Về một bức ảnh chiến tranh hoàn hảo

0:00 / 0:00
0:00
Hiên ngang! (Phủ Lạng Thương Bắc Giang, 1967). Bức ảnh đoạt giải thưởng Nhà nước về VHNT 2007 Ảnh: VŨ TẠO
Hiên ngang! (Phủ Lạng Thương Bắc Giang, 1967). Bức ảnh đoạt giải thưởng Nhà nước về VHNT 2007 Ảnh: VŨ TẠO
TP - Thời chiến tranh, bức ảnh Hiên ngang của Vũ Tạo trên báo khiến chúng tôi ngỡ ngàng và thèm khát chụp được một bức ảnh bộ đội cao xạ chiến đấu kiên cường, đẹp hoàn mỹ như thế.

Hiên ngang (còn có tên Gan thép) ra đời năm 1967, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của ảnh chiến sự từ “ảnh tĩnh” sang “ảnh động”, từ ảnh “sẵn sàng chiến đấu” sang ảnh “đang chiến đấu”, mặc dù trước và sau đó có những ảnh khói lửa rất đáng khâm phục.

ĐIỂN HÌNH CỦA NHIẾP ẢNH CHIẾN TRANH

Vũ Tạo học khóa nghiệp vụ Thông tấn nhiếp ảnh báo chí năm 1965-1966 cùng Lương Nghĩa Dũng, Hứa Kiểm, Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng... Lớp tôi ra nghề sau anh một năm. Chúng tôi cảm phục Vũ Tạo đã đành, mà ngay các tay máy cự phách từ thời chống Pháp đang cầm máy trong thời chống Mỹ như Nguyễn Văn Phú (thầy dạy nhiếp ảnh của Vũ Tạo và các lớp nghiệp vụ thông tấn), Hiệp Đồng, Lâm Hồng Long, Đoàn Tý (Việt Nam Thông tấn xã), Triệu Đại, Đinh Ngọc Thông, Nguyễn Đình Ưu, Vũ Ba (báo Quân đội Nhân dân), cả những tay máy nổi trội, ít tuổi hơn các bác nhiếp ảnh chống Pháp đều “chịu” vẻ đẹp hào hùng hiếm hoi ấy của bức ảnh.

Khi Hiên ngang đoạt giải A cuộc thi và triển lãm Ảnh báo chí Toàn quốc1968, nó như một cú hích dẫn đến cuộc “thi đua ngầm” của các nhà nhiếp ảnh chiến tranh “săn lùng khói lửa” ở mặt đất trở nên sôi động. Nó tiếp sức cho bức Chạy đâu cho thoát, năm 1966 của Mai Nam (báo Tiền Phong)- bức này kích hoạt cuộc “săn lùng máy bay cháy” trên bầu trời, khơi nguồn cảm hứng cho O du kích nhỏ của Phan Thoan ở Hà Tĩnh năm 1966, hoặc Giải thiếu tá không quân Mỹ R.H Su-mếch-cơ (R.H Sumaker) năm 1965 của Văn Bảo, Việt Nam Thông tấn xã.

Chưa bao giờ nhiếp ảnh gắn liền và có tác dụng trực tiếp tới các hành động anh hùng, các điển hình tiên tiến như vậy!

Cứ thế, các nhà nhiếp ảnh Nam lẫn Bắc hăng say cầm máy đi đến mọi trọng điểm bắn phá, mọi con đường huyết mạch, mọi mặt trận ác liệt để “săn” các sự kiện, sự việc nóng hổi. Những năm ấy, Hiên ngang, Chạy đâu cho thoát, O du kích nhỏ... trở thành những tác phẩm ảnh điển hình của phương pháp sáng tác hiện thực - một hiện thực sống động, nguyên vẹn, nói lên khí phách hào hùng bất khuất của quân và dân ta. Đồng thời những tác phẩm ấy, đặc biệt là Hiên ngang đã biểu đạt thế đứng của nhà nhiếp ảnh: Chung chiến hào, chung số phận với những người cầm súng.

Về một bức ảnh chiến tranh hoàn hảo ảnh 1

Đám cưới trong chiến tranh của nhà báo Vũ Tạo. Cô dâu chú rể đang chào hai họ và hai thủ trưởng: Lê Châu, Phó chủ nhiệm Phân xã Nhiếp ảnh VNTTX (trái) và Đại tá Trần Bình, Trưởng phòng Thông tấn Quân sự (phải)

Cũng chụp ảnh pháo cao xạ 37 ly bắn máy bay Mỹ, Vũ Ba lấy được lửa khói ở đầu nòng pháo nổ rất dữ dội, nền của ảnh lại là các khung thép vòm cầu Long Biên lộ ra trong khói bụi mù mịt. Súng đặt ngay bên cạnh cầu, đợi khi máy bay Mỹ lao xuống cầu dội bom, bắn rốc két, là quân ta nhằm thẳng đầu máy bay bắn lên. Nguy hiểm là vậy, dũng cảm là vậy, không kém gì trận Vũ Tạo hứng bom ở Phủ Lạng Thương. Nhưng bức Bảo vệ cầu Long Biên, (giải A cuộc thi và triển lãm ảnh Hà Nội sản xuất và chiến đấu, 1967) dường như vẫn thiếu một chút gì đó của sự đối đầu sống chết, của sự sống ngự trị cái chết- đó là tầm vóc con người, gương mặt con người kiên cường giữa bom đạn. Đành rằng người ta không thể ôm mọi yếu tố trong một bức ảnh theo ước muốn, nhưng tuyệt vời sao, Hiên ngang lại thực sự trọn vẹn, hoàn mỹ như một pho tượng trời sinh.

Để có được bức ảnh như Hiên ngang cũng có yếu tố may mắn đấy nhưng quá nguy hiểm. Nhà nhiếp ảnh đứng trong trận địa, đúng tầm dội bom của máy bay Mỹ. Với ống kính Tele 135 của máy ảnh Exakta Cộng hòa Dân chủ Đức (chưa phải loại tối tân lúc bấy giờ), Vũ Tạo bình tĩnh chỉnh khuôn hình thu gọn hai đụn khói bom làm nền cho ảnh, và lấy nét vào các pháo thủ đội mũ sắt, đeo nùn rơm sau lưng để cản mảnh bom đạn. Cái nùn rơm nẹp bằng tre chống mảnh bom mang chất “dân cày” của những người lính sinh ra từ nền văn minh lúa nước, càng khắc họa thêm nét độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Anh kể: “Bom nổ dữ dội nhưng lính cao xạ cứ thản nhiên như không, khiến mình cũng lỳ hơn. Tiếng bom vừa phát ra, mặt đất rung lên, mình liền ghì chặt máy ảnh vào trán, “nín thở, bóp cò” đúng yếu lĩnh như bắn súng trường mà thầy Văn Phú dạy. Nhờ vậy, ảnh nét căng và không bị chao mờ”.

Về một bức ảnh chiến tranh hoàn hảo ảnh 2

Nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo

TÌNH YÊU, TÌNH BẠN GẮN VỚI BỨC ẢNH NỔI TIẾNG

Hiên ngang gắn với mối tình của Vũ Tạo và cô gái cùng quê Hà Nam- cán bộ kỹ thuật của nông trường mía huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cách đơn vị pháo cao xạ không xa. Nó cũng gắn với Văn Bảo- đồng nghiệp thân thiết, kèm cặp Vũ Tạo buổi mới vào nghề.

Điều thú vị về “ảnh lửa khói” của các tay máy ngày đó: Rất sinh động, không lặp lại, không rập khuôn. Bởi lẽ đối tượng chụp ảnh rất phong phú, còn địa điểm, sự kiện trải rộng, diễn ra ở khắp nơi, thời điểm bấm máy khác nhau, và cái nhìn của từng nhà nhiếp ảnh lại càng khác biệt hơn.

Nhận được lệnh trực chiến ở khu vực cầu Phủ Lạng Thương, Vũ Tạo nói với tổ trưởng Văn Bảo, xin đi trước một ngày để thăm người yêu. Văn Bảo quyết định: “Để cho nhanh, tớ sẽ đi xe máy lai cậu tới đó, vừa thăm cô ấy vừa trực chiến”.

Sáng sớm hôm sau, Văn Bảo lấy chiếc xe máy MZ của Cộng hòa dân chủ Đức mà cơ quan dành cho phóng viên chiến sự, lai Vũ Tạo vượt cầu Long Biên bon bon thẳng tới Bắc Giang. Thế là chiều hôm đó chị Vũ Thị Hiển được nghỉ việc tiếp đón hai nhà báo và tâm sự với người yêu. Sáng hôm sau, Văn Bảo và Vũ Tạo đi xe máy tới ban chỉ huy pháo cao xạ nắm tình hình, rồi chia nhau mỗi người trực một trận địa chốt sát đầu cầu. Khi máy bay Mỹ oanh tạc dữ dội, hai anh chụp liên tục rất đã. Đến xế chiều, máy bay Mỹ ngừng hoạt động, Văn Bảo liền chạy sang trận địa Vũ Tạo lấy phim đã chụp của Tạo cùng với phim của mình đem về Hà Nội tráng. Lúc tráng phim in ảnh ở 18 Trần Hưng Đạo, thấy ảnh của Tạo đẹp, Văn Bảo thích lắm, lập tức gọi các báo đến lấy ảnh. Ngay hôm sau, tấm ảnh đặc sắc ấy được in trang nhất các tờ Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội Mới… Và tối hôm đó, Hiên ngang được Nguyễn Tấn, Ban Tin đối ngoại Thông tấn xã phát Telephoto (ảnh vô tuyến) cho các hãng thông tấn nước ngoài: TASS (Liên Xô), AND (Cộng hòa dân chủ Đức), AFP (Pháp), Reuter (Anh), AP và UPI (Mỹ).

Hình ảnh các chiến sĩ cao xạ nùn rơm súng thép dũng cảm phi thường đánh trả không quân Mỹ được định hình một cách tự nhiên. Một khoảnh khắc hào hùng bất ngờ chỉ nhiếp ảnh mới có! Khoảnh khắc ấy là vĩnh cửu, bất tử, không bao giờ lặp lại với Vũ Tạo hoặc bất cứ ai! Mãi mãi nó là “độc nhất vô nhị”.

Sau đó, Văn Bảo khuyến khích Vũ Tạo đưa ảnh này dự các cuộc thi và triển lãm ảnh trong nước, quốc tế. Cuối 1967, kỷ niệm 50 năm Quốc khánh Liên xô (cũ), Hiên ngang được giải Ba cuộc thi và triển lãm Vì sự nghiệp nhiếp ảnh do Hội Nhiếp ảnh Liên Xô tổ chức tại thành phố Volgagrad. Tiếp đó, bức ảnh giành giải A của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1968. Đến 2007, bức ảnh hoàn hảo Hiên ngang được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT một cách hoàn toàn xứng đáng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...