dừng hẳn diễn xuất. Những năm cuối đời, Thế Anh tìm niềm vui tuổi già ở việc viết sách và nghiên cứu phim ảnh. Cuối tháng 9/2019, NSND Thế Anh đã từ trần sau một cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 81 tuổi.
NSND Trịnh Thịnh
Trịnh Thịnh sinh năm 1926 là thời điểm giao thời giữa chế độ phong kiến và thực dân. Ông lớn lên tại Hà Nội. Từ nhỏ, Trịnh Thịnh đã có niềm đam mê lớn với điện ảnh khi thường xuyên lui tới những buổi chiếu phim ở Hàng Quạt, Hàng Da. Lớn lên, ông làm việc ở ngân hàng Đông Dương rồi xoay qua xoay lại nhiều nghề, nhưng rốt cuộc, cái duyên vẫn đưa ông trở về nghiệp diễn.
Năm 1956, Trịnh Thịnh trúng tuyển cuộc thi diễn viên lồng tiếng cho một hãng xuất nhập khẩu phim của Liên xô, từ đây, ông chính thức bước chân vào làng điện ảnh Việt. Ông được mời tham gia “Chung một dòng sông”, bộ phim truyện đầu tiên của miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và cũng là bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.
NSND Trịnh Thịnh để lại nhiều dấu ấn về những vai diễn hài đầy sâu sắc, đáng suy ngẫm. |
Trịnh Thịnh sau đó đóng rất nhiều phim, có một sự nghiệp diễn xuất đồ sộ, trở thành một cái tên quen thuộc với công chúng, có thể kể tên như: “Thằng Bờm”, “Vợ chồng anh Lực”, “Lá ngọc cành vàng”, “Lời nguyền của dòng sông”, “Thị trấn yên tĩnh”, “Vợ chồng A Phủ”… Những vai diễn thành công của Trịnh Thịnh đa phần là vai hài, song ông không đóng hài kiểu ăn xổi, nông cạn mà thay vào đó, nghệ sĩ đi sâu vào khai thác tâm lý nhân vật, để sau tiếng cười đó, khán giả vẫn thấy nhiều điều đáng suy ngẫm.
Vơi vai diễn phó chủ tịch huyện trong phim Thị trấn yên tĩnh và vai ông nội Bờm trong phim “Thằng Bờm”, NSND Trịnh Thịnh được trao Bông Sen Vàng cho Nam diễn viên xuất sắc nhất tại LHP quốc gia lần thứ 8 (1988). Giữa tháng 4/2014, người nghệ sĩ nhân dân đã ra đi mãi mãi sau cơn bạo bệnh ở tuổi 87 để lại nhiều nỗi tiếc thương cho gia đình và những người hâm mộ ông.
NSƯT Hữu Mười
Bộ phim “Bao giờ cho đến tháng 10” của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã được giới chuyên môn bình chọn là một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Năm 2008, CNN đánh giá “Bao giờ cho đến tháng 10” là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. Với vai diễn thầy giáo Khang trong phim, NSƯT Hữu Mười được trao tặng Bông Sen Vàng cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP quốc gia lần thứ 7 (1985).
Nguyễn Hữu Mười sinh ngày 9/9/1957 tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trong gia đình 11 anh chị em. Từ nhỏ, anh đã đam mê nghệ thuật. Năm 1974, nghe tin có Đoàn kịch Trung ương về huyện biểu diễn và tuyển diễn viên, anh cùng mấy người bạn rủ nhau đến xem và đánh liều đăng ký ứng tuyển. Thế rồi, anh trúng tuyển lớp diễn viên điện ảnh khóa II Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cùng các bạn học sau này trở thành các diễn viên nổi tiếng, như: Bùi Cường, Phương Thanh, Bùi Bài Bình, Vũ Đình Thân, Quốc Trọng, Thanh Quý, Ngọc Thu, Đào Bá Sơn, Minh Châu... Năm 1977, khi tốt nghiệp, anh về công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam.
NSƯT Hữu Mười có duyên với những vai diễn thầy giáo nghèo. |
Năm 1986, tạm biệt vai trí thức, nhà giáo nghèo vốn đã định vị, Hữu Mười có dịp vào anh bộ đội Tâm trong phim “Ngày về” (đạo diễn Tự Huy). Anh đã hóa thân vào vai người lính thời hậu chiến với các thể hiện đa dạng những góc cạnh, chiều sâu tính cách. Vai diễn rất khó này đã khiến người đọc nhớ bền, nhớ lâu.
Năm 1987, Hữu Mười được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử đi học Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Matxcova theo Hiệp định hợp tác Văn hoá - Giáo dục giữa hai nước. Sau 7 năm học tập, năm 1993, anh đã tốt nghiệp Khoa đạo diễn và trở lại Hãng phim Truyện Việt Nam công tác. Phim điện ảnh “Mùi cỏ cháy” do ông đạo diễn đoạt Cánh Diều Vàng năm 2011. Hiện ngoài công việc đạo diễn, NSƯT Hữu Mười còn giảng dạy tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
Nghệ sĩ Thương Tín
Diễn viên Thương Tín sinh năm 1956, ông bén duyên với nghệ thuật từ năm 13 tuổi. Sau khi bỏ nhà ra đi, ông theo đoàn cải lương vì muốn trải nghiệm cuộc sống nay đây mai đó, chu du khắp bốn phương. Được hơn 2 năm, nam nghệ sĩ quay về nhà và đi học tại trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ Sài Gòn.
Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp đóng phim đến nay, nghệ sĩ Thương Tín đã tham gia hơn 200 bộ phim điện ảnh. Thời điểm đó, nghệ sĩ Thương Tín xứng danh tài tử số một với vẻ ngoài điển trai, lịch lãm và thường xuyên đóng vai nam chính trong các bộ phim truyền hình. Một số vai diễn nổi bật của nam nghệ sĩ có thể kể đến như: Vai thiếu tá Lưu Trọng Kỳ Vọng trong “Ván Bài Lật Ngửa”, tướng cướp Bạch Hải Đường trong “Săn Bắt Cướp”, Sáu Tâm trong “Biệt Động Sài Gòn”,...
Nghệ sĩ Thương Tín là một trong những gương mặt ăn khách của dòng phim cách mạng một thời. |
Ở thời điểm đó, dù nghệ sĩ Thương Tín đang kẹt đóng phim nhưng các đạo diễn vẫn chờ ông cho bằng được. Thậm chí có những nhà sản xuất không ưa Thương Tín mà vẫn mời bởi sự nổi tiếng của ông. Khoảng thời gian huy hoàng của sự nghiệp, có năm nam nghệ sĩ đóng tới 12 vai chính.
Cái tên Thương Tín cũng nổi danh một thời là một nghệ sĩ phong lưu, tiêu tiền không tiếc tay. Diễn viên trải qua nhiều cuộc tình và có một cuộc hôn nhân thất bại.
Năm 2015, ông ra mắt hồi ký "Một đời giông bão". Trong sách, ngoài thuật lại cuộc đời thăng trầm, ông kể lại trải nghiệm tình ái với nhiều người đẹp trong làng giải trí một thời. Cuộc sống của Thương Tín saunày gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Gầntuổi 60, ông kết hôn với người vợ kém 32 tuổi và có thêm một cô con gái. Cuối tháng 2/2021, nghệ sĩ Thương Tín bị đột quỵ tại nhà trọ. Ông đã được người ở cùng chỗ trọ đưa đi cấp cứu và hiện tại đã ra viện, về quê nghỉ dưỡng.