Thiếu tác phẩm thuần Việt
Tọa đàm về nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng là một trong những hoạt động chuyên môn trong khuôn khổ Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất năm 2024 được tổ chức tại TP. Hải Phòng.
Tọa đàm về nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng được tổ chức tại Nhà hát thành phố Hải Phòng. |
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - khẳng định ngoài loại hình múa rối nước mang nội dung, hình thức đậm đà bản sắc dân tộc, được đông đảo khán giả biết đến còn những loại hình nghệ thuật sân khấu khác chưa được biết đến nhiều.
“Hiện nay trẻ em lên mạng, xem các kênh phim, kênh giải trí của nước ngoài nhiều. Thế hệ trẻ dễ bị thu hút bởi những sản phẩm giải trí của nước ngoài. Nắm bắt tâm lý và thị hiếu của khán giả nhí, các đơn vị nghệ thuật vì thế ưu tiên lựa chọn các nội dung lấy cảm hứng từ các tác phẩm nghệ thuật nước ngoài”, NSND Trung Hiếu nêu.
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - cho rằng nghệ thuật sân khấu còn thiếu nhiều tác phẩm thuần Việt. |
Đây cũng là lý do nhiều khán giả nhí biết, yêu thích các câu chuyện, nhân vật nước ngoài hơn những nhân vật, câu chuyện cổ tích Việt Nam. NSND Trung Hiếu nhấn mạnh việc này đáng suy nghĩ và cần tìm phương án giải quyết.
Sân khấu đề tài lịch sử không thiếu khách
NSND Lệ Ngọc - Giám đốc sân khấu Lệ Ngọc - cho biết các vở diễn do sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng, biểu diễn phần lớn là các vở lịch sử tuy nhiên các buổi diễn luôn kín khách.
Các tác phẩm sân khấu hiện nay chú trọng đến tính giải trí hơn yếu tố văn hóa, giáo dục. Những bài học lồng ghép trong tác phẩm còn gượng ép và chưa thiết thực.
“Các tác phẩm nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu nhi chưa phát huy được hết tác dụng và vai trò trong việc giáo dục và định hướng nhân cách, tình yêu nước và hiểu biết về văn hóa dân tộc”, NSND Trung Hiếu nêu.
Đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt - Giám đốc sân khấu Sen Việt - chung quan điểm các sân khấu dành cho thiếu nhi quá tập trung vào khai thác mảng miếng hài hước, một số nhà hát, sân khấu vẫn lạm dụng tiếng cười.
“Nghệ thuật sân khấu cần nhiều hơn các tác phẩm mang tính định hướng giáo dục. Trong thời gian tới, sân khấu Sen Việt tiếp tục làm vở sân khấu lịch sử”, NSƯT Lê Nguyên Đạt nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng kịch bản, kỹ thuật dàn dựng
Lâu nay vấn đề kịch bản cho thiếu nhi là tương đối hiếm và khó viết vì ít tác giả viết cho trẻ em. Nhằm khắc phục vấn đề này các nhà hát phải liên tục tìm tòi, đặc biệt lấy kịch bản từ các cuộc phát động sáng tác kịch bản cho trẻ em.
Nhà hát Tuổi trẻ thông qua cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu phục vụ thiếu niên, nhi đồng do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức năm 2023 đã tìm được kịch bản phù hợp và dàn dựng tác phẩm cho năm 2024.
Vở kịch Vị vua không ngai của Nhà hát Tuổi trẻ được dàn dựng dựa trên kịch bản đạt giải A Cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu phục vụ thiếu niên, nhi đồng tổ chức năm 2023. |
Bên cạnh khâu kịch bản, đội ngũ sáng tạo luôn phải cập nhật, học hỏi xu hướng thế giới để nâng cao kỹ thuật dàn dựng góp phần làm tăng tính hấp dẫn cho mỗi vở diễn.
“Đội ngũ sáng tạo như biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo, thiết kế mỹ thuật, âm thanh ánh sáng phải không ngừng cập nhật những yếu tố mới trên thế giới nhằm ứng dụng hài hòa cho các vở diễn”, NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết.
NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết đội ngũ sáng tạo luôn phải cập nhật, học hỏi xu hướng thế giới. |
Theo đó, sự thay đổi phải đến từ thiết kế mỹ thuật, tạo hình nhân vật, âm thanh, âm nhạc phối khí mang tính đương đại…
"Việc này khiến các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi thêm phần sinh động và gần gũi hơn với cuộc sống hiện đại. Từ đó các khán giả nhỏ tuổi sẽ hào hứng hơn trong quá trình thưởng thức nghệ thuật”, NSND Trung Hiếu nêu.
Nhiều năm gắn bó, làm việc với thiếu nhi, Nguyễn Như Khôi - Chủ tịch Hội đồng trẻ em TP Hà Nội - khẳng định khán giả dù là người lớn hay trẻ em đều bị ảnh hưởng bởi “ấn tượng thị giác”. Điều này nhấn mạnh các đơn vị nghệ thuật sân khấu phải chú trọng hơn đến cách dàn dựng sân khấu công phu, “nịnh mắt”.
“Sân khấu và cảnh trí trên sân khấu phải đẹp, sau đó là trang phục. Những giá trị, thông điệp của vở diễn cần được đề cập trực tiếp, không lòng vòng, ẩn ý bởi suy nghĩ của thiếu niên, nhi đồng rất đơn giản, không phức tạp”, bạn Như Khôi chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng trẻ em TP Hà Nội mong các đơn vị nghệ thuật tiết chế các mảng miếng hài “nhạt”, “nhảm” chỉ mang tính chất chọc cười đơn thuần.
Bên cạnh những góp ý về kịch bản, kỹ thuật dàn dựng, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khán giả nhí, các nhà chuyên môn cũng nêu những vướng mắc trong việc xác định khái niệm tác phẩm dành cho thiếu nhi, các nhà sáng tạo chưa bỏ "cái tôi" để sáng tác tác phẩm dành cho thiếu nhi...
Đổi mới mô hình sân khấu học đường
NSND Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội - khẳng định cần có sự thay đổi trong việc thực hiện đề án sân khấu học đường. Để đề án sân khấu học đường mang lại hiệu quả thực chất hơn, ông đề xuất ngoài việc biểu diễn, các nhà hát cần tổ chức thêm các buổi giảng giải về bộ môn nghệ thuật đó, khiến các em hiểu rõ hơn và dần đam mê nghệ thuật sân khấu.